ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG SẤM GIẢNG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO*

Chủ nhật - 06/06/2021 01:00
[TƯ LIỆU - THĂNG LONG LIBRARY] * Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam (2014). Nxb. Lý luận chính trị. Tr.333-336, và in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr.385-388. Tác giả bài viết: Trương Hải Cường, Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Làng Hòa Hảo, Tỉnh An Giang, Ảnh: Nguyễn Hữu Thụ
Làng Hòa Hảo, Tỉnh An Giang, Ảnh: Nguyễn Hữu Thụ


 
        Đạo Hòa Hảo là tôn giáo nội sinh, xuất hiện ở An Giang năm 1939, là tôn giáo tiếp thu, kế thừa Phật giáo, Nho giáo và các tôn giáo ra đời ở Nam bộ như: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Giáo lý Phật giáo Hòa Hảo có thể chia làm hai phần là Tu nhân và học Phật, tu Phật. Tu nhân thể hiện rõ nét quan niệm về đạo làm người của Phật giáo Hòa Hảo. Tu nhân chủ yếu tiếp thu từ Nho giáo song đã được giải thích trên căn bản của Phật giáo và được gắn với thực tiễn cuộc sống người dân Nam Bộ thời bấy giờ và theo hướng đơn giản, thiết thực. Do vậy nó dễ đi vào cuộc sống đạo - đời của tín đồ đạo Hòa Hảo góp phần làm phong phú thêm giá trị đạo làm người của người Việt Nam. Bài viết này mong muốn làm rõ quan niệm về đạo làm người được thể hiện qua cuốn: "Sấm giảng giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo".

       1. Sấm giảng giáo lý Phật giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Phú Sổ (Giáo chủ) viết, gồm 6 quyển, quyển thứ nhất có tiêu đề "Khuyên người đời tu niệm" được viết vào năm 1939 ở làng Hòa Hảo, quyển thứ sáu có tiêu đề "Cách tu hiền và sự ăn ở của một người bổn đạo" được viết năm 1945 ở Sài Gòn. Về mặt tâm linh, Sấm giảng giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo là những điều răn dạy của bề trên được thể hiện qua Đức Huỳnh giáo chủ, về mặt xã hội nó phản ánh xã hội và tôn giáo đương thời, bởi:
                                                  Lòng quảng ái xót thương nhân chủng,
                                                  Buổi lố lăng Phật giáo suy đồi.
                                                  Kẻ tu hành ai nỡ yên ngồi,
                                                  Mà sớm kệ chiều kinh thong thả.
[1,140]
         Theo C.Mác: "Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo, tức thế giới quan lộn ngược, vì bản thân chúng là thế giới lộn ngược" [4,569]. Qua đó có thể thấy rằng, quan niệm về xã hội nói chung, về đạo làm người nói riêng của Phật giáo Hòa Hảo là sản phẩm xã hội của cư dân Nam Bộ thời kỳ bấy giờ và nó đã góp phần đáp ứng những đòi hỏi, những ước vọng của họ.
          Theo quan niệm của Phật giáo Hòa Hảo, tu nhân là hoàn thiện bản thân mình trong quan hệ với gia đình và quốc gia, xã hội. Ở điểm này, tu nhân của Phật giáo Hòa Hảo sử dụng nhiều quan niệm của Nho giáo như: Tam cương; ngũ thường, ngũ luân; nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, v.v. Tuy nhiên tu thân không phải để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ như mục đích của Nho giáo mà là để làm cơ sở cho học Phật, tu Phật nhằm đạt sự giải thoát. Điều này dẫn tới cần phải giải thích cốt lõi của tu nhân theo tinh thần của Phật giáo - Phật giáo đã được đơn giản hóa.
         2. Tu nhân là phạm trù bao trùm trong quan niệm đạo làm người của Phật giáo Hòa Hảo mà điều đầu tiên là phải thực hiện Tứ ân. Xét về lịch sử Tứ Ân có từ Phật giáo như Ơn cha, mẹ; ơn thầy, bạn; ơn Quốc gia, xã hội, chúng sinh; ơn Tam bảo, Phật giáo vào Nam Bộ, qua đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đến Phật giáo Hòa Hảo tứ ân đã được giản hóa, cụ thể theo cách của nó thành giáo lý Tứ Ân (ơn), Ân Tổ tiên cha mẹ, Ân Đất nước, Ân Tam bảo, Ân đồng bào và nhân loại. [2, 177-183]
       - Ơn Tổ tiên cha mẹ, trước hết với ơn cha mẹ là hướng con người vào sự hiếu kính bậc sinh thành, không làm điều gì phiền lòng cha mẹ, nếu cha mẹ có làm điều gì trái đạo thì hết sức tìm cách can ngăn, cầu cho cha mẹ được phúc thọ, nếu cha mẹ qua đời thì cầu cho cha mẹ được vãng sinh nơi Phật cảnh; với ơn tổ tiên đòi hỏi không làm điều gì điếm nhục tổ tông, mà phải làm điều nghĩa để bồi đắp công đức cho tổ tiên.
        - Ơn đất nước được giải thích là bởi ta sống được là nhờ ơn tấc đất, ngọn rau và đặc biệt là: "Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo, và làm cho được trở nên cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm" [2,179]. Đạo làm người ở quan niệm này thể hiện trách nhiệm của mỗi bổn đạo đối với đất nước, mà cụ thể là với sự tồn vong, sự độc lập của dân tộc, sự cường thịnh của đất nước, quê hương. Ở đây có sự tiếp thu, kế thừa, sự cụ thể hóa truyền thống yêu nước (chủ nghĩa yêu nước) của dân tộc.
       - Ơn Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), ơn này được thể hiện mặt tinh thần, bởi, theo Phật giáo Hòa Hảo con người phải nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng để khai mở trí tuệ, để lựa chọn con đường thương yêu và giải thoát.
       - Ơn đồng bào và nhân loại, ơn đồng bào thể hiện truyền thống thương nòi, của dân tộc; ơn nhân loại thể hiện một chiều cạnh quan trọng của tình thương yêu chúng sinh theo tinh thần Phật giáo. Ơn đồng bào và nhân loại cũng thể hiện sự liên đới, tinh thần trách nhiệm đối với con người, về mặt xã hội nó góp phần vào kiến tạo một nền hòa bình, hợp tác, hạnh phúc giữa con người với con người không chỉ ở trong một quốc gia mà rộng ra là toàn thể nhân loại.
      Về phương diện xã hội, đạo làm người còn thể hiện ở trách nhiệm và bổn phận khác mang tính cụ thể, thiết thực như thực hiện Thập thiện (mười điều thiện) gắn với những điều răn dạy về: Sát sanh, Đạo tặc, Tà dâm, Lưỡng thiệt, Ỷ ngôn, Ác khẩu, Vọng ngữ, Tham lam, Sân nộ, Mê si [2, 186-196; 3, 161-198].
      Về phương diện tôn giáo đạo Hòa Hảo khuyên dạy bổn đạo "Hãy xóa bỏ những điều mê tín, quy thuận theo tinh thần đạo đức, lánh chốn mê lầm tỉnh cơn mộng huyễn phá tan màn vô minh che mờ tâm trí, lần bước trên con đường đạo hạnh, đi đến chỗ Bất diệt, Bất sanh" [2,196]. Trên tinh thần ấy, Phật giáo Hòa Hảo khuyên bổn đạo cúng lễ đơn giản như: Thờ cúng tại gia, ban thờ chỉ dùng tấm Trần Dà; đối tượng thờ cúng là Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ, các vị anh hùng cứu quốc; lễ vật thờ cúng Phật chỉ dùng hoa, nước lạnh và nhang, với gia tiên thì có gì cúng nấy tùy theo gia cảnh. Đạo Hòa Hảo dạy bổn đạo khi cúng lễ cốt là ở tâm thành. Đặc biệt Phật giáo Hòa Hảo cấm việc đốt vàng mã, phê phán việc lãng phí trong ma chay cũng như cưới hỏi.
      3. Với quan niệm về đạo và đời như trên, có thể nói Phật giáo là một tôn giáo nhập thế [1,25-27] và nhờ có sự nhập thế với quê hương, đất nước, với nhân quần đã tạo nên một con đường, một cách thức của đạo làm người theo hướng đơn giản, thiết thực góp phần làm phong phú cho đạo làm người ở Việt Nam của người Việt Nam nói chung. Những giá trị về đạo làm người của Phật giáo Hòa Hảo vẫn đang được phát huy trong đời sống hiện nay như việc bài trừ mê tín dị đoan, chống xa hoa lãng phí, sống trung thực chân thành, có trách nhiệm với bản thân với gia đình với quốc gia và xã hội. Đây là những giá trị đáng được khuyến khích, được tạo điều kiện phát huy nhằm góp phần ổn định và phát triển xã hội của Việt Nam hiện nay.





      Tài liệu tham khảo

    1. Trương Hải Cường, Tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2012.
    2. Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo, Sấm giảng giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh giáo chủ, (tái bản lần thứ ba), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, năm 2002.
    3. Ban Hoằng pháp, Chú nghĩa (Loạt bài huấn luyện đạo đức nơi Tây an cổ tự), Ấn quán Thương binh, Sài Gòn, năm 1963.
    4. C.Mác, Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen (lời nói đầu), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia (1995), (tr. 569-590).
         
                             





 

Tác giả: Thăng Long Library

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây