SUY NGHĨ VỀ VIỆC HOÀN CHỈNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Chủ nhật - 06/06/2021 05:20

SUY NGHĨ VỀ VIỆC HOÀN CHỈNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

[TƯ LIỆU] PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân, Học viện Chính trị Quốc gia HCM. Bài đã in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr.214-225.


         
        Quá trình đổi mới ở nước ta từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI-1986, đổi mới về chủ trương, chính sách đối với tôn giáo là một trong những nội dung lớn, đạt được những kết quả rất quan trọng làm chuyển biến căn bản tình hình tôn giáo, góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, để tiếp tục thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, để thích ứng với luật pháp quốc tế, cần thiết phải hoàn chỉnh pháp luật liên quan đến hoạt động tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội thông qua, và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018. Việc xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giá, là một tiến trình phù hợp với chủ trương của Đảng và đòi hỏi khách quan từ thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam. 
   
       I. Những căn cứ xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

     
 Thực ra, xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Đảng chỉ đạo tại Nghị quyết số 25/NQ-TW (2003) vì Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (2004) chỉ là quá độ tiến tới hoàn chỉnh pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo là văn bản pháp lý cao nhất phải mang tính lâu dài và ổn định. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo phải thể hiện quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo và tương thích với luật pháp quốc tế. Theo chúng tôi, xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo dựa trên những căn cứ rất cơ bản về lý luận và thực tiễn.

       1. Thể hiện quan điểm đổi mới đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước
        
        Chúng tôi xin nhắc lại để nhấn mạnh quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo được thể hiện qua các văn kiện quan trọng. Đó là Nghị quyết 24/NQ-TW, ngày 16 tháng 10 năm 1990 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng (khóa VI) Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết 25/NQ-TW, ngày 12 tháng 3 năm 2003 của BCHTW Đảng (khóa IX) Về công tác tôn giáo; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội - năm 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011). Các quan điểm của Đảng đối với tôn giáo thời kỳ đổi mới thể hiện rõ: (1) Tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài và là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; (2) Đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân, đồng thời nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo; (3) Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo về văn hóa (lạc hậu), về chính trị (xấu). Đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện những quan điểm của Đảng về tôn giáo với những nội dung mới. Hiến pháp năm 2013 đặt tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung lớn trong quyền con người - nhà nước bảo hộ (thay cho bảo đảm như trước) quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho tất cả mọi người (không chỉ công dân như trước). Cụ thể Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định:
     "1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
        2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
       3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật".
       Hiến pháp là hiến định, là luật mẹ, luật gốc mà các quy định pháp luật - luật chuyên ngành đều theo đó thể hiện và cụ thể hóa.

         2. Dựa vào tình hình tôn giáo hiện nay và xu hướng vận động trong thời gian tới đây
         
Có thể nói, qua hơn 25 năm đổi mới về công tác đối với tôn giáo, tình hình tôn giáo ở Việt Nam chuyển biến rất căn bản. Chúng tôi chỉ đơn cử một số chuyển biến cụ thể về đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Trước hết về công nhận tổ chức tôn giáo, từ chỗ chỉ có 03 tổ chức được hoạt động hợp pháp (gọi là có tư cách pháp nhân) trước đổi mới, đến nay hầu hết các tổ chức tôn giáo đang hoạt động ở Việt Nam đã được công nhận, có địa vị pháp lý (tư cách pháp nhân) hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Cụ thể là đã có 40 tổ chức tôn giáo được đăng ký và công nhận (02 tổ chức đăng ký hoạt động, 38 tổ chức được công nhận). Theo đó, các hoạt động về mặt tổ chức đều trở thành bình thường và hợp pháp. Nếu như trước đổi mới các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận thì không được thực hiện các hoạt động về đại hội nghị, nay được duy trì theo hằng năm hoặc theo nhiệm kỳ để đánh giá, tổng kết hoạt động và giải quyết các vấn đề nội bộ của từng tôn giáo.
     Sau khi được công nhận, các tổ chức tôn giáo đã mở trường, lớp đào tạo chức sắc. Từ chỗ chỉ có một vài cơ sở bồi dưỡng chức sắc tôn giáo, đến nay tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có khoảng 60 trường đào tạo chức sắc với khoảng gần 10 ngàn học viên đang theo học. Cùng với đó, các hoạt động khác liên quan đến chức sắc, như phong chức, suy cử, bổ nhiệm, điều chuyển chức sắc của các tổ chức tôn giáo đều tiến hành bình thường. Việc xuất bản kinh sách, việc xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, các mối quan hệ với các tổ chức tôn giáo quốc tế,... đều được thực hiện và hoạt động đi vào nề nếp đáp ứng việc tu học và hành đạo của chức sắc, tín đồ các tôn giáo.
     Những vấn đề tôn giáo nẩy sinh như đồng bào dân tộc thiểu số theo tôn giáo đã giải quyết căn bản, nhất là việc phát triển đột biến người theo đạo Tin lành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, việc một bộ phận người Hmông mới theo đạo Tin lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều này rất khác so với thời kỳ trước đổi mới.
     Điều chúng ta quan tâm, cùng với quá trình đổi mới, bức tranh tôn giáo ở Việt Nam đã chuyển biến tích cực, các hoạt động tôn giáo ổn định theo hiến chương, điều lệ đã được xác định của các tôn giáo - gắn bó với đất nước và tuân thủ pháp luật.
       3. Dựa trên những nội dung cơ bản của quy định pháp luật hiện hành
      
Hiện nay, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (2004), Nghị định 92/NĐ-CP, ngày 08 tháng 11 năm 2012, cùng một số văn bản pháp lý hiện hành khác như Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 04 tháng 02 năm 2005 Về một số công tác đối với đạo Tin lành, Chỉ thị 1940, ngày 30 tháng 12 năm 2008 Về nhà đất liên quan đến tôn giáo,... cùng với các văn bản khác có liên quan, như Luật Đất đại, Luật Di sản Văn hóa, Luật Xuất bản, Luật Dân sự,... đang điều chỉnh hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Các quy định pháp luật này, về cơ bản đang được các tổ chức tôn giáo chấp nhận và đưa các tôn giáo dần đi vào hoạt động ổn định. Khi nói kế thừa các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động tôn giáo, không thể không nói đến Sắc lệnh 234/SL-CT, ngày 14 tháng 6 năm 1955 Quy định về hoạt động tôn giáo do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo và ký ban hành. Tại Sắc lệnh số 234/SL-CT có nhiều nội dung về hoạt động tôn giáo đã được nói đến nhưng do chiến tranh nên chưa có điều kiện thực hiện.
     Vấn đề là kế thừa có chọn lọc, kế thừa phải hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện mới, kế thừa phải phát triển. Kế thừa Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo không phải đem nội dung Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đưa vào nội dung Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; cũng không chỉ lấy Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo "cộng" (+) với Nghị định số 92 là ra Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
      4. Cần tương thích luật pháp quốc tế về vấn đề tôn giáo
     Trong điều kiện mở cửa và hội nhập quốc tế, nhất là việc Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế, như: Liên Hiệp Quốc (United Nations-UN), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations-ASEAN),... Ký kết nhiều Hiệp ước quốc tế, như: Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền (Universal Declaration Human Righits- UDHR) của Liên Hiệp Quốc, Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Righit- ICCPR) của Liên Hiệp Quốc, Hiệp định Thương mại thế giới (World Trade Organization- WTO),... Trong nhiều tổ chức mà Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Việt Nam ký kết đều có nội dung liên quan đến tôn giáo. Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền trong đó có nội dung về quyền tự do tôn giáo. Điều 18 của Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền ghi rõ: "Mọi người có quyền tự do chính kiến, niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình bằng các hình thức truyền giảng, thực hành thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại công cộng hoặc nơi riêng tư". Sau này năm 1966 Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hợp Quốc cụ thể hóa Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc cụ thể hóa Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền (Điều 18):
      "1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm tự do theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo.
       2. Không một ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
       3. Tự do tín ngưỡng và tôn giáo cũng không phải tuyệt đối. Các nhà nước có thể hạn chế các tự do này nếu đó là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe và đạo đức của cộng đồng, hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác khỏi bị xâm hại.
       4. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng quyền tự do của các bậc cha mẹ, và của những người giám hộ hợp pháp nếu có, trong việc giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện riêng của họ"
[3].
       Điều 2 của Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị còn nêu rõ các quốc gia thành viên có trách nhiệm sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi thẩm quyền của mình. Do đó, các nhà nước phải có nghĩa vụ chủ động, chứ không phải thụ động liên quan đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nói một cách khác, nhà nước không chỉ có nghĩa vụ "tôn trọng" - theo đó không những không vi phạm quyền tự do này, mà còn phải "đảm bảo cho mọi cá nhân trong phạm vi lãnh thổ và trong phạm vi thẩm quyền của mình" có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nghĩa vụ của nhà nước gồm có việc phải ban hành "những đạo luật hoặc hình thức khác" phù hợp cũng như thực hiện những "biện pháp hiệu quả" trong những trường hợp có xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. (Điều 2).
        Đối với Công ước thế giới về nhân quyền, tất cả các nước là thành viên của Liên Hợp Quốc phải thực hiện. Riêng Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị bỏ ngỏ tùy cho các nước tham gia ký kết. Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc từ 1977 và ký tham gia Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị từ năm 1982. Nói như vậy, có nghĩa là, như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có lần nói Việt Nam gia nhập sân chơi của thế giới thì phải theo luật chơi của thế giới, và do đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo phải tương thích với luật pháp quốc tế.
        Nói tóm lại, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo phải tiếp tục thể hiện được chủ trương đổi mới về chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với sự vận động, phát triển của xã hội, nhất là trong điều kiện Việt Nam đi sâu trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo phải ở một tầm cao mới, ổn định và lâu dài. Đó cũng là định hướng hoàn chỉnh pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Trong một cuộc hội thảo liên quan đến luật pháp về hoạt động tôn giáo, Giáo sư Đỗ Quang Hưng nhấn mạnh: Luật pháp về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam phải đảm bảo được tính pháp luật, tính dân tộc và tính quốc tế.
  II. Một số vấn đề cụ thể cần quan tâm khi xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
      1. Các nguyên tắc của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
      Các nguyên tắc trong ứng xử đối với tín ngưỡng, tôn giáo là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo thời kỳ đổi mới. Cụ thể:
     + Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Người có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng nhau.
     + Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước không can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo.
      + Nhà nước nhìn nhận và phát huy những giá trị văn hóa và đạo đức của các tôn giáo. Nhà nước khuyến khích những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của đất nước và của nhân dân.
       + Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo, vi phạm quyền tự do tin ngưỡng, tôn giáo của công dân; những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái mục đích tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoạt động mê tín, dị đoan.  
      2. Nội dung hoạt động tôn giáo cần điều chỉnh bổ sung
        Để đạt được định hướng và nguyên tắc như nói trên, cần rà lại các vấn đề lớn của các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động tôn giáo để điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: nội dung hoạt động tôn giáo, hình thức quản lý hoạt động tôn giáo; đầu mối (hay phân cấp) quản lý hoạt động tôn giáo.
        a. Về các nội dung hoạt động tôn giáo. Đây là vấn đề quan trọng trong việc xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với hai nội dung cần quan tâm.
       Trước hết, cần nêu ở Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về các nội dung hoạt động tôn giáo để các tôn giáo triển khai thực hiện vì ở Việt Nam hiện nay, một số lĩnh vực, trong đó có tôn giáo, nội dung nào không ghi trong pháp luật thì không được thực hiện. Tuy nhiên, không phải tất cả các nội dung hoạt động tôn giáo cũng phải chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền. Những nội dung hoạt động tôn giáo thông thường, ổn định, có nề nếp nên để các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ đã được nhà nước công nhận. Trong những trường hợp này, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện hậu kiểm để giám sát việc thực hiện của các tổ chức tôn giáo. Nhà nước thực hiện quản lý đối với những hoạt động liên quan đến chức sắc và nhất là hoạt động của tổ chức giáo hội của các tôn giáo, như: việc đăng ký, công nhận tổ chức tôn giáo, việc tổ chức đại hội các cấp, việc mở trường, lớp đào tạo chức sắc, việc xây dựng sửa chữa nơi thờ tự, việc quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo,...
      Ngoài những nội dung đang được pháp luật quy định như nói trên, cần xem xét, bổ sung một số nội dung hoạt động mới trong hoàn cảnh mới và nhu cầu mới của tôn giáo:
      + Vấn đề pháp nhân tổ chức tôn giáo. Trước hết phải hiểu pháp nhân là địa vị pháp lý (tính hợp pháp) của tổ chức tôn giáo. Thực ra, khi bước vào đổi mới, từ năm 1994 đến năm 2004, nhà nước đã nói rõ "tư cách pháp nhân" và đã "công nhận tư cách pháp nhân" của hơn 10 tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, khi chính thức đưa nội dung này vào Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo thì không nói pháp nhân mà chỉ nói công nhận tổ chức tôn giáo vì liên quan đến Luật dân sự mới ra đời không nói rõ về pháp nhân tôn giáo (Luật Dân sự - Điều 84 và Điều 100). Nay Luật dân sự sửa đổi (2015) đã nói đến tư cách pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận,... (khoản 2 điều 76). Và do vậy, cần chính thức công nhận pháp nhân tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi lợi nhuận.
        Việc chính thức công nhận tư cách pháp nhân được các tổ chức tôn giáo mong đợi để thể hiện sự bình đẳng với các tổ chức xã hội khác. Chúng ta cũng không quá băn khoăn khi tôn giáo có pháp nhân về tổ chức là tạo một cơ chế quyền lực mới được hợp thức; cũng không quá lo ngại khi tôn giáo có pháp nhân sẽ liên quan đến các vấn đề như tài sản và các vấn đề quan hệ dân sự khác, vì rằng tôn giáo cũng tồn tại là một thực thể như mọi tồn tại xã hội khác nhìn từ phía luật pháp. 
      + Về vấn đề truyền giáo. Hoạt động truyền giáo trong hoàn cảnh mới cần có cái nhìn mới. Trước hết phải hiểu truyền giáo là việc bình thường của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, là "thiên chức" của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Điều đó đã được ghi nhận trong các công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng phải thấy được, đa số các tôn giáo ở Việt Nam đã được công nhận - có địa vị pháp lý trong các hoạt động tôn giáo, trong đó có hoạt động truyền giáo. Đặc biệt, cần đặt các hoạt động truyền giáo trong sự bùng nổ khoa học công nghệ thông tin, bằng nhiều phương tiện truyền thông, chính thức và không chính thức đưa tôn giáo đến với mọi người.
     Cùng với những nhận thức mới như trên, cũng cần có quan điểm lịch sử và cụ thể trong ứng xử với các hoạt động truyền giáo. Trong lịch sử thế giới cũng như ở Việt Nam, có những hoạt động truyền giáo gắn với chiến tranh xâm lược hoặc liên quan đến chính trị. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay thì việc truyền giáo đang theo một xu thế hòa bình trở thành tất yếu, bình thường trong mọi xã hội. Trên thực tế, việc truyền đạo hiện nay được thông qua các chủ thể với hình thức khác nhau như thông qua tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ; hình thức truyền đạo không chỉ tại cơ sở tôn giáo, khuôn viên công cộng mà còn qua các phương tiện thông tin, trang mạng xã hội khác, việc truyền đạo có thể diễn ra ở mọi nơi từ cơ sở thờ tự, nhà riêng và kể cả là nơi công cộng.
       Từ cách đặt vấn đề như trên, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có sự "nới mở" cần thiết đối với hoạt động truyền giáo cho phù hợp. Trước hết phải coi hoạt động truyền giáo trong thời đại ngày nay là bình thường. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ chủ thể truyền đạo, cách thức, hình thức truyền đạo, phạm vi truyền đạo, khi nào truyền đạo thì phải xin phép, khi nào không. Bên cạnh đó cũng cần phải có quy định về truyền đạo trái pháp luật để có căn cứ xử lí theo Nghị quyết số 25/NQ-TW, ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Hội nghị lần thứ Bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo, đã định ra: "Vấn đề theo đạo và truyền đạo".
      + Vấn đề sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam, đây là nội dung quan trọng đặt trong điều kiện hiện nay và tới đây khi Việt Nam tiếp tục chính sách mở cửa, hợp tác và hội nhập sâu vào đời sống thế giới. Quy định hiện hành chưa đầy đủ và còn những bất cập. Có hai việc liên quan đến sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài đang đặt ra tại Việt Nam. Một là nơi sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở những địa phương không có tổ chức tôn giáo tương ứng hoặc là nơi thờ tự của tôn giáo tương ứng quá ít không đủ chỗ cho người nước ngoài sinh hoạt. Trong những trường hợp địa phương không có nơi thờ tự tương xứng hoặc nơi thờ tự tương xứng không đáp ứng, nên đồng ý cho người nước ngoài được thuê, mượn các cơ sở để sinh hoạt tôn giáo. Cũng cần nghĩ đến việc chủ động xây những cơ sở để người nước ngoài có thể "thuê" để sinh hoạt tôn giáo. Hai là việc người nước ngoài có tôn giáo đang ở Việt Nam có nhu cầu hình thành tổ chức mang tính nhất thời để duy trì, hướng dẫn các sinh hoạt tôn giáo. Pháp luật cần có quy định chấp thuận cho đăng ký để tạo điều kiện cho các sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo giải quyết tốt nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài như nói trên không chỉ thể hiện chính sách tôn trọng tự do tôn giáo ở Việt Nam mà còn tạo ra môi trường để thu hút đầu tư của nước ngoài và khách quốc tế đến với Việt Nam.
      + Vấn đề tôn giáo Với tư cách tổ chức được đứng ra tổ chức hoặc tham gia hoạt động về y tế và giáo dục (trong nội dung hoạt động từ thiện, xã hội). Trước hết phải nhận thức tôn giáo có tiềm năng lớn hoạt động từ thiện xã hội, trở thành nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Điều đó lại được đặt trong chủ trương khuyến khích các hoạt động tiến bộ của tôn giáo vì lợi ích của tổ quốc và của nhân dân như Nghị quyết số 25 đã nói rõ, trong chính sách xã hội hóa y tế, xã hội hóa giáo dục.
      Do vậy, việc các tổ chức tôn giáo mở bệnh viện là việc bình thường. Riêng về giáo dục, nên đồng ý các tổ chức tôn giáo được mở trường, lớp mầm non, mẫu giáo, giáo dục phổ thông và mở trường đào tạo nghề kể cả bậc đại học (tất nhiên phải theo quy định của pháp luật). Cũng không nên băn khoăn khi các tổ chức tôn g giáo tổ chức hoạt động y tế, giáo dục, đào tạo là thu hút người theo tôn giáo. Thực ra, trong nhận thức mới, nếu có người theo tôn giáo thì cũng không sao, đó không phải là nỗi bận tâm của xã hội đương đại.
      b. Về hình thức quản lý và đầu mối (phân cấp) quản lý
      Về hình thức quản lý. Hiện nay đang duy trì bốn hình thức quản lý hoạt động tôn giáo: (1) Thông báo (các cá nhân tổ chức tôn giáo có hoạt động tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo chỉ cần thông báo với chính quyền); (2) Đăng ký automatic (tức là khi đăng ký đủ điều kiện thì được thực hiện không cần sự đồng ý của chính quyền; (3) Đăng ký có sự chấp thuận (tức là tổ chức tôn giáo đăng ký nội dung hoạt động khi đủ điều kiện nhưng vẫn phải có ý kiến chấp thuận của chính quyền); (4) Xin cho (tức là tổ chức tôn giáo xin các hoạt động tôn giáo phải được chính quyền cho phép). Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần tăng cường hình thức thông báo và giảm hình thức xin và được sự chấp thuận.
     - Về đầu mối hay phân cấp quản lý. Hiện nay quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo gồm 04 cấp theo hành chính nhưng trên thực tế là 06 cấp vì cấp tỉnh thành 02 đầu mối (Ban tôn giáo tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh), cấp trung ương 02 đầu mối (Ban Tôn giáo Chính phủ và Chính phủ). Thời gian vừa qua, cấp xã tham gia quản lý nhiều nội dung hoạt động tôn giáo, nhưng vì không hiểu về tôn giáo lại theo cơ chế nhiệm kỳ nên thường vi phạm chính sách hoặc gây khó cho tôn giáo. Do đặc trưng riêng khác của vấn đề tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nên tăng cường công tác tôn giáo ở cấp huyện trở lên, nhất là cấp tỉnh và cấp trung ương vì các cấp này có đội ngũ làm công tác tôn giáo được đào tạo mang tính chuyên nghiệp. Cấp xã chủ yếu thực hiện quản lý ở hình thức giám sát các hoạt động tôn giáo qua việc các tổ chức tôn giáo thông báo và phối hợp với các cấp, các ngành trong giải quyết các vấn đề tôn giáo.
       Thay lời kết luận
     
Tôn giáo luôn là vấn đề lớn và nhạy cảm trong mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội, giữa hoạt động tôn giáo và sự điều chỉnh của pháp luật. Trên thế giới, ở những mức độ khác nhau và dưới những hình thức khác nhau, các nhà nước đều coi tôn giáo là một thực thể xã hội và thực hiện điều chỉnh các hoạt động tôn giáo qua hệ thống luật pháp. Đa số các nước coi tôn giáo như các tổ chức xã hội và chịu sự điều chỉnh của luật pháp như mọi tổ chức tôn giáo.
      Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới xây dựng hệ thống pháp luật riêng điều chỉnh hoạt động tôn giáo. Hệ thống pháp luật riêng điều chỉnh hoạt động tôn giáo ở Việt Nam đã được hình thành từ sớm và ngày càng được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đến nay, dưới định hướng đổi mới của Đảng và được sự đồng thuận của toàn dân qua Hiến pháp năm 2013 việc ra đời Luật tín ngưỡng, tôn giáo để hoàn chỉnh pháp luật đối với tôn giáo là rất cần thiết.
      Xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam vừa phải phù hợp với thực tế tình hình tôn giáo ở Việt Nam, vừa thể hiện với quan điểm đổi mới của Đảng và ý nguyện của nhân dân, nhất là đồng bào tín đồ, chức sắc các tôn giáo; đồng thời vừa tương thích với luật pháp quốc tế - môi trường mới mà Việt Nam hội nhập. Xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thật chú ý việc hài hòa giữa quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân và sự điều chỉnh của pháp luật và sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động tôn giáo./.  



       Tài liệu tham khảo
       1. Ban Tôn giáo Chính phủ, Tập văn bản quy định pháp luật liên quan đến tôn giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004.
       2. Ban Tôn giáo Chính phủ, Tuyên ngôn về nhân quyền dân sự và chính trị (bản dịch), Tài liệu lưu trữ, Hà Nội 2010. 

        3. Ban Tôn giáo Chính phủ, Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (bản dịch), Tài liệu lưu trữ, H. 1990, tr.21.
       4. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2013.
       5. Nguyễn Thanh Xuân, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2015.

 





 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây