PHẬT GIÁO VỚI VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (Qua hình thức Hỏa táng sau khi mất)

Thứ tư - 02/06/2021 06:56

PHẬT GIÁO VỚI VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (Qua hình thức Hỏa táng sau khi mất)

TS. Nguyễn Thúy Thơm (Ni Sư Thích Minh Thịnh) - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cán bộ Kiêm nhiệm Bộ môn Tôn Giáo học, trường ĐHKHXH& NV, ĐHQGHN.
 



I. Dẫn Nhập
 
        Con người sinh ra ai rồi cũng phải mất đi, vấn đề này hầu như không còn là điều bàn cãi, thế nhưng, làm thế nào để những người thân có thể an trí với cuộc sống thực tại, người mất đi được bình an giải thoát là một điều mà xã hội quan tâm. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển, vấn đề đất dành cho người sống đã khan hiếm, giải quyết vấn đề chôn cất cho người chết đang thật sự là một thực trạng đáng quan tâm. Với quan niệm “Sống cái nhà, chết cái mồ” của người phương Đông, mà cụ thể ở đây là người dân Việt Nam hầu như rất coi trọng nơi chôn cất, theo họ, chết mà được chôn mới đúng với lẽ đạo, mới là một phần nào báo hiếu với ông bà. Có thể nói, hình thức địa táng trong tình hình hiện nay luôn nảy sinh ra những vấn đề phức tạp mà phần lớn đem lại những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thêm nữa là sự tốn công sức và tiền của cũng như đất chôn đang là vấn đề “nóng” hiện nay. Nhận thức được vấn đề sẽ giúp ta đi sâu phân tích các phương cách xử lý người chết để chọn ra phương cách nào tối ưu nhất, thỏa đáng đồng thời cả hai phương diện tinh thần và vật chất.
       Trong phạm vi bài tham luận này, người viết xin được đề cập đến những lợi ích của việc hỏa tang, đồng thời đề xuất một vài ý kiến để việc thực thi chôn cất người chết bằng phương pháp hỏa táng được tiến hành một cách thiết thực nhất, triệt để nhất, nhưng vẫn không làm mất đi những thuần phong mỹ tục của người dân Việt Nam.
 

II. Nội dung

1. Quan niệm về phần linh hồn của người Việt Nam, và theo quan điểm Phật Giáo
 
        Về nhân sinh quan, người Việt Nam cũng như các dân tộc Đông Nam Á quan niệm rằng con người có hai phần: linh hồn và thể xác. Có thể nói đơn giản, người sống có đủ hai phần: linh hồn và thể xác, người chết: linh hồn đã lìa khỏi thể xác, linh hồn quyết định sự sống của con người. Khi con người chết đi, thì linh hồn và thể xác không hòa quyện với nhau nữa. Linh hồn tổ tiên đã mất luôn dõi theo con cháu, có quyền năng trừng phạt và phù hộ con cháu. Vì thế, nhằm thể hiện sự tưởng nhớ và biết ơn đối với ông bà, cha mẹ, người Việt luôn đề cao tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Số lượng linh hồn ở con người tùy thuộc vào quan niệm của các dân tộc: nếu đối với người Mường cho rằng có 90 hồn, người Khmer thì cho con người có 9 hồn chính, thì  người Việt (Kinh) cho rằng con người có hồn và vía - Nam: ba hồn bảy vía - Nữ: ba hồn chín vía. Người Việt Nam cũng như một số dân tộc Đông Nam Á quan niệm thế giới có hai phần: thế giới người sống và thế giới người chết. Sau khi con người chết, các linh hồn đến thế một nơi chia cắt với thế giới người sống bởi sông sâu, biển rộng hoặc lên các tầng trời, hay xuống dưới đất nói cách khác là thế giới bên kia – có thể giống hoặc khác thế giới người sống, nhưng cơ bản là một thế giới được con người tưởng tượng và hình dung ra, vô hình nhưng bí ẩn và được xem cao hơn dựa trên thế giới thực. Và hiện nay, với những tư tưởng, triết lý tôn giáo được du nhập bên ngoài người Việt Nam quan niệm “sống gửi thác về” – sự sống chỉ tạm bợ, còn chết mới là cuộc sống thật sự, nên cần phải chăm lo và quan tâm đến cho cuộc sống sau khi chết.
        Phật giáo cho rằng, khi mất đi con người nếu biết tu nhân tích đức, lúc sống làm điều thiện thì sẽ được sinh về cõi “Niết Bàn”, còn nếu không sẽ phải sinh về cõi xấu: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.... Niết bàn là khi con người đạt được đầy đủ bốn phước đức: thường, lạc, ngã, tịnh. “Thường là không bị chi phối bởi tánh vô thường, khi nào cũng như khi nào, không lên bổng xuống trầm, không có già trẻ, chết sống đổi thay, lạc nghĩa là không con khổ não lo buồn, là được hoàn toàn tự chủ, không bị nội tâm hay ngoại cảnh chi phối. Tịnh là không còn ô nhiễm, luôn luôn thanh tịnh, trong sáng. Vì tính cách quý trọng, cao cả tuyệt đối của bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh nên tánh tịnh niết bàn là thứ niết bàn cao quý tột đỉnh của Đạo Phật, và người Phật tử Đại thừa trong khi tu hành đều phát nguyện rộng lớn, quyết tâm chứng thứ Niết bàn ấy mới thôi [1]. Như vậy, Phật Giáo cho rằng sau khi mất đi không phải là hết mà vẫn còn một thế giới bên kia nữa. Con người do tứ đại đất nước, gió, lửa hợp thành khi mất đi sẽ trở về với cát bụi, hay gọi là: “Cát bụi cuộc đời” thân xác này không có gì là vĩnh hằng, không có gì là quan trọng cả.

    2. Quan niệm về thân xác con người dưới lăng kính khoa học

           Thời nay hẳn không có mấy ai lại không tin rằng “Sống gửi thác về” là thuyết duy tâm thuộc phạm trù tâm linh. Suy cho cùng thì ranh giới giữa duy tâm và duy vật cũng chỉ có ý nghĩa tương đối mong manh vì tư duy và nhận thức của con người đâu phải là bất biến, như khi đã khám phá ra nguyên nhân bản chất của một hiện tượng bí ẩn nào đó thì duy tâm ắt sẽ trở thành duy vật. Chẳng hạn như khi đã biết hiện tượng “ma trơi”chỉ là do chất phốt pho (lân tinh) phát sáng từ mồ mả bốc lên trong đêm tối tất sẽ làm thay đổi quan niệm cho rằng đó là “ma trơi”. Trong tìm hiểu và các nghiên cứu khoa học - nhất là trong lĩnh vực khoa học huyền bí - cần luôn đặt ra những vấn đề để “hoài nghi tất cả”[2], mới có cơ may tìm ra chân lý ,và khi đối tượng lại ở trạng thái vật chất siêu hình thì còn phải cần đến sự trợ giúp của trí tưởng tượng phong phú nữa.
         Cơ thể con người là một kết cấu vật chất, vậy muốn lý giải về những vấn đề liên quan đến sự sống và cái chết ta không thể không bắt đầu tiền đề vật chất. Duy vật biện chứng đã định nghĩa về vật chất như thế nào? Rất giản đơn nhưng rõ ràng: “Vật chất là cái không bao giờ mất đi, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác”. Để có sự nhận biết chính xác về khái niệm vật chất thuộc pham trù khoa học, ta hãy hình dung xem chu trình nước bốc hơi rồi lại ngưng tụ thành nước thì trong quá trình nước ở thể hơi ta đâu có thấy nhưng nó vẫn tồn tại bởi nếu không tồn tại thì sao có thể hình thành mây để rồi lại tái thành nước. Xác thân con người sau khi chết, thần thức ra khỏi thân xác để theo nghiệp đi đầu thai, thì phần thân xác cũng chỉ là khối vật chất vô tri, vô cảm, cũng sẽ biến hoại dần theo thời gian và cuối cùng cũng trở thành cát bụi mà thôi.
 

 3. Các phương thức táng         
       3.1. Địa táng (Thổ táng)
 
 
          “Địa táng (thổ táng) là một hình thức mai táng của loài người. Trong các hình thức mai táng: hoả táng, thuỷ táng, không táng, thổ táng... thì thổ táng là hình thức phổ biến rộng rãi hơn cả. Thổ táng gồm có 2 loại: Một loại chôn cất xuống đất vĩnh viễn, trừ phi “mả động”, nghĩa là khi trong gia đình xảy ra sự cố gì bất trắc (có người ốm nặng, mất mùa, cửa nhà sa sút, chết bất đắc kì tử...), người ta mới phải cải táng. Một loại chôn xuống đất một thời gian nhất định (tuỳ theo tập tục quy định), sau đó bắt buộc phải cải táng (tức là lấy xương cốt còn lại đem chôn lần nữa ở chỗ khác hay địa điểm cũ) lần này mới chôn vĩnh viễn”. Hình thức này có ở Việt Nam từ rất lâu đời nhất là ở miền Bắc.
 


             3.2. Huyền táng
 
           Hay còn gọi là tục táng treo. Một kiểu chôn người mất không phổ biến rộng rãi như địa táng nhưng xuất hiện rất nhiều trong thời xưa. Theo cách này, người ta để thi thể người chết lộ thiên, hoặc để nằm trên một tấm phên, hoặc để nằm trong quan tài hình thuyền. Có nhiều cách để quan tài như: đặt quan tài trên chạc ba một cái cây to hoặc treo lủng lẳng trên cành cây; đặt quan tài dưới vòm mái đá hay trong hang đá ở lưng chừng núi, có khi đặt nằm sâu trong hang động. Những hang động thường nằm gần sông, có rào chắn cẩn thận, là hang thiên tạo hay do con người đào khoét. Hang được ngăn ra nhiều phòng, tạo chỗ để nhiều quan tài. Dùng những đoạn gỗ to ghim vào vách núi làm điểm tựa cho quan tài hoặc cắm một đầu quan tài vào những hốc đá trên lưng chừng núi. Khi táng treo chọn những nơi cao như trên cây, hang động, vách núi… với quan niệm linh hồn càng gần trời cao, càng dễ siêu thoát về thế giới người chết trên các tầng trời. Ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều di chỉ về hình thức huyền táng này ở các dân tộc thiểu số miền núi và trung du như: quan tài treo ở động Ma, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Hang đá với nhiều mộ treo ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La. Những rừng ma của các dân tộc ở Tây Nguyên nổi tiếng các làng Biên Loong, Đak Xay, Dục Lang và Vai Trang của dân tộc Giẻ-triêng ở xã Đak Long, huyện Đak Glei tỉnh Kon Tum … Hiện nay, táng treo không còn nữa vì tục này gây ô nhiễm môi trường, bệnh dịch…
 


            3.3. Thủy táng
 
       Là hình thức thả trực tiếp xác người chết xuống sông, biển, hồ… hiện nay hình thức này bị nghiêm cấm vì gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên trong những trường hợp bất đắc dĩ vẫn còn sử dụng. Nó liên quan nhiều đến điều kiện và môi trường sống cũng như ý nghĩa tâm linh của những cư dân sử dụng hình thức này. Thủy táng không chỉ có ở Việt Nam mà khá phổ biến ở những cư dân ven biển, trên các đảo nhỏ ở vùng Đông Nam Á (cả những vùng thuộc văn hóa Đông Nam Á cổ đại).


             3.4. Thiền táng (tượng táng)
 

      Thiền táng (táng trong tư thế ngồi thiền) hay Tượng táng (làm thành tượng để táng), là một loại hình rất hiếm hiện nay chỉ được tìm thấy ở Trung Quốc và Việt Nam. Đặc biệt chỉ thấy ở những nhà sư Phật Giáo. Các tượng nhà sư vẫn còn nguyên vẹn xương cốt, nội tạng… được đặt trong tư thế thiền định. Đây là một hình thức táng vẫn đang dược nghiên cứu vì sự đặc biệt của nó. Ở Việt Nam có hai trường hợp thiền táng nổi tiếng là của nhà sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu, tức Thành Đạo Tự, thuộc làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Ngoài ra, trong thời buổi hiện nay còn có một hình thức xử lý người chết khác là hiến xác cho khoa học nghiên cứu, chủ yếu là y học. Việc này chủ yếu là do tâm nguyện của người quá cố. Hình thức này mới có trong thời hiện đại ở Việt Nam (nhưng đã phổ biến trên thế giới ở những nước phát triển từ lâu) và rất ít thấy vì quan niệm của người dân vẫn muốn giữ cho thân xác người thân được nguyên vẹn.[3]
 

             3.5. Hỏa táng
 
         Còn gọi hoả thiêu. Đây là phương pháp xử lí thi hài bằng cách đốt cháy thành tro (dùng gỗ, dầu mazut, dầu hoả, khí đốt; dùng điện là tốt nhất); tro của hài cốt tuỳ theo phong tục của cộng đồng mà cho vào bình kín để thờ cúng trong gia đình hoặc nơi thờ tự của tôn giáo như chùa, vv. hoặc để ở một nơi công cộng hoặc theo nguyện vọng của người quá cố (ví dụ như rải tro ngoài biển hay sông suối).
          Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật,  dân số ngày càng gia tăng, đất đai ngày càng khan hiếm, con người ngày càng văn minh hiện đại... Việc an táng người quá cố bằng hình thức hỏa táng đang dần phổ biến. Các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang, Hà Nội, Hải Phòng... đã xây dựng các nhà hỏa táng để phục vụ yêu cầu của nhân dân. Qua khảo sát sơ lược, ta thấy ở Việt Nam có rất nhiều hình thức mai táng. Trong đó có thể khẳng định: Địa táng (thổ táng), thủy táng, huyền táng (táng treo) mang tính chất bản địa của những cư dân Đông Nam Á cổ đại, trong đó có các dân tộc Việt. Thiền táng (tượng táng) rất hiếm, chỉ có ở các nhà sư. Có thể nói hình thức táng này chỉ có từ khi đạo Phật vào Việt Nam. Hỏa táng ngày càng trở nên phổ biến, trở thành một phương thức mang tính khoa học cao. Hiến xác cũng là một hình thức được nhiều người quan tâm.


4. Những tiền đề quan trọng để thực thi việc hỏa táng
 
         Có thể nói, so với các hình thức an táng người chết, thì các nghi thức để hoả táng là đơn giản hơn cả. Xét về mặt hình thức, nó không phải thông qua nhiều công đoạn, đơn giản chỉ là sau khi chết, người chết được đưa đến những nơi an táng, nếu người chết là người theo đạo Phật, thì sau những thời kinh cầu nguyện vãng sanh, thi thể người chết được đưa vào lò thiêu, và thế là xong, chỉ còn hẹn giờ để ngày mai người thân lên đem tro người chết về nhà, sau đó người thân có thể tuỳ nghi hoặc là thờ ở nhà, hoặc là đem lên chùa.
         Về mặt xã hội, trong thời đại ngày nay, khi mà dân số ngày càng phát triển, cơ sở thượng tầng và hạ tầng ngày càng được mở rộng, nhu cầu về chỗ ở con người đang là vấn đề nóng bỏng của xã hội, trong hoàn cảnh ấy, nếu lúc nào cũng áp dụng phương pháp chôn cất người như ngày xưa là một việc làm ngoài sự quản lý của con người.
        Về mặt môi trường, hỏa táng là một trong những phương thức giúp con người bảo vệ được môi trường sống, tránh ô nhiễm nguồn đất, nước. Dưới nhiệt độ cao, việc hỏa táng là một trong những phương pháp an toàn nhất giúp tiêu diệt được nhiều vi khuẩn, vi sinh có hại, hạn chế lây lan ra ngồn nước, cũng như môi trường đất đai. Từ đó, giúp bảo vệ sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, diện tích chôn cất của việc hỏa táng nhỏ hơn rất nhiều so với việc địa táng. Trước tình hình đất đai khan hiếm như hiện nay, một số nơi con người phải đang chặt phá rừng để làm nghĩa trang, ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên rừng, thì việc hỏa táng là hết sức cần thiết.
 

5. Một số chứng cứ cụ thể về việc quá tải của các nghĩa trang
 
       Hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy tình trạng quá tải của các nghĩa trang, nghĩa trang Bình Hưng Hoà phải chuyển đến nghĩa trang Đa Phước nhường chỗ lại cho việc quy hoạch các khu đô thị, việc tồn tại nghĩa trang không có khoảng cách ly khu dân cư gây bức xúc cho người dân về môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm khu vực, v.v… Với quy mô dân số lớn, mỗi năm bình quân Tp.HCM có từ 30.000 đến 40.000 người đi vào cõi vĩnh hằng. Tháng 8.2007, Bình Hưng Hoà – nghĩa trang lớn nhất thành phố với hơn 50.000 ngôi mộ - chính thức đóng cửa đã làm gia tăng sức ép lên các nghĩa trang còn lại trên địa bàn thành phố. Hiện tại chỉ có 2 nghĩa trang công là Đa Phước và Gò Dưa. Nghĩa trang Gò Dưa đã kín chỗ từ nhiều năm trước, muốn người thân của mình “nhập hộ khẩu” vào đây phải mua lại huyệt mộ đã cải táng. Đứng đầu về mức độ cao cấp trong hệ thống nghĩa trang Tp.HCM là nghĩa trang Đa Phước, quy mô 7,5ha được chia ra gần 6.000 lô. Nghĩa trang này được xây dựng không khác gì một công viên, có cây xanh thảm cỏ, “nhà cửa” cho người chết cũng được thiết kế đàng hoàng, đồng bộ. Cùng với việc khan hiếm đất trong các “thành phố vĩnh hằng” giá đất cũng tăng vùn vụt. Tính giá theo mét vuông, đất cho người chết ở nghĩa trang Đa Phước không thua kém giá đất dành cho người sống: loại huyệt mộ bình thường diện tích 2,2m x1,2m giá xấp xỉ 10 triệu đồng; loại mộ 2mx3m giá lên đến trên 25 triệu đồng... 
        Mặc dù, các nghĩa trang do nhà nước quản lý ăn đứt các nghĩa trang tư nhân về mặt quy hoạch, cảnh quan, nhưng do phải áp dụng những quy định bắt buộc như không được chọn hướng, cộng với giá đắt nên không đắt khách bằng các nghĩa trang tư nhân. Chi phối thị trường đất cho người chết hiện nay là các nghĩa trang tự phát do người dân có đất tự quy hoạch, xây dựng. Những nghĩa trang này chủ yếu thuộc về các quận huyện vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh và một số khác nằm trên địa bàn các tỉnh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai... Hay tại Hà Nội, các cơ quan quản lí cũng di dời một số nghĩa trang đến tập trung chôn cất ở nghĩa trang Yên Kỳ, Sơn Tây…
       Chính vì thế, việc áp dụng phương pháp hoả thiêu người chết là một phương pháp thiết thực nhất, an toàn nhất và kinh tế nhất cho xã hội, đặc biệt là với đất nước Việt Nam chúng ta. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để việc hoả táng người chết được nhanh chóng tiến hành trên phạm vi rộng khắp.
 

6. Vì sao việc hoả táng người chết cho đến nay vẫn chưa được thực thi triệt để?
 
         Mặt dù xét về cả mặt hình thức và xã hội thì hoả táng thật sự là một biện pháp tối ưu nhất trong việc tiết kiệm kinh phí, thế nhưng hiện nay, việc áp dụng biện pháp hoả táng cho người chết vẫn chưa được áp dụng một cách triệt để trên phạm vi cả nước. Ngoài nguyên nhân là do phong tục chôn người chết đã ăn sâu trong lòng người dân, nhiều người quan niệm thiêu xác làm người chết sẽ bị cảm giác nóng, bất hiếu, hay con cháu làm ăn không ra… còn một nguyên nhân sâu xa khác chính là do một số lò thiêu người chết vẫn chưa xem trọng việc bảo vệ môi trường, những lò thiêu ở gần nhà người dân đã gây ô nhiễm một cách nghiêm trọng. Điều này đã làm cho việc xin cấp giấy phép để xây những lò thiêu phục vụ hoả táng rất khó thực hiện cũng như không tạo được niềm tin trong lòng người dân. Điểm qua một vòng quanh các lò thiêu, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy hiện trạng đáng buồn này. Đơn cử như đài hoả táng tại Thuận An ở tỉnh Bình Dương gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã bị buộc đóng cửa từ cuối năm 2007. Vì không được kiểm soát một cách chặt chẽ mà đài hoả táng này đã làm mất lòng người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của những người dân nơi đây. Chính điều này đã làm cho người dân mất lòng tin, không thực hiện việc hoả thiêu người chết mà cứ tiếp tục áp dụng phương pháp thủ công ngày xưa.


7. Hỏa táng- hình thức “chôn cất” thuận tiện nhất

         Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, chi phí cho việc mua đất để chôn khoảng vài chục triệu đồng/mộ, trong khi chi phí cho một lần hỏa táng chỉ dao động từ trên dưới mười triệu đồng nên hình thức hỏa táng ngày càng chiếm tỉ lệ cao. Từ nguồn tài trợ đầu tư dự án của vùng Nord Pas de Calais (Pháp), lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng cho dự án nhà hỏa táng với diện tích hơn 74.000 m2 đất tại Hòa Sơn và trong năm 2007 đã đưa vào sử dụng. việc chọn khu đất  để xây dựng nhà hỏa táng sẽ là hợp lý nếu nó gắn liền với nghĩa trang, tạo thành một quần thể rất khoa học và hợp lý. Sau khi tiến hành hỏa táng người quá cố, phần tro sau khi thiêu hoặc được đưa về chùa, hoặc được để lại nghĩa trang với diện tích chiếm rất ít trong khu lưu cốt.
           Ngược lại, các trường hợp cải táng tại chỗ sẽ được đưa thẳng vào nhà hỏa táng và phần tro cũng được giải quyết như trên. Hợp nhất hai khu đất này tạo thuận lợi cho việc xử lý các vấn đề vệ sinh môi trường do tính chất tương đồng giữa công trình với nghĩa trang. Bên cạnh đó, trong hệ thống giao thông đô thị, đường vận chuyển người chết đi mai táng và hỏa táng cùng chung một hướng, tạo ra một cảm nhận dễ chịu về trật tự đô thị và giảm chi phí giao thông hỏa táng là một hình thức rất hợp vệ sinh, bảo vệ môi sinh, không mất đất, giảm bớt được nhiều vấn đề như: xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ, cải táng, di dời… cho nên việc hỏa táng càng ngày càng được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng Phật giáo. Họ quan niệm nên dành đất cho người sống ở hơn là xây đầy những mộ chí, những nghĩa trang cho người đã nằm xuống.
          Có thể nói, hoả táng và địa táng là hai hình thức mai táng chính hiện nay. Tuy nhiên, trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” này, ghi nhận từ thực tế cho thấy hoả táng đang thể hiện nhiều lợi thế về mặt khoa học cũng như lợi ích kinh tế. Khi phân tích về một số “nhược điểm” của hình thức địa táng truyền thống, một chuyên gia xã hội học đã đưa ra những con số và lý lẽ khá thuyết phục: Trung bình một ngôi mộ chiếm khoảng 5m2 đất (bao gồm cả đường đi lại và các công trình quản trang). Nếu nhân lên với số người tử vong hàng năm thì sẽ lãng phí một diện tích đất rất lớn, gây thiếu hụt cho các công trình công cộng khác. Và với tốc độ tăng trưởng dân số như hiện nay, việc thiếu đất cho người “nằm xuống” trong tương lai là điều khó tránh khỏi. Thêm vào đó, việc địa táng kéo theo rất nhiều hệ luỵ như: ăn uống linh đình, xây mộ to, lấn chiếm đất nghĩa trang, lấy sinh phần cho người còn sống, việc cải táng sau ba năm chôn cất... Đó là chưa kể đến việc địa táng sẽ gây ô nhiễm đến môi trường sống, ô nhiễm nguồn nước ngầm, chung quanh khu nghĩa trang... Những lý do ấy khiến con người buộc phải nghĩ đến việc tìm một hình thức mai táng phù hợp và việc áp dụng hình thức hoả táng là phương pháp khả thi nhất để tiết kiệm quỹ đất và bảo vệ môi trường. Mặc dù cho đến thời điểm này, người dân vẫn chưa hết tâm lý e ngại nhưng ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, hoả táng đang được người dân dần chấp nhận...
         Theo đánh giá, hoả táng là hình thức mai táng văn minh, đã trở nên quen thuộc và ngày càng được nhiều người lựa chọn. ở một số địa phương thì hình thức này chưa được lựa chọn nhiều, có lẽ do yếu tố tâm linh, thói quen. Cần phải thấy hoả táng là hình thức văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường, gia đình tang chủ không phải chịu nhiều áp lực như với thổ táng - thường là sau 3 năm lại phải làm thủ tục bốc mộ như ở miền Bắc. Theo dự báo, hoả táng sẽ dần trở thành hình thức phổ biến trong việc tang. Tất nhiên, công tác tuyên truyền là yếu tố quan trọng và thiết yếu nhằm thay đổi tư của người dân.

8. Những tín hiệu đáng mừng cho việc thực thi hoả táng

         Quay ngược dòng thời gian chúng ta thấy, đến tận những năm 90 của thế kỷ XX, việc hoả táng là khá hiếm hoi và có thể nói, hơn 70% gia đình đã chọn hình thức địa táng khi người thân mất với lý do khá đơn giản: Sau nỗi đau vừa mất người thân thì không thể một lần nữa chứng kiến cảnh người thân của mình lại bị “tan biến"”đi thành tro bụi chỉ trong vài tiếng. Vả lại mang thiêu người thân là phũ phàng, là đụng chạm đến tâm linh, không làm tròn việc hiếu". Mặt khác, thời bấy giờ hình thức hoả táng còn khá “thô sơ”, nhiều nơi “đài hoá thân hoàn vũ” vẫn còn sử dụng hình thức hoả táng bằng đốt củi... Hình thức này vừa ô nhiễm môi trường vừa gây đau lòng cho người thân đúng là điều khó tránh khỏi...
        Năm 1992, tại Hà Nội xây dựng đài Hoá thân Hoàn Vũ bên cạnh nghĩa trang Văn Điển. Đây được đánh giá là công trình điện táng hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á lúc đó. Tại Tp.HCM năm 1998 đã lắp thử nghiệm 2 lò hoả táng dùng ga ở khu vực Bình Hưng Hoà. Đến tháng 4.2000 đã hoàn tất việc lắp đặt và đưa vào sử dụng thêm 8 lò hoả táng hiện đại dùng gas tại đây. Có thể nói, các lò hoả táng hiện nay trên địa bàn Hà Nội, Tp.HCM được trang bị hiện đại “ngang ngửa”với những lò hoả táng trên thế giới, việc hoả táng được thực hiện bởi điện hoặc lò gas nên vận hành dễ dàng, an toàn, giảm thiểu được tối đa những "nhược điểm" về khói bụi, mất an toàn cho môi trường. Ngoài Hà Nội và Tp.HCM, các đô thị khác như Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ... đã tu bổ, nâng cấp hoặc xây dựng mới các lò hoả táng. Gần đây nhất, tháng 1năm 2007, tỉnh Quảng Ninh vừa đưa vào sử dụng công trình hoả táng An Lạc Viên ngay dưới chân đèo Bụt. Đây là công trình được đánh giá là lớn, có công nghệ hoả táng hiện đại, khoa học nhất miền Bắc với khu lưu giữ tro hài cốt hài hoà, đẹp đẽ. Cùng với công nghệ hiện đại việc tổ chức "tiễn đưa" những người quá cố cũng rất trang nghiêm, bài bản, không chỉ đảm bảo mỹ quan, tập tục truyền thống mà còn mang nét văn hoá . Năm 2003, cả TP Hà Nội có gần 1.000 trường hợp hoả táng thì trong năm 2006 đã có 3.000 trường hợp. Tại TP Hải Phòng, theo con số thống kê được tỉ lệ hoả táng tăng từ 18,6% tổng số người mất (429/2303) năm 2002 lên 66,7% năm 2006 (2400/3600) [5].
         Mặc dù hoả táng là hình thức mai táng văn minh, phù hợp với đời sống hiện đại và đang dần được người dân ủng hộ nhưng để hoả táng trở nên phổ biến, thực sự trở thành một phong tục thì cần có thêm thời gian, bởi đa số người dân ở các vùng nông thôn vẫn chưa thay đổi được nếp nghĩ, tập tục, tín ngưỡng đã ăn sâu vào đời sống qua nhiều thế hệ. Mặt khác, hiện nay, nếu so sánh thật chi li thì dù hoả táng là dịch vụ có chất lượng bảo đảm, tổng cho phí rẻ hơn nhưng chi phí tập trung vào một thời điểm cũng gây khó khăn tài chính cho nhiều tang chủ. Hơn nữa, số lượng hạn chế của các đài hoá thân hoàn vũ cũng là trở ngại cho người dân ở xa. Vì vậy, để hoả táng trở thành hình thức mai táng chính trong xã hội cần có những biện pháp khuyến khích phù hợp, bởi đây là một vấn đề nhạy cảm.
         Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban Trung Ương MTTQVN đã phối hợp với Bộ tài nguyên và Môi trường, thực hiện chương trình hành động “phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” với sự tham gia của hơn 40 tôn giáo. Có thể thấy đây là một trong những việc làm thiết thực của các tôn giáo nhằm chung tay bảo vệ môi trường. Về việc hỏa táng, Phật giáo thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm trên địa bàn các quận, huyện và kết hợp trong những bài giảng Phật Pháp nhằm thay đổi phong tục “địa táng” của người dân.

9. Những đề xuất thiết thực nhất cho vấn đề hỏa táng

        Những lò hoả thiêu có chất lượng đã xuất hiện, tuy nhiên số lượng vẫn còn ít, cần phải xây dựng nhiều hơn nữa các lò thiêu có chất lượng như thế trên phạm vi cả nước, bên cạnh đó công tác giáo dục tâm lý cho người dân cũng không ngừng phải được quan tâm, tổ chức các nhóm tuyên truyền viên, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn họ những thuận lợi của việc hoả táng, cần có những hình ảnh, bảng hiệu mang tính đột phá cao, có thể dễ dàng đi vào lòng người dân. Và một điều không kém phần quan trọng là giá thành ở các lò thiêu cần phải phù hợp với túi tiền của người dân và nếu có thể được, nhà nước có thể hỗ trợ chi phí cho những người có người thân đưa đi hoả táng. Thực hiện được những công tác này, chính là góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm được kinh phí của nước nhà, đồng thời đưa nhận thức của con người lên một tầng cao mới.


III. Kết luận

        Sống chết là một vấn đề muôn thuở mà con người quan tâm. Mai táng ngày nay không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt vẫn luôn mong muốn có “mồ yên mả đẹp”. Trong thời buổi dân số tăng nhanh, môi trường ô nhiễm như hiện nay thì hỏa táng đang là hình thức mà nhiều người hướng đến và được dự báo là sẽ phát triển trong tương lai, với nền văn minh công nghiệp, hoả táng sẽ dần thay đổi các hình thức mai táng khác và sẽ trở nên phổ biến toàn cầu.
 
 
 
 



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tạng Thư Sống Chết, bản tiếng anh “The Tibetan Book Of Living And Dying” của Sogyal Rinpoche, Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch.
2. Người tây tạng nghĩ gì về cái chết, dịch từ bản tiếng Anh, The Tibetian Book of the Death (Lạt-ma Kazi Dawa Samdup). Nguyên tác: Bardo Thodol của Tây Tạng, Nguyên Châu. Nguyễn Minh Tiến biên dịch.
3. Các báo Thanh Niên và Người Lao Động.
4. Phạm Minh Thảo (2008), “Phong tục tang lễ”, Nxb. Thanh Niên.
5. Vĩnh Hằng, bài viết “Chết - Một tiến trình phổ quát trong dòng biến dịch vô thuỷ vô chung” trên báo Nghiên cứu Phật học.
6. Thích Nguyên Tạng soạn dịch, Chết Và Tái Sinh, PL: 2547. DL: 2003.
7. Nguyễn Chính Kết, Quan niệm Phật giáo về cái chết, tủ sách Dung Lạc.
8. Thích Thiện Hoa (2006), Phật học phổ thông quyển một, Nxb. Tôn Giáo.
 
 
Hiển thị phần trích dẫn:
 
[1] Thích Thiện Hoa (2006), Phật học phổ thông quyển một, Nxb. Tôn Giáo. Tr. 423.

[2] Tự bạch của Mác.
 
[3] Phạm Minh Thảo (2008), “Phong tục tang lễ”, Nxb. Thanh Niên. Tr. 216.
 
[4] Theo báo Người Lao động, số ra ngày 6/12/2007.

 
 
Hình 1: hội nghị tập huấn tập huấn công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu dân cư năm 2017 tại Hạ Long, Quảng Ninh.


 
 
Hình 2: hội nghị tang văn minh tiến bộ, xã Mai Lâm, huyện Đông anh.

 
 
Hình 3: Tuyên truyền "Phương thức tuyên truyền tang văn minh tiến bộ"  cho chính quyền 18 tỉnh thành tại hội nghị tập huấn tập huấn công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu dân cư năm 2017 tại Hạ Long, Quảng Ninh.
 
 
Hình 4: Phối hợp với UBTWMTTQVN do bà Trương Thị Ngọc Ánh làm trưởng đoàn, cùng với hội đồng Nhân Dân, UBND Xã Mai Lâm huyện Đôgn Anh tổ chức trồng cây tại Xã, Đình, Chùa nhằm tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường.
 
 
Hình 5: Tuyên truyền tang văn minh tiến bộ cho nhân dân địa bàn xã Dục Tú, huyện Đông Anh.
 
 
 
Hình 6: Các con học giáo lí về bảo vệ môi trường tại Chùa
 
 

Hình 7: Các con học giáo lí về bảo vệ môi trường tại Chùa.
 
 
 
                     Hình 8: Tổ chức cho sinh viên lao động, dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây