Nằm ở tâm điểm ngã ba của con đường giao lưu quốc tế theo 2 trục chính Đông - Tây và Bắc – Nam, nước Việt có một vị trí thuận lợi để tiến tới các vùng khác ở trong nước, lên phía Bắc hoặc ra Đông Nam Á. Đây là yếu tố tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân trong vùng dễ dàng giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa của khu vực và thế giới; và vì thế, trên con đường truyền giáo của mình, Phật giáo đã chọn và biến Luy Lâu (Bắc Ninh- Việt Nam) cùng với Lạc Dương và Bành Thành (Trung Quốc) trở thành 3 trung tâm Phật giáo lớn nhất thời bấy giờ ở bên ngoài Ấn Độ (khoảng những năm đầu Công nguyên).
Dù là một tôn giáo lớn, một hệ tư tưởng triết học sâu sắc và có tính hệ thống, song Phật giáo vẫn rất gần gũi, có phần bình dân, phù hợp với nền tảng đạo đức, văn hoá của người Việt; bởi thế, ngay khi vừa được gieo trên đất Việt, đạo Phật đã nhanh chóng nảy mầm, bén rễ và gắn bó với đời sống tinh thần, đời sống chính trị- xã hội của người Việt. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và có vai trò quan trọng không chỉ trong đường lối đối nội, đối ngoại của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam mà còn tạo ra cho người Việt một đời sống tâm linh sâu sắc và hướng thiện, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Phật tử và góp phần điều chỉnh các hành vi xã hội theo chuẩn mực của đạo đức truyền thống- một vấn đề hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn giao lưu và hội nhập với thế giới như hiện nay…
Tuy nhiên, một điểm hết sức lý thú là, cũng bắt nguồn từ một trong những đặc điểm của Phật giáo là tính linh hoạt, nên khi du nhập vào Việt Nam, ta thấy có hiện tượng dung hội giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, điều đó thể hiện rõ nét trong nghi lễ.
Cùng với sự xuất hiện các loại hình tín ngưỡng dân gian gắn liền với nghề trồng lúa nước, từ rất sớm cư dân nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ nảy nở những nghi lễ thờ cúng những hiện tượng tự nhiên. Phật giáo vào cư dân Việt đã bén rễ và hỗn dung ngay những nghi lễ của Phật giáo với các nghi lễ của tín ngưỡng dân gian. Người Việt có các nghi lễ thờ mây, mưa, sấm, chớp....thờ Mẹ, Thờ Mẫu, trời, đất... Các nghi lễ này cũng tác động vào trong chùa, không ngôi chùa nào không có bàn thờ Thổ Địa, Thiên Lôi, Thờ thần làng, xóm... Nghi lễ trong tín ngưỡng thờ thần mạnh mẽ đã tác động vào nghi lễ Phật giáo Việt Nam bằng cách biến một số nhà sư trở thành Thần thánh được tôn thờ ở một số chùa như: Từ Đạo Hạnh (Chùa Láng); Minh Không, Giác Hải (chùa Lý Triều Quốc Sư), Vô Ngôn Thông (Chùa Kiến Sở)...
Sự hỗn dung giữa nghi lễ đạo Phật với nghi lễ của tín ngưỡng dân gian cho thấy: “Những việc làm xem chừng thiếu khoa học, nhưng lại đầy thiện tâm. Có cái phi lý, lại có chỗ hợp lý, khiến dân gian vẫn gửi gắm niềm tin. Và cũng bởi niềm tin chính đáng đó nên không ai cản phá, mà cũng khó lòng xóa đi đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân, vốn dĩ là di sản ngàn xưa để lại”.
Tuy nhiên, về cơ bản ngoài những ngày lễ chính của đạo Phật có 4 ngày đại lễ trong một năm. Đó là Lễ Phật đản (Phật sinh), Lễ Phật xuất gia, Lễ Phật thành đạo và Lễ Phật nhập Niết bàn.
Lễ Phật đản: còn được gọi là lễ tắm Phật, lễ té nước, hoặc lễ hoa. Đây là lễ kỷ niệm ngày sinh của Thích Ca Mâu Ni. Theo truyền thuyết thần thoại “khi Phật sinh có rồng phun nước thơm tắm cho Phật”, nên trong lễ Phật Đản, Phật giáo nói chung đều có những hoạt động như của hành pháp hội, lấy nước thơm tắm rửa cho tượng Phật, rồi lau bằng một khăn lụa đỏ, sau đó xé ra chia cho mỗi người một mảnh để làm “khước”, trừ ốm đau, bệnh tật và ma quỷ, bố thí tăng chúng, bái Phật, tế tổ, té nước chúc phúc nhau,...Ngày cử hành lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày rằm tháng tư âm lịch (tức ngày 15 theo lịch Trung Quốc và Việt Nam cũ). Theo truyền thuyết ngày đức Phật đản sinh, Ngài vững vàng bước đi bảy bước, tuyên bố:
“Trên thiên giới, dưới người trần thế,
Chỉ có ta cao quí phi thường
Thân này kiếp chót Pháp Vương,
Không còn trở lại con đường tử sinh”
Ngày Lễ Phật xuất gia được tổ chức vào ngày 8 tháng 2 âm lịch. Đây là ngày lễ kỷ niệm ngày đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ cuộc sống nơi hoàng cung, từ bỏ gia đình, người thân xuất gia tu hành đi tìm chân lý giải thoát cho con người. Tương truyền Ngài xuất gia vào lúc hai mươi chín tuổi. Để kỷ niệm ngày lễ này, hầu hết các chùa Tăng, Ni, Phật tử đều tổ chức đọc kinh tụng niệm.
Ngày Lễ Phật Thành đạo là kỷ niệm Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trầm tư mặc tưởng dưới gốc Bồ Đề, cuối cùng ngày 8 tháng 12 (âm lịch) thì thành đạo. Truyền thuyết nói rằng trước khi Phật Tổ thành đạo đã tu khổ hạnh nhiều năm, mà vẫn chưa tìm ra được chân lý của đạo, cho đến một hôm ông kiên trì tu khổ, ngồi thiền định dưới gốc Bồ Đề và được một bé gái nô lệ dâng cho bát sữa, ông đã ngộ ra được chân lý cứu khổ, tìm ra con đường thoát khổ chính là con đường trung đạo. “Từ nay chúng sinh sẽ có duyên đi đến nơi dứt khổ. Thật là hạnh phúc! Đất trời nổi nhạc, muôn hoa đón mừng.... Ngài dạy chúng sinh giáo lý: Tứ Diệu Đế
Đây là khổ
Đây là nguyên nhân sinh khổ
Đây là sự dứt khổ,
Và đây là con đường đi đến nơi chấm dứt khổ đau”
Trong ngày Lễ Phật thành đạo nhiều chùa thường tổ chức lễ quy y cho các giới trong tín đồ Phật giáo.
Ngày Lễ Phật nhập diệt (Phật nhập Niết Bàn) được tổ chức vào ngày 15 tháng 2, âm lịch. Đây là ngày lễ tưởng nhớ tới ngày mất của đức Phật. Tương truyền bốn mươi năm sau, khi đức Phật được tám mươi tuổi, ngài nhập Niết bàn trước sự chứng kiến của rất nhiều thánh nhân đệ tử của Ngài, loài người lẫn chư thiên. Trong ngày lễ Phật nhập Niết bàn hầu hết các chùa đều tổ chức pháp hội Niết bàn, đọc kinh “Di giáo kinh”…
Các Lễ Phật đản, Lễ Phật xuất gia, Lễ Phật thành đạo, Lễ Phật nhập Niết bàn đều kỷ niệm những mốc lớn trong đời Phật Thích Ca để mọi người cùng nhận rõ rằng ai cũng có tính Phật trong người, ai cũng có thể thành Phật, nếu tu hành tịnh tiến, đều đặn và đúng Phật pháp.
Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian, Phật giáo còn có một số lễ hội khác như: Lễ Vu Lan: Là một lễ hội có nguồn gốc từ Trung Hoa, được du nhập vào dân gian Việt Nam, gắn với truyền thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt lại hòa quện với Phật giáo, trở thành lễ hội Phật giáo, được tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch. Là ngày báo hiếu cho ông bà, cha mẹ, đấng sinh thành. Đây cũng là lễ cúng cô hồn và phổ độ chúng sinh, thể hiện tư tưởng “bố thí”, từ bi, hỷ xả của Phật giáo và ý nghĩa tu nhân tích đức của người Việt. Người ta dâng các vật phẩm để cúng chư tăng với mục đích cầu xin cho vong hồn người thân của mình được thoát khỏi nơi địa ngục. Lễ Vu Lan mang ý nghĩa của giáo lý Phật giáo, dùng lòng từ bi làm phương tiện cứu độ chúng sinh và truyền thống khoan dung, cứu khổ cứu nạn, tình thương yêu nhân loại, đạo hiếu tốt đẹp ngàn đời của người Việt.
Lễ dâng sao giải hạn là ngày lễ của dân gian. Dân gian cho rằng, hàng năm mỗi người có một sao chiếu mệnh, tất cả có 9 ngôi sao và cứ chín năm lại luân phiên trở lại (nghĩa là sau chín năm thì ngôi sao đó lại đến với mình). Và 9 ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng, và từ đó hình thành tục dâng sao giải hạn. Các sao chiếu mệnh gồm: sao Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hán, Thổ Tú, Thái Bạch, Thủy Diệu, La Hầu và Kế Đô. Dưới ảnh hưởng của đạo Phật lễ dâng sao giải hạn được các chùa tổ chức vào đầu năm, cầu bình an, giải hạn cho các tín đồ Phật giáo.
Bên cạnh đó các lễ dân gian của người Việt như Lễ vòng đời, các ngày lễ tết trong năm, rằm, mồng một hàng tháng người Việt cũng thường hay đi lễ chùa.
Các ngày lễ Phật giáo được tổ chức trong chùa đều có những nghi thức tiến dâng, đi đứng theo nhịp điệu, nâng thành nghệ thuật múa trang trọng, nhằm chuyển tải Phật pháp, thắp sáng đuốc tuệ để sua đi những u tối trong con người trên cõi thế gian.
Trong lễ Phật người ta chỉ dâng lục cúng: hương, hoa, đăng (đèn, nến) trà (nước chè), quả, thực (xôi, oản). Các thứ này hoàn toàn chay, kể cả những lễ tam nguyên trong chùa.
Nếu như chỉ đơn thuần đến chùa lễ Phật thì mọi người thường sắm các lễ vật chay như hương, hoa, oản, quả. Tuy nhiên hiện nay, trong phần lớn các chùa ở đồng bằng Bắc Bộ đều có thờ các bậc Thánh, Mẫu nên người đi lễ chùa thường thêm cả lễ mặn. Có thể thấy điều này qua quan sát nhân dân đi lễ ở một số chùa như: Chùa Lý Triều Quốc sư, Chùa Dạm. Trong các chùa này đều có nhiều tòa, nhiều ban thờ, nhiều vị Thánh tăng, Bồ tát, có nhà Mẫu...nên người dân đi lễ chùa thường đặt lễ hương, hoa, quả...những đồ chay bên ban thờ Phật, còn bên ban thờ các vị thần, Thánh, (ví như Thần Thành Hoàng Làng, Thánh Mẫu...) thì đặt lễ là đồ mặn.
Ví như Lễ ở ban thờ Mẫu được tiến hành theo các nghi thức sau:
Ban thờ Mẫu có thể sắm lễ chay: hương hoa, oản, quả..Hay lễ mặn gồm: xôi, thịt lợn, gà..nấu chín, hay để sống mà dân gian gọi là "lễ đồ sống" như trứng sống, thịt lợn sống, gạo, muối…để đặt tại ban Ngũ hổ, Thanh xà, Bạch xà.
Lễ mặn Sơn Trang: gồm cua, ốc, bún, chanh, ớt… Lại thường được sắm theo con số 15 phần và có thể đây là số lượng các vị thần thuộc ban Sơn Trang.
Lễ ban thờ cô, thờ cậu: gồm hương hoa, oản quả…còn có cả đồ làm bằng giấy, tượng trưng cho các đồ chơi của trẻ nhỏ như cành hoa, con chim, chiếc kèn, trống…
Song điều cơ bản trong tâm thức người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ thì đến chùa Lễ Phật, Thần, Thánh, kể cả Thánh Mẫu không nhất thiết phải là lễ mặn. Nghĩa là có cỗ chay: hương, hoa, trà, quả…Do vậy, việc sắm lễ không phải câu nệ, không bắt buộc mà tùy tâm. Nhưng cốt yếu phải giữ điều thanh tịnh và thành tâm.
Đối với Phật giáo Việt Nam, giáo lý không ngặt nghèo, cố chấp vào việc lễ nghi mà chú trọng ở tâm, lòng thành kính đối với Phật, Thánh, Thần...
Việc tiến hành các nghi lễ trong chùa cũng được diễn ra theo một trình tự nhất định:
Thường thì người ta dâng lễ ở chính điện trước (đó là các chư vị Phật, Bồ tát, Ngọc Hoàng), rồi mới đến các ban Đức Ông, ban Thánh Hiền...Nhưng cũng có người nhận thức vai trò của Đức Ông rất quan trọng vì theo quan niệm của tín ngưỡng dân gian, đức Ông là người cai quản ngôi chùa nên đến đặt lễ thỉnh cầu với đức ông trước, rồi mới đặt lễ dâng hương tại chính điện và các ban thờ khác cũng được.
Nghi thức làm lễ trong các chùa thờ Phật ở các chùa đồng bằng Bắc Bộ nói chung và chùa Lý Triều Quốc sư, chùa Dạm nói riêng mà chúng tôi có dịp quan sát được tiến hành theo trình tự như sau:
Đặt lễ vật, thắp hương và làm lễ ở ban Đức Ông (Đức Chúa) trước. Vì theo giáo lý và tín ngưỡng của Phật giáo cũng như trong tín ngưỡng dân gian, đức Ông là vị cai quản tất cả các công việc của chùa chiền, nên phải thắp nhang trước. Đồng thời khi làm lễ ở ban Đức Ông cũng xin phép được vào làm lễ ở chính điện. Cũng giống như khi thờ cúng tổ tiên, người ta phải thắp nhang và làm lễ trước ở ban thờ Táo Quân (Ông Công, Ông Táo), vì rằng dân gian Việt Nam quan niệm: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, và cũng xin phép Táo Quân cho phép các linh hồn của tổ tiên được về phối hưởng.
Tiếp theo là đặt lễ vật lên hương án ở chính điện. Thắp đèn, nhang rồi thỉnh 3 hồi chuông, vái 3 vái hoặc 5 lạy. Trong trường hợp những ngày chùa có đông người tới lễ thì không phải thỉnh chuông, hoặc chỉ thắp 1 nén nhang rồi khấn chư Phật và Bồ tát.
Khi làm lễ xong ở chính điện thì đi thắp hương dâng lễ ở tất cả các ban thờ khác của Bái đường (khi thắp nhang đều có ba lễ hay năm lễ).
Tiếp đến là xuống điện Mẫu lễ, dâng hương và cầu nguyện. Thường thì người dân đến điện Mẫu thường cầu tài, lộc, con cái, sức khỏe. Lễ vật dâng lên Mẫu có thể là hương, hoa quả, gạo, muối, trứng, xôi, thịt...tùy theo tính chất cầu xin và thành tâm của người đi lễ.
Cuối cùng là lễ ở nhà Tổ. Lễ ở nhà tổ thì các lễ phẩm cũng tùy tâm người đến lễ.
Ngoài ra, trong một số chùa ở đồng bằng Bắc Bộ còn có nhà vong. Sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nhiều gia đình khi có người qua đời, sau 100 ngày cũng thường làm lễ cầu siêu đưa vong linh của người quá cố vào chùa với tâm nguyện “ăn mày Phật”, cầu mong được sự ban ơn, cứu độ của các vị Phật, sự siêu thoát sau khi chết. Vì vậy, trong trường hợp chùa có nhà vong thì những người đi lễ chùa nếu có thân nhân quá cố gửi gắm trong chùa sẽ xuống thắp hương và lễ cầu mong người quá cố “phù hộ độ trì” cho người sống. Một số chùa ở đồng bằng Bắc Bộ còn thờ vua, thánh, thần, các vị Quốc sư, các bậc danh y...nên người đi lễ chùa cũng thường đặt lễ trong tất cả các ban này.
Lễ xong các ban thờ, khi nhang cháy gần hết (khoảng 2/3 nén) thì hạ lễ. Hạ lễ xong có thể đem một phần lộc, hoặc ít tiền dầu nhang lên trai phòng cảm tạ nhà chùa.
Sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ được thể hiện qua nghi lễ trong chùa rất linh thiêng và trang trọng. Đó là một không gian văn hóa, tâm linh tín ngưỡng đã ăn sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt. Các tín đồ, Phật tử cũng như khách hành hương khi đi lễ chùa cầu mong được Phật Thánh tế độ cho việc tăng tài, tăng lộc. Cầu xin khỏi bệnh, bán khoán trẻ nhỏ để mong con cháu mau lớn, khỏe mạnh.
Đồng thời trong các bài khấn của người Việt khi lễ ở chùa cũng như trong gia đình cũng mang màu sắc của sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian. Nội dung các bài cúng dù là của Phật giáo hay của tín ngưỡng dân gian thường với văn phong có sự pha trộn giữa ngôn từ dân gian và ngôn từ của Phật giáo, lối văn phong dân dã, gần gũi, nôm na, dễ hiểu truyền tải tâm tư, ước nguyện, cầu mong của con người. Đặc biệt, trong các bài văn khấn cúng lễ: Văn khấn Phật, Văn Khấn Mẫu, Văn khấn rằm, mồng một, Vu Lan, cúng cô hồn.... thường câu mở đầu và câu kết thúc bài cúng đều là “Nam mô A Di Đà Phật”. Ví như bài văn khấn chúng sinh rằm tháng bảy trong dân gian:
“Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Xin lạy đức Phật Di Đà,
Xin lạy đức Phật Thích Ca giáng trần
Xin lạy Bồ tát Quan Âm
Xin lạy Táo phủ thần quân chính thần.
Tiết trời tháng Bảy thu phân
Ngày rằm xá tội vong nhân hải hà
Âm cung mở cửa ngục ra
Vong nhân không cửa không nhà bơ vơ
Đại thánh khảo giáo A Nan đà tôn giả
Tiếp chúng sinh không mả, không mồ
Gốc cây, xó chợ đầu đường
Không nơi nương tựa đêm này lang thang
Quanh năm đói rét cơ hàn
Không manh áo mỏng che làn heo may
Cô hồn Nam, Bắc, Đông, Tây
Trẻ già, trai gái về đây hợp đoàn
Dù rằng chết uổng chết oan
Chết vì nghiện hút, chết ham làm giàu
Chết đâm, chết chém, chết đánh nhau vì tình
Chết bom đạn, chết đao binh
Chết vì chó dại, chết vì sản sinh giống nòi
Chết vì sét đánh giữa trời
Nay nghe tín chủ thỉnh mời
Về đây nhận hưởng mọi lời trước sau.
Cơm, canh, cháo, nẻ, trầu cau
Tiền vàng, quần áo đủ màu đỏ, xanh
Gạo, muối, quả, thực, hoa, đăng
Mang theo một chút để giành ngày mai
Phù hộ tín chủ lộc tài.
An khang thịnh vượng hài hòa ca trung
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lại về tín chủ thành tâm thỉnh mời
Bây giờ nhận hưởng xong rồi
Dắt nhau già trẻ về nơi âm phần
Tín chủ tiêu hóa kim ngân
Cùng với áo quần đã được phân chia
Kính cáo tôn thần
Chứng minh công đức
Cho tín chủ tôi tên là…. cùng tôn gia
Ngụ tại thôn….xã…huyện…tỉnh….(hoặc số nhà…phường….quận… thành phố..) nước……
Nam mô A di đà Phật! (3 lần).
Như vậy, trong bài văn khấn nôm trên cho thấy trong tâm thức người Việt vị trí của Phật, Thánh, Thần đều được coi trọng và là những đấn thiêng liêng. Sự thỉnh cầu không chỉ là cầu Phật: đức Phật Di Đà, Đức Phật Thích Ca đản sinh, đức Quan Âm Bồ tát mà còn cả các thần dân gian như: Tảo phủ, Thần quân, và các chính thần… Các lễ vật tiến cúng cũng mang ảnh hưởng của nghi lễ dân gian và màu sắc của Đạo giáo như: “Cơm, canh, cháo, nẻ, trầu cau; Tiền vàng, quần áo đủ màu đỏ, xanh, Gạo, muối, quả, thực, hoa, đăng”…
Ngoài ra, việc bán khoán là một tập tục tín ngưỡng dân gian thường làm ở đền thờ, nhưng ở chùa cũng có lệ bán khoán, tức là làm lễ cầu Phật, cầu Đức Ông nhận trẻ nhỏ làm con cái, bảo vệ, phù hộ cho trẻ mạnh khỏe, thông minh cho đến lúc trưởng thành. Có người làm lễ bán hết một giáp (13 tuổi). Có người làm lễ bán trọn đời. Hết thời gian bán khoán thì có lễ chuộc khoán.
Như vậy, trong giáo lý của Phật giáo vốn mang tinh thần xuất thế nhưng vì phương tiện để hóa độ, xiển dương Phật pháp đã thể hiện tinh thần nhập thế một cách khá toàn diện đến với quần chúng, tín đồ theo đạo Phật. Tinh thần nhập thế đó chính là sự hòa hợp, hỗn dung với tín ngưỡng dân gian của người Việt bằng sự ứng xử tinh tế trên các mặt khác nhau của văn hóa xã hội cũng như của nghi lễ trong chùa. Đúng như Tạ Chí Đại Tường có nhận xét: "Phật giáo mang tính cách của một tôn giáo toàn cầu nên dù phải "dấn thân" chuyển biến theo địa phương trong một chừng mực nào đó - tức phương thức phổ biến theo tinh thần "hạ thừa" - nó vẫn giữ niềm kiêu hãnh của một tôn giáo, và trong sự hội nhập với địa phương, nó vẫn muốn đóng một vai trò trên - trước"
Trong suốt trường sử Việt Nam, đạo Phật là một tôn giáo ngoại nhập lâu đời nhất, cũng là tôn giáo có tiềm năng nhất và tồn tại lâu dài nhất. Sự nhuần nhuyễn, hỗn dung của đạo Phật với các yếu tố văn hóa bản địa, đặc biệt là tín ngưỡng dân gian khiến cho nó trở nên thân thuộc, gắn bó máu thịt với văn hóa dân tộc và khiến cho người thời nay không còn coi đây là tôn giáo ngoại nhập mà đã trở thành kết cấu văn hóa và truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Do vậy, có thể nói đến một nền Phật giáo Việt Nam, một nền Phật giáo đã và đang khẳng định được bản sắc dân tộc của mình trên mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là trong đời sống văn hóa tôn giáo.
Tài liệu tham khảo
1. L. Cadiere (1997), Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt, Bd., Nxb. VHTT, Hà Nội.
2. Nguyễn Duy Hinh (1990), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội.
3. Nguyễn Minh San (1994), Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb. VHDT, Hà Nội.
4. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hoá, Huế.
5. Ngô Đức Thịnh (chủ biên, 2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam. Nxb. KHXH, Hà Nội.
Trương Thìn, Nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt, Nxb. Hồng Đức, tr.109, 2008.
Khai Đăng, Tìm hiểu các ngày lễ ở Việt Nam, Nxb. VHTT, HN, 2009, tr152.
Khai Đăng, Tìm hiểu các ngày lễ ở Việt Nam, Nxb. VHTT, HN, 2009, tr154.
Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần và Người, Nxb.VHTT,Tr.77-78.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền