Tóm tắt: Trước những bất ổn trong đời sống gia đình và xã hội, người ta bắt đầu bàn nhiều đến các vấn đề luân lý và đạo đức và tìm giải pháp cho những bất ổn này. Trong đó, những quan điểm, giải pháp của tôn giáo về vấn đề này cũng là đề tài được bàn luận nhiều. Khả năng vận dụng và thamc hiếu cách ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội thế nào sẽ được phân tích trong bài viết dưới đây.
Từ khóa: Hiếu hòa, Kito giáo, gia đình, xã hội.
Giáo hội Công giáo luôn mời gọi con người thực thi đức “Hiếu hòa”, tình yêu tha nhân và nền hoà bình cho thế gian này, nhưng tội ác, bạo lực, khủng bố, chiến tranh lại ngày một gia tăng trên thế giới. Đôi khi, những kẻ giết người, khủng bố lại chính là những con chiên “ngoan đạo” của Chúa, gây cho nhân loại một nỗi tuyệt vọng, bất ổn, một sự hoài nghi về sức mạnh cảm hoá của tín lý “Hiếu hòa” trong tôn giáo, người ta muốn chọn hình thức chính trị, vũ trang, vũ lực răn đe làm giải pháp an định tình hình. Trong bài viết này, tôi muốn bàn về những giá trị nhân bản của đạo Công giáo trong lý thuyết về đức “Hiếu hòa” trong việc giáo dục con người cách ứng xử trong gia đình và xã hội, ý nghĩa của nó đối với Việt Nam hiện nay.
“Hiếu hòa” trong giáo lý của Công giáo bao hàm hai ý nghĩa cơ bản: một là, lòng hiếu thảo, hiếu nghĩa đối với mọi người trong gia đình. Hai là, đức hiếu sinh, hòa thuận, bác ái với tha nhân và xã hội.
- “Hiếu đạo” trong gia đình.
Những ngày đầu khi mới truyền đạo vào Việt Nam, đạo Công giáo đã gây những hiểu lầm không tốt về “Hiếu Đạo” vì giáo lý của nó còn lấn cấn giữa việc “thờ kính tổ tiên” và “Thờ phụng Thiên Chúa” để rồi giáo hội Công giáo buộc tín đồ phải khước từ việc thờ cúng tổ tiên, và đạo Công giáo bị cáo buộc là chối bỏ hiếu đạo trong gia đình. Song, Thánh Kinh (Cựu Ước và Tân Ước) có rất nhiều câu, nhiều đoạn văn, nhiều châm ngôn khuyến khích lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, theo đó, hiếu kính với cha mẹ chính là điều kiện để được cứu độ “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3, 3-4); “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Hiếu Đạo cũng là một giới luật trong “thập giới” (Mười điều răn của Chúa), một luân lý căn bản của Kitô giáo. Thập giới được chia làm hai nhóm: Ba giới đầu liên quan đến Thiên Chúa (Thờ phụng Thiên Chúa và kính mến người trên hết mọi sự; Chớ kêu tên Thiên Chúa vô cớ; Giữ ngày Chúa nhật), bảy giới sau liên quan đến tha nhân, trong đó, thảo kính cha mẹ là giới đứng đầu (Thảo kính cha mẹ; Chớ giết người; Chớ làm sự dâm dục, Chớ lấy của người; Chớ làm chứng dối; Chớ muốn vợ chồng người; Chớ tham của người). Điều đó cho thấy, thảo kính cha mẹ là giới răn được coi trọng nhất trong các giới liên quan đến tha nhân. Kinh thánh cũng dạy rằng,nếu con người ta không biết hiếu thảo với chính cha mẹ, anh em của mình, người yêu thương, hy sinh vì ta một cách hữu hình thì làm sao người đó có thể tín kính thật sự với Thiên Chúa vô hình ở trên trời, mà sự hy sinh của chúa đối với ta lại phải chiêm nghiệm bằng đức tin mới thấy được.
Như vậy, giáo lý của Công giáo cũng đã chú trọng đến “Hiếu đạo” và coi đó như nền tảng luân lý của mình. Tuy nhiên, chiều kích “Hiếu đạo” của nó hướng đến đích là hiếu kính Thiên Chúa vì Thiên Chúa mới là cha, là mẹ sinh ra mọi loài thụ tạo. Thần học “Tam Phụ” của Alexandre de Rhodes đã nêu rằng, cha mẹ có ba cấp độ: Thượng Phụ, Trung Phụ và Hạ Phụ. Trong đó, Thượng Phụ là Cha trên trời, Trung Phụ là giáo hội và đất nước, Hạ Phụ là cha mẹ sinh ra ta. Do đó, tín đồ thực hiện bổn phận của “Hiếu đạo” cần phải chu toàn cả ba cấp độ. Trong đó, bổn phận đối với Cha trên trời (Thiên Chúa) là căn bản, các bổn phận sau xuất phát từ bổn phận căn bản trên.
Kinh Thánh dạy tín đồ như vậy nhưng không có nghĩa là người Kitô hữu sẽ coi nhẹ chữ hiếu đối với cha mẹ, anh em mình hơn với Thiên Chúa, vì Kinh Thánh (Tân Ước), thư thứ nhất của thánh Gio-an có đoạn viết: “Nếu ai nói, tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20), điều đó có nghĩa rằng, càng yêu Chúa thì người Kitô hữu càng phải nhận ra bổn phận yêu mến thảo kính cha mẹ, anh em mình, một người càng hiếu thảo đối với cha mẹ, anh em mình thì mới có thể có tình yêu đối với Thiên Chúah và tình yêu đối với tha nhân.
Hiện nay, nền tảng gia đình trên thế giới và cả ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Tại Âu châu, tỉ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng lên đến con số báo động là 50%, ở Việt Nam tỉ lệ ly hôn, bạo lực gia đình, thái độ bất hiếu ngày càng gia tăng. Đời sống vật chất được cải thiện,tiền bạc có thể dư thừa nhưng thời gian dành cho gia đình, ông bà, cha mẹ, con cái thực sự khan hiếm. Cuộc sống hối hả, chạy đua, việc giáo dục con cái từ gia đình bị suy giảm, phó thác cho giáo dục nhà trường và xã hội. Tiền bạc, vật chất được dùng làm thước đo giá trị, nên trong gia đình, người kiếm được nhiều tiền thì được coi trọng, cha mẹ không kiếm được nhiều tiền bằng con cái thì khó dạy bảo chúng. Ngoài xã hội, người giàu sang được trọng vọng, vật chất trở thành mục tiêu của cuộc sống, mọi định hướng cho mục đích, lý tưởng của con người đều bị phụ thuộc vào đồng tiền. Mọi giá trị về hiếu nghĩa, chung thủy, tiết hạnh trong quan hệ gia đình, xã hội dường như bị đảo lộn hoặc không còn được xem là thước đo đánh giá về đạo đức, nhân cách, phẩm hạnh và tầm ảnh hưởng của con người nữa. Những thập niên gần đây, chúng ta được chứng kiến cuộc khủng hoảng về luân lý và một sự “nổi loạn” về tình dục mà người phương Tây gọi bằng thuật ngữ Sex Revolution (cách mạng tình dục) cũng đang diễn ra ở Việt Nam.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, thế giới đưa ra hẳn một “chiến lược giải cứu tại gia" (a homegrown bailout strategy) và rất nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp lại dường như không hợp lẽ thường và luân lý theo cách dùng “độc” trị “độc”, đó là, không kết hôn, sống độc thân nhưng tự do quan hệ tình dục, sống chung như vợ chồng nhưng không hôn thú, tự do đồng tính luyến ái, vv…Trước vấn nạn đó, giáo hội Công giáo Việt Nam cũng có chủ trương đưa ra các giải pháp nhằm củng cố lại nền tảng gia đình, dựa trên nền tảng giáo lý căn bản của Kinh Thánh. Theo kinh nghiệm của giáo hội, hễ khi đạo đức suy thoái thì ơn gọi tu trì cũng sẽ sa sút. Con người ta vô cảm trước gia đình và xã hội thì chắc chắn cũng sẽ nhạt đạo, khô đạo. Do đó, củng cố nền tảng gia đình, nền tảng đạo đức cá nhân cũng là một sứ mệnh mà giáo hội đặt ra trong việc củng cố đức tin vào Thiên Chúa và là một nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc truyền giáo và phát triển đạo mà giáo hội hướng tới. Giữ được “Hiếu đạo” trong gia đình cũng sẽ là giữ được bổn phận trước Thiên Chúa, gia đình chính là Hội thánh tại gia.
Vì lẽ đó, giáo hội Công giáo quan tâm nhiều đến vấn đề gia đình, mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái. Theo đó, hôn nhân và tình yêu vợ chồng là một kế hoạch, một sự sáng tạo và là một công trình tuyệt tác của Chúa, mà “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,5-7). Những cuộc hôn nhân không hạnh phúc hay bị người kia bỏ rơi thì hãy coi như một hình thức đền tội ở đời này và tìm niềm vui ở công việc bác ái thì hạnh phúc đích thực sẽ có ở đời sau. Mọi quan hệ tính dục ngoài hôn nhân dù dưới bất kỳ hình thức nào, lý do gì cũng đều phạm tội nghiêm trọng phá hủy ơn gọi khiết tịnh mà Bí tích Thánh tẩy đòi buộc và làm ô uế đền thờ chúa thánh thần cũng như chính thân xác họ. Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ toàn vẹn từ lúc còn là phôi thai, quyền được sống là quyền bất khả nhượng, do đó, phá thai hay giết người đều bị vạ tuyệt thông tiền kết. Những tín lý đó được giáo hội tuyên truyền, giáo dục nghiêm khắc, lâu dài, liên tục bằng nhiều hình thức cho tín hữu của họ. Với giới giáo sĩ, họ là những người Kitô hữu xuất gia, hiến thân để phục vụ giáo hội và họ cho đó là ơn gọi tu trì (Thiên Chúa mời gọi, lựa chọn và sai phái họ) thì việc thực thi bổn phận “Hiếu đạo” của họ không chỉ bó hẹp trong gia đình mà còn phải hướng ra bên ngoài xã hội, hướng tới tha nhân, tức là, quan tâm tới những người yếu thế như người già, người bất hạnh, ốm đau, tật nguyền và người tội lỗi. Với ý nghĩa đó, giới tu hành không “xuất gia”, không “bỏ đời” và trốn tránh trách nhiệm, bổn phận của mình với gia đình và xã hội, thậm chí họ còn là những tấm gương sáng trong tinh thần hiếu đạo.
Hành vi đạo đức của con người giống như thói quen, nếu chúng ta được nghe, được thấy, được học hết ngày này qua tháng khác những bài học về luân lý và những tấm gương đạo đức, chúng ta sẽ có thêm động lực để thay đổi hành vi của mình. Cách thức giáo dục nghiêm khắc, lâu dài, kiên trì của giáo hội về “hiếu đạo” đã thấm sâu vào giáo dân và họ thực thi nó một cách tự giác, tự nguyện. Do vậy, ở những vùng đồng bào theo đạo, tỉ lệ ly hôn thường rất thấp, tỉ lệ nạo phá thai cũng thấp, các tệ nạn xã hội như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, nghiện hút, bạo lực gia đình và các tội phạm xã hội khác hạn chế hơn so với các vùng dân cư khác. Tỉ lệ người Công giáo bị kết án cũng thấp. Tuy nhiên, bạo lực gia đình, ngoại tình, ly hôn vẫn tồn tại trong các gia đình Công giáo và là mối quan ngại lớn của giáo hội. Thượng Hội đồng giám mục thế giới đã phải triệu tập một cuộc họp ngoại thường tại Roma vào tháng 10 năm 2014 với chủ đề mục vụ gia đình, trong bảng các vấn đề của hội nghị, chủ đề ly hôn được đặt lên hàng đầu. Tựu chung, để đối phó với những “bi kịch” trong gia đình, nhiều giáo xứ ở Việt Nam đã đổi mới nội dung các lớp học giáo lý thường xuyên, thanh niên nam nữ học các lớp dự bị hôn nhân, thay vì chỉ chăm chăm chuẩn bị cho các cặp vợ chồng tương lai hiểu biết về giáo lý, về đức tin hoặc chuẩn bị cho họ đón nhận các bí tích, các lớp học tiền hôn nhân hiện nay đã hướng tới việc giáo dục những kỹ năng sống cho giới trẻ. Cùng với đó, các bài giảng trong nhà thờ, các lời khuyên riêng tư trong các “tòa giải tội”, các khóa tĩnh tâm, các giờ chầu Thánh thể, các cuộc thăm viếng của linh mục quản xứ đến từng tư gia,…Những khóa học như thế không giới hạn vào một khuôn khổ không - thời gian, cũng không bị hạn chế trong một tầm mức tuổi đời hay một khuôn mẫu nào đó về đạo lý, tất cả đã góp phần giáo hóa tín hữu trung thành với đức tin, lề luật và trở thành người công dân “đề kháng” tốt trước các tệ nạn xã hội.
Như vậy, củng cố nền tảng gia đình, bắt đầu từ tinh thần “Hiếu đạo” của Công giáo có ý nghĩa lớn trong việc hình thành và định hướng tính cách, ứng xử của con người trong quan hệ gia đình. Khi con người ta thực thi đức hiếu thảo với cha mẹ mình thì người đó chắc chắn sẽ có một nền tảng đạo đức khiến họ có thể làm tròn phận sự đối với vợ chồng, con cái họ. Việc đối xử hiếu thảo và ân tình với cha mẹ cũng sẽ tạo lập được những đức tính cần thiết như đức hy sinh, kiên nhẫn, tôn trọng người khác. Người không hiếu thảo đối với cha mẹ mình và không sẵn sàng yêu thương, hy sinh cho vợ, chồng, con cái họ thì khó có thể yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Ngược lại, khi con cái thật sự hiếu thảo với cha mẹ, việc giáo dục chúng trong gia đình cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Những đứa trẻ thụ hưởng sự giáo dục tốt từ gia đình chắc chắn sẽ là một công dân tốt cho xã hội.
- “Hòa” với tha nhân và xã hội.
Kinh Thánh huấn dụ rằng: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52), “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 39), “Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5, 42).
Kinh Thánh đã nêu rõ quan điểm của mình là không đầu hàng cái ác mà phải trường kỳ chống lại sự dữ bằng giải pháp “đưa Chiên vào giữa bầy Sói” (Thày sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói (Lc 10,3), dùng sức mạnh của tình yêu và lòng bác ái để cảm hoá cái ác. Kinh Thánh miêu tả về Cuộc thương khó của Chúa Giê su để đấu tranh đòi quyền hiếu sinh, hiếu hoà và chống lại cái ác với quan niệm, cái ác không bao giờ bị đánh bại bởi một cái ác khác, nếu ta chọn cách thức đó thì thay vì khuất phục cái ác ta sẽ bị cái ác đánh gục. Thánh Phao-lô cũng từng nói: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21).
Quan điểm “Hoà” với cái ác và sự dữ của Công giáo nêu trên khiến nhiều người cho rằng đó là thứ luân lý đạo đức không tưởng, nó tốt đẹp đến mức khó thực hiện và trở thành phi thực tế. Giải pháp “đưa Chiên vào giữa bầy Sói” của Công giáo có thể bị coi là không hữu dụng vì tội ác và tội phạm xã hội ngày càng gia tăng, thậm chí nhiều tín đồ của chúa cũng không thực thi, không tu tâm dưỡng tính hướng đến điều thiện khiến chúng ta hoài nghi sức mạnh cảm hoá của “hòa”, chúng ta muốn chọn hình thức vũ lực, đấu tranh để chống lại cái ác và tội phạm.
Ở Việt Nam hiện nay, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, sự xuống cấp, tha hóa về đạo đức, sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, chai sạn cảm xúc cũng đến hồi báo động. Thảm án giết người liên tiếp xảy ra gây hoang mang dư luận xã hội thời gian qua, đặc biệt, tội phạm ngày càng trẻ hóa và hành vi ngày càng man rợ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật ngày đêm quyết liệt đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng tội phạm cũng không bị đẩy lùi mà ngày càng gia tăng, thậm chí còn có nhiều loại tội phạm mới chưa từng có trong lịch sử ngành tội phạm, với quy mô xuyên quốc gia xuất hiện.
Các trẻ em phạm tội đa phần đều rơi vào trường hợp thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình; lỗ hổng trong giáo dục đạo đức, nhân cách, luật pháp từ nhà trường và xã hội; bị chi phối nhiều từ bạn bè và môi trường sống “mở” quá phức tạp, trong khi tuổi đời còn non nớt, có nhiều biến động về tâm sinh lý, thích “nổi loạn", thích “khám phá”, thích “thể hiện”, chưa định vị được giá trị chân – thiện – mỹ, nên khi bị tác động xấu từ phía xã hội, bạn bè, các em thường mất phương hướng trong suy nghĩ và hành động dễ đi đến những hành vi lệch chuẩn, cực đoan, gây tội ác. Các nhà tâm lý học, tội phạm học đã nhìn thấy cốt lõi vấn đề nằm ở sự thiếu hụt về giáo dục và tình trạng mất cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển con người toàn diện, khi đó, cái bản ngã, yếu tố di truyền, giáo dục trong mỗi cá nhân chưa đủ “cứng”, đủ “bền” để ứng phó trước những tác động của sự biến động môi trường sống một cách quá nhanh.
Để đối phó, chúng ta đưa ra nhiều giải pháp, bên cạnh các giải pháp như tuyên truyền, phổ biến giáo dục luật pháp, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, các chuẩn mực xã hội, chúng ta chủ trương sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật để đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm, vv…
Luật pháp và hình phạt được thừa nhận là một trong những phương pháp cần thiết và có giá trị trong việc giáo hóa con người theo cách “yêu cho roi cho vọt”.Nhiều nhà giáo dục học hiện đại ngày nay cũng cho rằng, trong giáo dục mà loại bỏ hình phạt là thể hiện chủ nghĩa nhân đạo giả dối. Phương pháp giáo dục có tên “Bùng nổ sư phạm” được giới thiệu rộng rãi trong lý luận giáo dục đương đại, đó là cách thức, dùng những tác động mạnh đặc biệt (kể cả vũ lực), bất thần tới đối tượng giáo dục, nhằm tạo ra ở họ những chuyển biến về mặt tâm lý, suy nghĩ, phá vỡ những ý nghĩ, thói quen, hành vi xấu, tạo ra những suy nghĩ, tình cảm, hành vi mới đáp ứng yêu cầu của giáo dục. Thời trung cổ, ở nhiều quốc gia, tội phạm bị xử theo hình thức chặt đầu, phơi bày nơi công cộng hoặc hỏa thiêu công khai trước đám đông. Một tòa án ở Arabie saudi (Ả rập Xê út) ngày nay vẫn tuyên phạt chặt đứt bàn tay phải của tên trộm chỉ vì tội ăn cắp một con cừu. Các quốc gia Hồi giáo hiện nay vẫn dùng hình thức xử tử man rợ như chặt đầu đối với những tội phạm nguy hiểm và ném đá cho đến chết khi con người vi phạm những nguyên tắc của tôn giáo. Các cách thức xử phạt đó nhằm mục đích răn đe, ngăn chặn tội ác, bêu gương trước đám đông để họ xấu hổ mà trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, theo tôi, những cách trừng phạt đó có thể làm cho đám đông thỏa mãn cơn giận giữ vì tội ác đã bị trừng phạt đích đáng, nhưng đồng thời sự “tò mò” về tội lỗi cũng đã được làm cho thỏa mãn. Vậy là, thay vì tuyên truyền, giáo dục, răn đe hành vi phạm tội, đám đông lại được khám phá, gợi ý về tội lỗi. Hình phạt theo cách bêu xấu trước đám đông, vô tình hay hữu lý đã làm nhục họ, làm tổn hại đến nhân phẩm và liêm sỉ của họ và thân nhân họ. Thời đại văn minh, người ta hướng đến xóa bỏ án tử hình bằng cách xâm phạm thân thể và tổn thương nhân phẩm con người cho dù người đó là kẻ thủ ác và mất nhân tính. Hiện tại, hơn một trăm quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình vì lý do nhân đạo. Giải pháp “đưa Chiên vào giữa bầy Sói” của Công giáo có lý do và ý nghĩa là ở chỗ đó, không nên dùng vũ lực hay lời thách thức để kích hoạt lòng hiếu chiến của “bầy sói” dù bầy sói đáng bị tiêu diệt. Việc giáo dục con người hướng đến sự toàn thiện, toàn mỹ phải bằng cách khai thác tính tự giác, tự ý thức về phẩm giá của con người để họ sống đúng như một con người. Cái thiện, cái tốt không thể nhân lên từ việc trừng phạt cái ác, cái xấu một cách công khai và “trả đũa” có phần dã man như chính kẻ ác đã thực hiện hành vi tội lỗi. Giáo dục xét cho đến cùng cũng là để con người bước lên những nấc thang văn minh cao hơn, mà văn minh thì phải đối lập với cái dã man. Chống lại cái ác cần được tiến hành trên nguyên tắc đạo đức và cả giới luật, nhưng tuyệt đối không căn cứ trên thành kiến và hận thù. Thiết nghĩ, một nhà giáo dục học, một quan tòa xử án, một người thi hành án hay thậm chí là một đức thánh tối cao nào đó cũng cần phải có niềm tin rằng “mầm thiện” vốn là bản chất trong mỗi con người và trong chính kẻ thủ ác, nếu không có niềm tin ấy, khi đối diện với cái ác, mọi hình phạt trở nên vô nghĩa, mọi sự giáo dục, cảm hóa sẽ không đủ kiên trì và hy vọng rằng có thể điều chỉnh được hành vi của con người và làm cho mầm thiện trong họ đâm chồi nảy lộc. Không chỉ có thuyết cuồng tín tôn giáo, mà cả thuyết vô thần, thuyết chính trị bảo thủ cực đoan hiện nay chính là khởi nguồn và kích động kẻ ác toan tính và hành động.
Gần đây, cả thế giới bàng hoàng về vụ khủng bố ghê sợ trong ngày Quốc khánh Pháp, kẻ thủ ác đã thực hiện hành vi man rợ giết chết những con người vô tội trong ngày vui của họ. Hành vi đó khiến chúng ta phải suy ngẫm, phải chăng Phương Tây nói chung và nước Pháp nói riêng đang phải trả giá cho quá trình can thiệp và áp đặt các giá trị tôn giáo Tây phương lên các quốc gia Trung Đông theo Hồi giáo vốn không thân thiện với các giá trị phương Tây. Những kẻ khủng bố dưới danh nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang sở hữu một thứ “vũ khí” mà cả thế giới khó có thể tiêu diệt được đó là sự “cực đoan hóa”. Sự cực đoan đó là kết quả của nỗi uất hận bị dồn nén đến chân tường trước cách hành xử của giới chính trị gia phương Tây với Hồi giáo, dù kêu gọi không tẩy chay Hồi giáo nhưng thực tế rất nhiều người Hồi giáo, người nhập cư vẫn luôn bị phân biệt đối xử ở các nước phương Tây.
3. Kết luận
Hiếu hòa là một thứ tình cảm tự nhiên, bản năng của con người, các lý thuyết dạy về “Hiếu hòa” cũng chỉ có tác dụng củng cố tình cảm, nâng cao nhận thức cho con người để họ tuân thủ những chuẩn mực và quy tắc đạo đức đó một cách tự nhiên, dần dần trở thành thói quen. Tín lý “Hiếu hòa” được giáo dục lâu dài, liên tục, thường xuyên dưới nhiều hình thức sẽ tác động lên ý thức, lương tâm của chủ thể để họ lĩnh hội, phán đoán, tự nhận định về ý nghĩa của nó, đi đến chỗ tự nguyện thực hiện, tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình. Tín điều “Hiếu hòa” không chỉ dành riêng cho các tín đồ tôn giáo mà dành cho tất thảy chúng ta. Con đường “Hiếu hoà” cũng không phải là lối đi độc đạo, lạnh lùng, khắc nghiệt hay khổ hạnh dành riêng cho các tín đồ. Đức “Hiếu hoà” cần được xem như một giá trị mà tất thảy con người nên tuân thủ nó như một nhu cầu tinh thần, một niềm tin không lung lạc giống như niềm tin tôn giáo. Học hỏi và thực hành hiếu hòa với một tinh thần dấn thân, dâng hiến như của tôn giáo. Sám hối và kiểm thảo hiếu hòa một cách trung thực và nghiêm khắc như phương pháp mà tôn giáo vẫn làm, thì tôi tin rằng, sự hiện diện của cái thiện, cái tốt trong cuộc đời sẽ ngày một lan tỏa sâu, rộng hơn, cái ác và sự dữ chắc chắn sẽ được đẩy lùi. Nhân loại không thể tha thứ cho cái ác, nhưng thế giới cần nhân lên điều thiện và lòng bao dung để nhóm người yếu thế không bị đẩy đến mức cực đoan hóa, buộc họ phải ngả về phía bóng tối của hận thù và toan tính hành động độc ác .
Một xã hội không có một nền tảng đạo đức, luân lý hiếu hòa làm trụ cột thì khó xây dựng thành công một nền kinh tế nhân bản, một nền chính trị nhân bản và một xã hội nhân bản./.
Tài liệu tham khảo
1. Kinh thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb. Tp. HCM, 1998.
2. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tóm lược học thuyết xã hội của giáo hội Công giáo, Nxb. Tôn giáo, H.2007.
3. S.J.Valies, R.Paul, S.J.Conliff, Những tảng đá kê bước trên đường tới sự thánh thiện, Nxb. Tôn giáo, H. 2010.
4. Trường Đại học quốc gia Hà Nội, Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb. Tôn giáo, H.2010.
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn hóa tôn giáo với phát triển bền vững ở Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, H.2015.
Kinh thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp HCM, 1998, tr.1282.
Kinh thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp HCM, 1998, tr.144
Kinh thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp HCM, 1998, tr.2275
Kinh thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp HCM, 1998, tr.1878.
Kinh thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp HCM, 1998, tr.1895.
Kinh thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp HCM, 1998, tr.1852.
Kinh thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp HCM, 1998, tr.1852.
Kinh thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp HCM, 1998, tr.1962
Kinh thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp HCM, 1998, tr.2119.
Theo tintuc online, thứ tư, ngày 07 tháng 05 năm 2014.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền