Dẫn nhập: Phật giáo trước hết là một tôn giáo, vì thế những tư tưởng của giáo lý Phật giáo không đề cập nhiều tới những vấn đề triết học thuần túy mà mục đích chính của tư tưởng Phật giáo là sự giải thoát chúng sinh khỏi nỗi khổ của cuộc đời. Đó là mục đích tối cao, là vấn đề trung tâm của các giáo lý Phật giáo. Tuy nhiên, trong quá trình thuyết pháp và truyền bá tư tưởng, rất nhiều quan điểm, triết lý Phật giáo lại thể hiện những khía cạnh triết học sâu sắc mà một trong số chúng là những vấn đề liên quan đến tư tưởng về bản thể luận.
Theo quan điểm của Phật giáo, bản thể là: “căn bản tự thể các pháp” mà “Pháp là từ chỉ chung hết thảy mọi sự vật, hiện tượng, dù là to nhỏ, hữu hình, vô hình, chân thực, hư vọng. Sự vật cũng là vật, đạo lý cũng là vật, tất thảy đều là pháp cả”. Theo Kinh Hoa Nghiêm thế giới bản thể gọi là lý pháp giới, thế giới hiện tượng gọi là sự pháp giới. Nó như nước với sóng. Như vậy, bản thể vừa là tâm thức, vừa là vật chất. Nó là cái duy nhất, đầu tiên, là cội nguồn hay thực tại cuối cùng mà trên đó vũ trụ được hình thành. Từ bản thể hay chân không, do vô minh, vọng động mà xuất hiện chúng sinh. Các chúng sinh sau khi giải thóat lại trở về với bản thể tuyệt đối này.
Thuyết “Ngũ uẩn” quan niệm vạn vật trong vũ trụ được hình thành từ 5 yếu tố: sắc uẩn (hiện tượng vật chất); thụ uẩn (cảm giác); tưởng uẩn (tác dụng của tri giác hoặc biểu tượng); hành uẩn (ý chí, tư duy); thức uẩn (tác dụng của ý thức hoặc nhận thức). Sắc uẩn lại bao gồm tứ đại là: địa, thủy, hỏa, phong và do các cơ quan cảm giác tứ đại tạo tiếp xúc: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn với sáu trần này tương hỗ với nhau tạo ra sự sinh động và phong phú của thế giới.
Do vậy, khi bàn về vấn đề bản thể luận trong Triết học Phật giáo thì thường có các cặp phạm trù cơ bản sau:
Thứ nhất: Quan niệm về “Tâm”, “Chân như – Thực tướng”, “Pháp”, “nhân duyên”, “sắc – không”
Một trong những khái niệm trọng tâm trong quan niệm về bản thể luận của Phật giáo là khái niệm Tâm. Đây là lý thuyết của Phật về bản chất tồn tại của thế giới. Tâm có nhiều “Tâm”: Chân tâm, vọng tâm, sân tâm, hỷ tâm…Theo Đại thừa Phật giáo: Tâm của “nhất thiết duy tâm tạo” trong kinh Hoa Nghiêm hoặc Tâm của Viên Giác diệu tâm của kinh Viên Giác thì “tâm” là bản thể, tất cả mọi sự vật, hiện tượng cho đến sơn hà đại địa từ Tâm đó mà sinh ra. Cái Tâm ban đầu vốn tròn đầy, yên tĩnh, chưa xao động. Bản thể của Tâm được ví như mặt nước lặng trong, do gió thổi (vọng tâm sinh khởi) mà tạo ra sóng to, sóng nhỏ, bọt, bong bóng…Gió ngừng thổi thì sóng hết, bọt tan chúng lại trở về với mặt nước yên lặng. Đó chính là bản thể của nó. Vậy Tâm là cái bất biến, có sẵn, không thay đổi. Những biểu hiện biến đổi của tâm là do có tác động từ bên ngoài, có sự tiếp xúc của “lục căn” (cơ quan cảm giác chủ quan) với “lục trần” (thế giới khách quan) làm xuất hiện tâm với tính cách là ý thức chủ quan làm tâm xao động, chạy theo cái ảo, giả mà sinh ra “tham”, “sân”, “si”…là quá trình tạo nghiệp, tạo nhân, để làm che mờ bản chất, làm con người đi và vòng luân hồi không dứt. Nhưng khi vượt qua được điều đó, khi con người được giải thoát, có được trí tuệ bát nhã để phá tan vô minh, khi cái tâm ý thức không còn bị tác động và chi phối bởi các yếu tố khách quan thì vạn vật trở về chính nó – cái Tâm ban đầu, thanh tịnh, yên tĩnh, trong trẻo, là khởi nguồn của tồn tại. Như vậy, thế giới hiện tượng (vạn tượng) đều từ bản thể (chân tâm, chân như) mà ra. Cái chân như đó là pháp chân thật, không hình không tướng, lúc nào cũng vậy, bất biến. Tức là, thế giới vật chất cụ thể do nhân duyên tạo thành chỉ là hư ảo, cái bản thể không hình tướng mới là chân thực duy nhất. Như vậy, cái bản thể, cái chân như đó ở trong thế giới trần tục, lẫn với bụi đời (cửu hồn phàm trần) chứ không phải ở sự tồn tại bí ẩn nào. Người giác ngộ sẽ thấy ra điều đó còn người trần tục tại tưởng Bồ đề ở rất xa xôi. Khi giác ngộ thì bản thể thần diệu đó vốn là hư không, nhưng vẫn biểu hiện ra muôn hình vạn trạng để nhận dạng ra nó.
Thiền tông, một trong những trường phái thiền riêng có ở Trung quốc đã thể hiện nhiều tư tưởng triết học sâu sắc, đặc biệt là quan niệm về bản thể. Theo quan niệm “Không luận”, Thiền tông cho rằng thế giới vật chất và ý thức vốn dĩ là rỗng không, nhưng sở dĩ là “có” là do “vô minh”. Đến một lúc nào đó, cái trí tuệ siêu việt (bát nhã) chợt đến, phá tan “vô minh” thì thế giới hiện hữu tan biến, thế là giải thoát thành Phật. Thiền tông quan niệm rằng con người sở dĩ cứ phải luân hồi trong “bể khổ” là do cái “tâm vô minh” gây nên. Một trong những quan niệm điển hình của Phật giáo khi đề cập đến vấn đề bản thể luận là khái niệm “Không”: “Không của nhà Phật có hai cấp độ hay hai khía cạnh chính. Một khía cạnh chỉ bản thể, bản nguyên, khởi nguyên của vũ trụ. Khía cạnh thứ hai để chỉ sự rỗi rãi trong thế giới hiện tượng, “không” đi với “sắc”. Theo cách hiểu thứ hai về từ “không” thì nó không phải là không tồn tại, trống không, không có gì, không phải là phủ định sự tồn tại, hiện hữu. “Không” ở đây gắn với cái tương đối, “không” là có nhưng không thật, không nằm trong thế giới hiện tượng. Là “không” nhưng không thật là không nên thực là có. Có nhưng không thật có nên lại là không. Đây là cái “không” đã vượt lên mọi đối đãi, mâu thuẫn, nó không gắn với bất cứ cái gì, bất cứ ai, ở đâu, lúc nào. Nó tồn tại như nhiên, như thế là như thế, không sinh không diệt, không đến không đi. Trong quan hệ với “sắc”, nếu “không” là cái bắt đầu của mọi tính, đó là bản tính vũ trụ, là chân như “pháp tính” hoặc “phật tính”, nói tắt là “như” hay “chân như”, nó là cái độc lập tự tại, không do ai sinh ra thì “sắc” được hiểu như là hiện tượng bộc lộ ra và tồn tại không thể tách rời “không” (bản thể). “Sắc” còn được hiểu là vật chất đối lập với “không” là tâm, là tinh thần. Theo tư tưởng Bát Nhã thì sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không; không chẳng khác gì sắc. Trong sắc có không, trong không có sắc. Kinh Phật thường co cụm từ sắc sắc không không để nói về sự vô thường của đời sống.
Từ quan niệm “không” đó, Phật giáo đưa ra khái niệm “Pháp”. Nói đến pháp là để nói đến lý thuyết chỉ ra các dạng tồn tại của thế giới – các sự vật, hiện tượng của thế giới vật chất. “Pháp” được hiểu là mỗi sự vật, mỗi hiện tượng hiện hữu từ nhỏ như hạt bụi đến lớn như hành tinh của chúng ta đang ở cũng là một pháp, cho đến những cái không có trong thực tế nhưng người ta có khái niệm như lông rùa, sừng thỏ cũng được gọi là một pháp. Như thế, thế giới tồn tại “hằng hà sa số” các pháp. Thế giới vật chất, các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ tức “vạn pháp” được sinh ra từ bản thể chân như, hay “không” đó. Nó cũng chính là “thực tướng” của thế giới “vạn pháp”. Các pháp có sinh, có diệt, còn, mất nhưng bản thể, tức thực tướng là bất biến, không sinh, không diệt, nó được ví như nước, còn vạn pháp là sóng. Như vậy, “Thực tướng” là tướng chân thật của các pháp. Nó vô tướng, nó cùng với giả tướng tạo thành cặp phạm trù đối đãi. “Pháp” có nhiều loại, Pháp hữu vi: đó là những sự vật, hiện tượng mà con người có thể cảm giác và nhận thức được; Pháp vô vi: đó là những cái mà không thể cảm giác và nhận thức được, Pháp hữu tình, Pháp vô tình, Pháp thiện, Pháp ác…
Phật giáo còn đưa ra quan niệm “Nhân duyên” như là một yếu tố cấu thành nên tồn tại. Theo quan niệm của Phật giáo, tất cả các sự vật, hiện tượng tồn tại trong vũ trụ từ cái vô cùng nhỏ đến cái vô cùng lớn đều không thoát khỏi sự chi phối của luật nhân duyên. Nhân duyên là những điều kiện cần thiết để phát triển. “Nhân” là hạt giống nhờ có cái duyên là những điều kiện cần và đủ để cho hạt giống phát triển, ví dụ như: đất, nước, ánh sáng,..mới sinh ra được thành quả. Qủa lại do cái duyên mà thành ra nhân khác, nhân khác lại nhờ có duyên mà thành ra quả mới…cứ thế nối tiếp nhau vô cùng, vô tận mà thế giới, vạn vật, muôn loài cứ sinh sinh, hóa hóa mãi. Đạo Phật có mười hai nhân duyên là mười hai điểm mấu chốt để tạo thành con người: vô minh duyên hành, hành duyên thức, duyên thức danh sắc… Vậy nhân duyên là dung để chỉ quy luật chi phối sự vận động, biến đổi của vạn pháp: nhân là mầm tạo quả (nhân quả), duyên là điều kiện tác động, theo đó, các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, thế giới đều do nhân duyên mà thành. Nhân duyên hội đủ, sự vật sinh (sắc –rupa), nhân duyên không còn, sự vật diệt (không – sunnata).
Thứ hai, tư tưởng “Vô ngã”, “Vô thường”
Tư tưởng về bản thể luận của triết học Phật giáo được thể hiện rõ nhất qua các tư tưởng: “vô ngã” và “vô thường”.
Phật dạy vạn vật chuyển biến không ngừng trong từng satna (từng giây, từng phút. Thậm chí chỉ bằng cái nháy mắt). Từ con người cho đến vũ trụ vạn vật đều vận hành theo quy luật: thành, trụ, hoại, không (hoặc sinh, trụ, dị, diệt) được ví như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông hay sinh, già, bệnh, chết. Trong bốn thời kỳ đó, thời kỳ Trụ lại là hết sức ngắn ngủi, chỉ bằng một satna. Tức là mọi hiện tượng đang tồn tại thực tế trước mắt không phải là cố định mà ở trên một dòng biến đổi thường xuyên, vĩnh viễn vô thủy, vô chung: “nên biết tất cả các hành là vô thường, biến dịch, hư hoại, không đáng nương tựa. Phàm là các pháp hữu vi thì thật đáng nhàm chán. Phải cầu đạo giải thoát hầu thoát khỏi thế gian này”. Đó là sự vô thường của tất cả những gì hiện hữu. Quan niệm vô thường còn được các nhà tu hành dung để soi vào sự thay đổi thân xác con người. Ví dụ như Trần Thái Tông, ông quan niệm thân xác con người là một cái gì đó rất tạm thời và nằm trong vòng sinh diệt luân hồi. Từ đó mà tinh tiến tu hành không để thời gian đi qua mất một cách lãng phí, Bậc cổ đức có nói: “Qúy tấc bóng hơn thước ngọc”. Kinh Phật cũng thường có cụm từ “sắc sắc không không” để nói lên sự vô thường của đời sống. Vì thế gian vô thường nên mọi vật đều vô tự tính (không có tự tính hay không có bản thể riêng). Đó chính là sự vô ngã ở con người. Phủ nhận Atman và thuyết linh hồn vĩnh cửu của Upanishad, Phật giáo cho rằng không có một cái ngã thường hằng, bất biến ở con người và vạn vật trong vũ trụ. Cuộc sống như một dòng thác đổ, chảy mau và xôi xa, không phút nào ngừng chảy. Trong dòng chảy của đời sống, con người chỉ là tập hợp của ngũ uẩn thập nhị sứ, thập bát giới tạo thành cái ngã giả tạm với hai phần: thân và tâm. Thân là sự kết hợp của tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong). Tâm là sự phối hợp của sáu căn tiếp xúc với sáu trần và sáu thức phân biệt được chia thành bốn loại: thọ, tưởng, hành, thức. Các yếu tố đó kết hợp, luân chuyển cho nhau mà tạo thành. Khi nhân duyên đầy đủ thì hợp thành, khi nhân duyên hết thì tan rã. “Tòng nhân duyên nhi sinh, tòng nhân duyên nhi diệt”. Vì nó không có thực thể, nên không có cái gì là cái tôi, là cái ta cả. Do nhân duyên tạo thành nên vô ngã. Nói cách khác sự tồn tại của thân xác không phải là cái bản thể đích thực của ta, nó vừa là nhất thời xét về mặt thời gian, đồng thời là sự kết hợp giả tạm của nhiều yếu tố mà tạo thành, nên thân người ta vô ngã. Trong kinh Tăng nhất A hàm, cuộc đối thoại giữa vua Menandre và Nagasena đã thể hiện rõ triết lý vô ngã của Phật giáo. Nhà vua chỉ vào từng bộ phận trên cơ thể của Nagasena mà hỏi rằng, những cái đó có phải là Nagasena không. Nagasena đều lắc đầu và hỏi lại vua rằng, từng bộ phận của cái xe có được gọi là cái xe không, vua cũng khẳng định là không. Từ ví dụ đó, Phật Thích ca giảng giải: sự hợp lại của một cái đầu, một cái mặt, hai mắt, hai tai, tiếng nói, hơi thở….được gọi là một người, một hữu thể. Tuy nhiên, cái được gọi là hữu thể đó cũng chỉ là giả tạm, giống như cái lều chỉ là giả hợp của tranh, tre, nứa, lá; cái xe chỉ là giả hợp của bánh, càng, gọng, nan hoa…Tách từng bộ phận đó ra thì không còn lều hay xe nữa.
Chính từ quan điểm bản thể luận mà những tư tưởng căn bản của Phật giáo mới hướng tới việc lý giải nỗi khổ của đời người và tìm cách giải thoát con người khỏi nỗi khổ trong thuyết “Tứ diệu đế”. Vì thế gian là vô thường, con người là vô ngã, nhưng do mê lầm, khao khát một sự thường hằng nên con người cố giữ những mong manh, ảo giác, cố tìm mọi cách thỏa mãn những dục vọng tầm thường. Đau khổ nảy sinh từ mâu thuẫn của lòng khát khao về cái vô hạn, trường cửu, trong khi đời người là hữu hạn, phù du. Về điểm này, Wapola Rahula viết: “Chỉ duy nhất có Phật giáo trong lịch sử tư tưởng loài người là đứng lên phủ nhận sự tồn tại của một cái ngã. Theo lời Phật giảng, ý tưởng về cái ngã là một tín ngưỡng sai lầm và tưởng tượng, không hề phù hợp chút nào với hiện thực và đó là nguyên nhân gây ra những ý nghĩa nguy hiểm về “cái tôi” và “của tôi”, những ham muốn vị kỷ và vô độ, ràng buộc, căm ghét, ác tâm, những ý niệm kiêu căng và xú ố, dơ bẩn và những vấn đề khác. Nó là nguồn gốc rối loạn của thế giới…”
Các quan niệm của triết học Phật giáo Việt nam, trên cơ sở kế thừa những tư tưởng bản thể của triết học Phật giáo nguyên thủy, đồng thời cũng đưa ra nhiều quan điểm thể hiện những đặc thù trong tư tưởng của Phật giáo Việt Nam.
Một trong những dòng tư tưởng xuất hiện ở Việt Nam và đưa ra những quan điểm về bản thể luận tương đối sâu sắc theo quan điểm của Phật giáo là phái thiền Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông thời Bắc thuộc. Phái thiền Tì Ni Đa Lưu Chi là trường phái theo quan điểm giữ vững sự định tâm để cho trí tuệ bát nhã vốn có trong mỗi người xuất hiện, đưa con người từ sự mê lầm do vô minh đến bờ bến giác, giúp con người nhìn ra thực tướng của vạn pháp. Là dòng thiền chứa đựng yếu tố của mật giáo nhưng đời sống tu hành lại mang đậm màu sắc Ấn Độ nên ở giai đoạn đầu phái thiền này cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ. Tì Ni Đa Lưu Chi quan niệm bản thể là tâm phật được trao truyền (ấn) cho các đệ tử (tâm ấn). Tuy nhiên, cần hiểu “ấn” ở đây không phải là ấn cái tâm phật (tâm giác ngộ) từ người thầy sang trò. Mỗi người đều có mầm giác ngộ (Phật tính) vấn đề là kiến thức (tức phát hiện, khai mở, hòa nhập với nó) sau khi đã diệt được vô minh, tam độc. Như vậy, tâm ấn thực ra không phải là tâm ấn mà mới chính là tâm ấn. Khi tâm mình đã đạt đến tâm phật tức là đắc pháp hay giác ngộ. Và người thầy khi thấy căn cơ của trò đã chín muồi bèn khai mở chứ không phải là khai ấn. Đó mới chính là bản thể. Bản thế này chân thật (không lừa dối), có ở khắp nơi (tràn đầy thái hư). Đó là “như như” (không thiếu, không thừa. không đi không lại, không tới không lui, không được không mất, bất sinh bất diệt, chẳng thường chẳng đoạn) như thế là như thế, không thể dùng ngôn ngữ, văn tự, thanh sắc mà mô tả được. Thân con người còn có sinh tử, đó là pháp diệt nhưng cái bản thể chân tâm đó thì không mất cùng thể xác mà trường tồn trong sự bất diệt của yếu tố khởi nguyên của tất cả. Nó là pháp tín. Bản thể này là pháp vô pháp, vượt trên sự đối đãi nhị nguyên, nó phi hữu, phi không (pháp vốn như vô pháp, không có cũng không không). Thực ra, với cách quan niệm như vậy, thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi đã thiên về cảm nhận trực giác về tồn tại và các biến thể của nó mà chưa đưa ra được những lý giải sâu xa cho sự tồn tại đích thực của thế giới bằng sự hiểu biết lý tính.
Dòng thiền Vô Ngôn Thông thời Bắc thuốc đã có những kiến giải sâu sắc hơn trong quan niệm về bản thể luận so với phái thiền Tì Ni Đa Lưu Chi. Bị ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng Phật giáo Trung Quốc nên tinh thần nhập thế của trường phái này được thể hiện rất tích cực. Quan niệm về bản thể của họ gắn liền với quan niệm pháp thân, Phật tính nhưng được triển khai sâu sắc hơn ở vấn đề kiến tính và đốn ngộ. Bản thể là pháp thân, vốn không có hình tướng. Pháp thân này ứng hóa thành Phật có mặt ở mọi nơi vượt lên mọi đối đãi, vô thực vô hư khi đã giác ngộ (tức hội đắc được như) thì tâm thoát khỏi phiền não, trong sạch, thanh tịnh. Khi đó chân như, pháp thân là một. Con người sẽ thấy trước sau không có vật gì cả hết thẩy đều là hư vô. Sự phát triển tư tưởng của thiền phái Vô Ngôn Thông đến đây cho thấy quan niệm về bản thể của họ còn được coi là hư không.
Nó là không mà lại là chỗ dựa cho tất cả bởi khi giác ngộ thì Phật ở khắp mọi nơi. Thế giới hiện tượng, vạn pháp (nhất thiết chư pháp) thực ra đềy do tâm sinh ra. Các pháp đó bề ngoài hình như đều có thật, là tồn tại nhưng vì dựa vào tâm mà tồn tại nên tồn tại không thật, vì thế nó chỉ là ảo ảnh, giả tạm. Nếu gạt bỏ một vài yếu tố duy tâm thì đây là một trong những tư tưởng vô cùng biện chứng được thể hiện trong tư tưởng triết học Phật giáo Việt Nam khi đưa ra sự giải thích trong vô lường biến hóa của thế giới bắt đầu từ sự tĩnh lặng đến vô biên của bản thể xuất phát. Cái thực có mà không, không mà có đó dường như mới là sự vận động đến tận cùng của cặp phạm trù khả năng và hiện thực trong triết học dưới con mắt nhìn của Phật giáo.
Trường phái triết học Trần Thái Tông ra đời trong bối cảnh bắt đầu giai đoạn hưng thịnh của thời Trần với những bước phát triển mạnh mẽ trong kinh tế và ổn định đất nước nên nhu cầu về sự thu phục tư tưởng, tinh thần nhằm xóa bỏ những ảnh hưởng của các tư tưởng trước đó và dựng nên một hệ tư tưởng mới được đặt ra cấp bách. Kế thừa và phát triển những tư tưởng của các thiền phái trước, Trần Thái Tông đưa ra khái niệm “Không” cũng như hàng loạt các khái niệm có tính chất bản thể như: “tính”, “pháp tính”, “chân tính”, “tâm”, “phật”….Cũng giống như quan điểm “không” của Phật giáo Ấn Độ, các khái niệm trên đều dùng để chỉ cái bản thể không thể cảm nhận bằng trực quan, không thể diễn đạt bằng lời, nhưng là cội nguồn, nguyên khởi của mọi thứ. Đứng trên lập trường duy tâm, ông quan niệm sự tĩnh lặng hay biến động của tâm là nguồn gốc của sự biến đổi và sinh thành thế giới. Nếu tâm vô minh, vọng động thì thế giới hiện tượng xuất hiện. Khi tâm trở lại trạng thái tĩnh lặng, hư không thì mọi tồn tại đều biến mất. Tuy nhiên, về mặt khái niệm, chữ “Tâm” của nhà Phật có ý nghĩa rất rộng mà khái niệm “ý thức” hay “tinh thần” chỉ là một bộ phận của nó.
Tuệ Trung Thượng sĩ được coi là người đầu tiên đưa ra khái niệm “bản thể”. Theo ông, bản thể là cái chất ban đầu, cội nguồn, gốc rễ căn bản nhất của sự vật. Không tịnh là thuộc tính của bản thể và cũng chính là bản thể, nó là cái sâu thẳm trong sự vật không thể nhận ra, còn cái mà ta nhận thức được chỉ là tướng và dụng của nó (giống như quan niệm của Đạo gia).
Triết học thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với các nhà tư tưởng tiêu biểu như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang…lại quan niệm “bản” hay “gốc” chính là lòng trong sạch (Bụt), là tính sáng (giáng tính), là bản tính (quan niệm của Trần Nhân Tông). Cái đó: “ban đầu vốn có ở mỗi người, nhưng trong cuộc sống, do tham, sân, si và vô minh nên mọi người hoặc làm cho nó lu mờ, hoặc đánh mất (khuây bản)… bởi vậy, vấn đề là phải trở về với cội nguồn, trở về với gốc, rửa hết trần duyên”. Với bản tính sâu trầm và chân tâm trong lặng như thế để đạt tới cội nguồn của nó con người phải diệt nghiệp, tạo tâm thì sẽ thành Phật. Theo cách hiểu như vậy, bản thể còn là chân tính (theo quan niệm của Pháp Loa). Nó là cái kiến chân thực (thực kiến) không bao giờ thay đổi bởi nó đã nhìn đến tận cùng thực tướng của hiện hữu. Để đạt tới trạng thái này con người phải tịnh giới, tức là: “làm cho tâm yên, cảnh lặng, lục căn không vì thức mà hướng ra ngoài, thức không bị cảnh níu kéo mà hướng vào trong, căn trần tự tại, dừng nhưng không phải bất động” rồi từ đó tiến tới định tâm (điều cốt yếu của phép thiền định), phải kìm được tâm vượn, ý mã thì mới đạt tới trạng thái tuệ, khi con người có trí tuệ viên mãn, chiếu rọi muôn phương, làm cho muôn vật hiện ra sáng tỏ từ cái tâm của mình…
Như vậy, quan niệm về bản thể luận trong triết học Phật giáo nói chung và các nhà tư tưởng Việt Nam nói riêng, thiên nhiều về cách lý giải bản nguyên tồn tại của thế giới trên lập trường duy tâm. Nhưng vượt ra khỏi sự hạn chế về mặt nhận thức đó, những đoán định của họ về một thế giới vận động không ngừng nghỉ, về tính muôn vẻ của thế giới dường như phải có nguồn gốc thống nhất từ một bản thể là những tư tưởng triết học sâu sắc và thâm thúy, vượt khỏi tầm kiểm soát của trực quan và thực chứng, làm nên nét biện chứng đặc sắc trong tư duy triết học của người Phương Đông./.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Hùng Hậu (2002), Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Kinh Trường A Hàm, Tập 2, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2000.
3. Phân viện nghiên cứu Phật học – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2004), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Walpola Rahula (1974), Tư tưởng Phật học, Trí Hải dịch, Ban tu thư Phật học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền