GÓC NHÌN CỦA TÔN GIÁO HỌC VỀ SỰ THIẾT LẬP ĐẠO ĐỨC TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI TẠI CÁC NƯỚC ASEAN

Thứ bảy - 25/12/2021 10:39

GÓC NHÌN CỦA TÔN GIÁO HỌC VỀ SỰ THIẾT LẬP ĐẠO ĐỨC TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI TẠI CÁC NƯỚC ASEAN

PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh - Chủ nhiệm Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN. Bài in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, 2017, tr. 189 - 201.
 
Tóm tắt
      
Xây dựng Cộng đồng ASEAN là bước tiến quan trọng trong tiến trình lịch sử ASEAN. Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc Đông Nam Á sẽ cùng nhau chung sống hòa bình, ổn định, phát triển. Tuy nhiên, để xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN thì sự chung sức, nỗ lực của tất cả các thành viên và sức mạnh của mọi nguồn lực xã hội là rất cần thiết. Tôn giáo là một trong những nguồn lực không thể thiếu vì nó là một thành tố văn hóa quan trọng đan kết thành bức tranh đa sắc màu văn hóa của các cư dân Đông Nam Á. Từ sự nhận thức đó, chúng ta cần phải đầu tư, suy nghĩ, bàn luận, đánh giá một cách toàn diện bản chất giá trị văn hóa tôn giáo đặc biệt là đạo đức tôn giáo vì nó góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển ổn định tình hình khu vực, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà nền đạo đức xã hội hiện đại đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến con người và an ninh xã hội trong toàn khu vực và Quốc tế.


   Phần nội dung
       Quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN được các nhà lãnh đạo thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 (Bali, In- đô-nê- xi-a, tháng 10/2003) với ba trụ cột: Cộng đồng An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Trong đó, sứ mệnh của trụ cột thứ ba - Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là nhằm gắn bó chặt chẽ các nước Đông Nam Á trong một cộng đồng gắn kết, phát triển đồng đều, hòa hợp, với các "xã hội quan tâm và chia sẻ". Mục tiêu cơ bản của trụ cột thứ ba này là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung; xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao[1].
       Là một người nghiên cứu tôn giáo, tôi đặc biệt chú ý đến đời sống tôn giáo của cộng đồng cư dân trong khu vực ASEAN và tôi luôn trăn trở: làm thế nào để phát huy được chức năng liên kết XH của tôn giáo vì thiết nghĩ đạo đức tôn giáo chính là nền tảng của sự cố kết nhân tâm trong mỗi con người, mỗi dân tộc với cộng đồng XH.
        Do vậy, bài viết này sẽ đề cập đến 2 vấn đề chính: Một là, Vấn đề đạo đức trong xã hội hiện đại tại các nước ASEAN và hai là, Đạo đức trong tôn giáo.

   1. Vấn đề đạo đức trong xã hội hiện đại tại các nước ASEAN
        Phải nói rằng, Đông Nam Á là một khu vực có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ lịch sử nhân loại, là một khu vực chiến lược về kinh tế chính trị và đường biển giao thương giữa Đông - Tây. Đông Nam Á là khu vực giàu có về tài nguyên thiên nhiên, thuận lợi cho phát triển kinh tế. Xét về nguồn cội, cư dân Đông Nam Á có nhiều điểm văn hóa đặc trưng thống nhất đó là, nông nghiệp lúa nước, văn hóa xóm làng. Những năm trước đây, kinh tế khu vực còn nghèo nàn, phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nhưng gần đây các nước Đông Nam Á đã vươn lên thành một khu vực phát triển mạnh mẽ và năng động, là một trong những khu vực đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, đóng góp lớn vào "sự thần kỳ châu Á".
Sự phát triển đó đã mang lại cho con người một cuộc sống khởi sắc. Đời sống vật chất dư thừa, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của cách sống “hoàn thiện vật chất” như hiện nay, con người vô hình dung đã trở thành vật nô lệ cho cái tư tưởng sở hữu (to have) mà không phải là cái hiện hữu (to be) của chính mình. Nói khác đi, hệ văn hóa đạo đức hiện hành đang nghiêng nặng về chủ nghĩa vật chất và thực dụng, xem nhẹ yếu tố tinh thần. 
     Biểu hiện của xu hướng trên ở mức độ toàn cầu là những báo động về sự vô cảm của con người trước những nỗi đau quằn quại của đồng loại đang xảy ra liên tiếp khắp nơi trên thế giới (nạn khủng bố giết người hàng loạt, nạn IS, nạn tra tấn hành hình dã man của CIA..) có thể là hệ lụy từ khuynh hướng máy móc hóa, hay hiện đại hóa này. Vô số các hiểm họa như chiến tranh bằng vũ lực với vũ khí tối tân giết người hàng loạt và thiên tai, sóng thần, động đất, hạn hán, lũ lụt, băng tan,… cùng đồng hành ngày càng nhiều những tai nạn giao thông trên không, dưới nước, mặt đất cứ liên hoàn xảy ra, phải chăng đó là hậu quả khôn lường của lối sống hưởng thụ, quá đề cao giá trị thực dụng của con người. Đối với khu vực Đông Nam Á "Thời gian gần đây, có xu hướng các tổ chức khủng bố trong khu vực liên kết với nhau và mở rộng các địa bàn hoạt động, ví dụ như tổ chức cực đoan của Philippines mở rộng hoạt động sang Indonesia, sang Malaysia; các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Malaysia cũng mở rộng hoạt động sang miền nam Thái Lan. Điều đó đã tác động rất mạnh đến tình hình an ninh của khu vực, nổi bật là các hoạt động khủng bố ở Indonesia ngày 14/1/2016, cũng như hoạt động khủng bố ở miền nam Thái Lan và rất nhiều hoạt động khác ở các nơi trên khu vực đã ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh của mỗi quốc gia cũng như của cả khu vực"[2]. Trong khu vực còn tồn tại nhiều bất ổn, thể hiện ở sự bất đồng tư tưởng, xung đột giữa các giai cấp, "Hồi giáo miền Nam Philippines và Hồi giáo phía Nam Thái Lan, các dân tộc thiểu số ở Myanmar, các lãnh thổ của New Guinea bao gồm một phần của Indonesia… đều là các khu vực xung đột tiềm tàng, và không loại trừ khả năng sự bùng nổ trong tương lai"[3]. Đặc biệt phải kể đến đó là vấn đề Biển Đông hiện nay.
      Hoặc ngay ở Việt Nam thì sự báo động xuống cấp của các giá trị đạo đức, với sự gia tăng của hàng loạt các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, các tội phạm hình sự với mức độ ngày càng nghiên trọng. Điển hình như những vụ thảm sát ở Bình Phước, Yên Bái, Lào Cai gần đây... Nguyên nhân đôi khi chỉ vì một chút lợi ích vật chất mà con người sẵn sàng làm tất cả, không từ thủ đoạn nào, từ lừa đảo đến giết hại đồng loại của mình. Hệ giá trị truyền thống trong gia đình ngày càng đảo lộn nghiêm trọng. Con cái vì đồng tiền mà ngược đãi cha mẹ, anh em vì của cải mà quay lưng đâm chém lẫn nhau,...
      Tất cả những biểu hiện kể trên là minh chứng cho sự xuống cấp của đạo đức con người trong xã hội hiện đại. Do vậy, nó không chỉ đe dọa nghiên trọng đến an ninh mỗi quốc gia mà còn ảnh hưởng đến an ninh khu vực (khi mà mạng lưới phạm tội xuyên quốc gia ngày càng gia tăng với mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng). Vậy làm cách nào để giảm thiểu hiện trạng đó. Phải chăng cần phải có những hình thức xử phạt nghiêm minh hơn? Hay xây dựng một luật pháp chung cho các nước thành viên khu vực? Theo tôi tất cả điều đó đều đúng. Tuy nhiên, những giải pháp đó chưa giải quyết được căn nguyên của nó vì Pháp luật làm họ sợ chứ không tự tâm nên họ sẽ luôn tìm cách né tránh hay lách luật. Do đó, vấn đề ở đây là phải làm sao thức tỉnh được lương tri, tính thiện trong mỗi con người “nhân tri sơ tính bản thiện”; phải giáo dục nhân cách mỗi con người hướng tới đồng loại, xây dựng XH tương lai tươi sáng.
       Bởi vậy, khi nói đến sự cứu vãn đạo đức con người trong xã hội hiện đại thì không thể không nối kết với đạo đức tôn giáo, vì nếu như chỉ vì một lý do nào đó mà ta đặt tôn giáo ra “ngoài” XH thì cũng giống như xây nhà trên cát, vì tôn giáo tự bản thân nó đã có những giá trị đặc biệt. Đó là tình yêu con người, mà C. Mác đã gọi là chức năng an ủi tinh thần con người. Vì theo ông Mác chính “Nhà nước ấy, xã hội ấy đã sản sinh ra tôn giáo”. Nên, một khi tôn giáo còn tồn tại là vì còn có những con người chỉ “mưu sự” chứ chưa “làm thành sự được”, nên “cái sức mạnh xa lạ của cuộc sống con người hiện nay” vẫn còn đang phản ánh vào tôn giáo và đó chính là sức mạnh xa lạ tiềm ẩn trong “Nhà nước ấy, xã hội ấy”. Và do vậy, những bí mật huyền ảo trong cuộc sống luôn là hạt nhân của tôn giáo. Chừng nào còn “sức mạnh xa lạ cuối cùng”, còn có sự tồn tại của cuộc sống và cái chết của con người, cũng như những bí mật huyền bí trên dương gian chưa thể cắt nghĩa được thì chừng đó, vẫn còn đất cho sự tồn tại của tôn giáo. Nói cách khác tôn giáo là sản phẩm của xã hội, mang tính xã hội và có nguồn gốc xã hội. Điều đó cho thấy tôn giáo có chức năng “bù đắp tinh thần”[4] , bởi nó vừa đóng vai trò là người bảo trợ và an ủi, vừa là kẻ đứng giữa sự yếu đuối của con người và sức mạnh bí ẩn của thiên nhiên. Dưới hình thức “thần bí – hão huyền” đặc thù, tôn giáo có thể bù đắp cho sự bất lực của con người, những hạn chế không hiểu biết của họ và tính không hoàn chỉnh của chế độ xã hội. Đồng thời, tôn giáo cũng có thể đem lại sự bù đắp trên thực tế về mặt tinh thần cho những khoảng thiếu hụt trong sự tồn tại của con người và của xã hội (chẳng hạn như sự phân phối lại “thu nhập”, làm từ thiện, tình yêu, tâm lý trút bỏ âu lo, sự an ủi, gạt bỏ phiền muộn, sự thanh thản, mãn nguyện…). Và cũng cần phải khẳng định rằng: trong đời sống văn hóa tinh thần không có ảnh hưởng nào mạnh hơn tôn giáo và cũng không có sự quyến rũ nào bằng sự quyến rũ của tôn giáo một khi nó đã đi vào lòng người. Tôn giáo có thể có những nội dung hạn chế, nhưng xét về mặt bản chất thì tôn giáo chính là văn hóa, là một trong những nguồn gốc của văn hóa.
        Như vậy, tôn giáo có một vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại. Bởi một xã hội theo đúng nghĩa thì tính nhân bản phải cao, phẩm giá phải lớn và trái tim phải quoằn quại rung động trước nỗi đau của đồng loại. Chính lẽ đó, mà triết lý đạo đức tôn giáo, chính là sự gắn kết lương tâm con người với sự  XH công nghệ hiện đại hiện nay.

        2. Đạo đức trong tôn giáo
        Đông Nam Á là một khu vực có nhiều bản sắc văn hóa đặc sắc với đời sống tôn giáo tín ngưỡng phong phú. Khu vực này có sự hiện diện hầu hết các tôn giáo thế giới như: Phật giáo, Công giáo, Islam...
       Trước hết nói về đạo đức Phật giáo, thì trong nó đã gợi lên trong mỗi con người một tình yêu chân chính, nghĩa là, cá nhân muốn tìm giải thoát thì không thể ỷ lại vào một uy lực nào ngoài mình để cứu mình. Giáo lý PG không đi tìm sự an ủi nhất thời, cũng không phải là giáo lý giành riêng cho những tâm hồn nô lệ, ham ỷ lại cầu cạnh thần quyền, núp bóng ai đó để cầu đạo, vì theo PG thì “chỉ có những hiểu biết cho mình thì mới tìm ra lối thoát và mới thật là hiểu biết mà thôi”. Còn nếu theo ý kiến kẻ khác mà làm là chỉ núp theo bóng kẻ khác mà sống, thì không sao giải thoát được mình, Phật dạy rằng:“Nhất thiết chúng sinh câu hữu Phật tính”. Tất cả chúng sinh đều có tính của Phật. “Chúng sinh giai hữu Phật tính”, “Mê là chúng sinh, Ngộ là Phật” và “Phật và chúng sinh là một”, đã mang lại cho nhân loại một nguồn tin tưởng, một tình yêu giữa Phật và chúng sinh, đánh tan được mọi mặc cảm (mặc cảm tự ty cũng như tự tôn, mặc cảm tội lỗi…đã và đang dày vò chúng sinh).
      Với chủ thuyết này thì Thiện hay ác vẫn là vấn đề quan trọng đối với Phật giáo, nên kinh đã nói rằng: “chư ác mạc ác, chư thiện phụng hành” (kiêng cữ các điều ác, làm hết thảy các điều lành). Tuy nhiên thiện ác ở đây không thể hiểu như các cặp phạm trù đối lập nhau mà danh từ này dùng để chỉ sự tương hỗ nhau giống như bóng tối cần cho ánh sáng, ác cần cho thiện, vô minh cần cho giác ngộ, và hơn nữa: phiền não tức bồ đề… cả hai là một.
      Con người, ngày nào còn bị ràng buộc trong cái tướng giả hữu của hiện tượng giới thì vẫn cần dùng đến những danh từ, “thiện ác”, “lợi hại”, “thị phi”, “hữu đạo”, “vô đạo”… rồi đặt thành quy luật để bảo vệ cái thiện, bài trừ cái ác… mà chẳng hay rằng tất cả vạn hữu trên thế gian này đều chằng chịt với nhau như các tế bào chung một thân thể, và bất cứ một hình phạt nào đối với một phần tử đều động chạm và thương tổn toàn bộ cơ thể. Vì vậy mà Phật giáo đã đưa ra phương pháp vượt khỏi sự nô lệ ngoại cảnh, vượt khỏi sự hận thù của mối quan hệ người với người (vì tranh nhau về vấn đề thiện ác), vượt lên những quan niệm sai lầm của nhận thức nhị nguyên rằng buộc con người trong tội lỗi: tham, sân, si, dục vọng... Có lẽ với tư tưởng đó mà ngay trong hàng đệ tử của Ngài, người ta nhận thấy có đủ hạng người: sát nhân, trộm cướp, kỹ nữ... Phật không từ chối một ai và Phật giáo đã có câu chuyện về người tu hành như sau: Trong một hang núi, có một vị chân tu ở với một vị đệ tử của mình. Ngày kia, có một người bạn thăm vị chân tu, và sau câu chuyện hàn huyên, người bạn đưa cho vị chân tu một thỏi vàng, và yêu cầu vị chân tu nhận lấy để chi tiêu trong những lúc thiếu thốn. Không thể chối từ trước thân tình thiết tha của bạn, vị chân tu nhận lấy và giao cho đệ tử cất đi. Nhưng tên đệ tử, thấy thỏi vàng, bèn động lòng tham… Khuya đến, tên đệ tử lấy dao đâm thầy mình… và lật đật ôm thỏi vàng trốn đi… Sáng ngày, một tên đệ tử khác dưới chân núi lên thăm thầy, mới khám phá ra thầy bị ám sát. Vị chân tu bị thương nặng, nhưng chưa chết, bảo cho học trò mình biết tên của kẻ sát nhân, nhưng yêu cầu đừng làm ầm ĩ lên… vì sợ thiên hạ mà hay biết ắt sẽ truy nã thủ phạm và theo hình phạt đương thời, người ấy sẽ bị tử hình. Ông nói với người đệ tử: “Thầy chắc nó đi chưa xa, và nếu nó rủi bị bắt, thì nó sẽ chết. Thầy sợ nó chết trong khi đang mang tội ác thì tội nghiệp cho nó chưa kịp có thời giờ sám hối và cải tà quy chính. Vậy thà để thầy chết, cấm con không nên làm ồn, thưa gửi… nó làm gì. Đó là việc của thầy, con hãy nghe lời”.
        Qua đây cho thấy, Phật giáo chủ trương Đại Từ Bi, Năng Hỷ Xả và người tu hạnh Bồ Tát phải không còn phân biệt kẻ lành người dữ, kẻ thiện người ác, nghĩa là phải biết “thường hành bình đẳng”. Bình đẳng quan (Sama, Samata) của Phật giáo, đứng về phương diện đạo đức, chủ trương một tình yêu vô tư của bậc Đại giác trước vấn đề thiện ác, khen chê, thương ghét. Thái độ tình yêu ấy gọi là Xả, tức là “bỏ đi cái quan niệm sai lầm phân chia thiện ác, Phật nói: “Nếu có kẻ chặt cái tay ta, và một kẻ khác săn sóc băng bó cho ta… thì đối với 2 người ấy, ta xem đồng đẳng, không ai là kẻ thù, không ai là người bạn…”. Các vị Bồ Tát đều có đức tính chung là vô lượng xả, nghĩa là, nếu được ai tôn quý họ cũng không vì đó mà vui mừng, bị ai khinh cũng không vì đó mà buồn khổ, họ không quý người hiền trí, cũng không xem thường kẻ ngu mê, được không mừng, mất không buồn. Đối với bạn thân cũng như đối với kẻ thù, học không phân biệt thân sơ, thiện ác…. Bát nhã bình đẳng (Samata Jnana) là một trong bốn đại đức của Bồ tát. Cái hạnh Bát Nhã Bình đẳng đưa đến cái hạnh Đại Từ Bi, Năng Hỷ Xả của Bồ Tát. Nên cái tâm tình yêu của Phật không còn có sự phân chia Thiện ác, thị phi. Và như vậy, Nhân Ngã không phải là hai. Bởi vô minh nếu nhận lầm có nhân có ngã, nên mới có thiện, có ác, có lợi, có hại. Trái lại, nếu nhận rõ tất cả là Một, Ta là Người, thì vấn đề lợi hại, thiện ác sẽ không còn nữa, vì cái hại của kẻ này là cái lợi của người kia, cái lợi của người kia là cái hại của người này. Không có cái gì thêm cho ai, bớt cho ai, hại cho ai cả, vì tất cả là MỘT, vì tất cả là TA, Nói một cách khác, nếu vẫn còn thấy có một cái TA, thì bất cứ làm gì chỉ có lợi cho TA, cho gia đình TA, cho bạn bè TA, cho quốc gia TA, cho dân tộc TA mà có hại cho đoàn thể không phải là TA... đều là ác cả. Nếu làm lợi cho tất cả mọi người, không phân biệt kẻ thù, người bạn, kẻ thiện, người ác thì mới được gọi là thiện, vì thiện ác cũng chính là tình yêu giữa người với người. Hiểu được như thế, mới nhận thấy được cái phần “ hiểu nghĩa” về thiện ác của Phật giáo. Tư tưởng này đã được thể hiện rõ trong câu nói của một vị Bồ Tát “Ngày nào chúng sinh mà còn một giọt nước mắt, ta nhất định không chịu thành Phật vội”. Do vậy, tu Phật là tu để chấm dứt dòng nhân quả nghiệp báo. Một học giả người Ấn Độ Krishnamirti có viết: “Kẻ đạo đức đầy đức tốt, cũng như người xấu đầy tật xấu đều không ai gần chân lý cả. Gần chân lý là kẻ đã vượt thoát khỏi cả hai. Đừng tìm cách để mà tạo cho mình những đức tốt, mà phải tìm cho ra các nguyên nhân của những sự phân chia, tức là cái ngã thức… Đừng lấy cái đức tốt này mà phản ánh cái tật xấu kia (nghĩa là đừng dùng một trong các cặp mâu thuẫn thiện ác để chế trị lẫn nhau), cũng đừng tìm cách lặp lại quân bình giữa hai cái mâu thuẫn ấy, vì làm thế chỉ làm cho bên đối phương càng mạnh thêm lên. Nếu có oán hận ai, đừng tìm cách phủ lên tâm hồn mình một tấm màn nhân ái mà hãy giải thoát tinh thần mình khỏi cái ý niệm chia rẽ cá nhân. Nếu vượt khỏi cả hai (đức tốt và tật xấu) thì sẽ hiểu được cái lẽ vô biên vô tận rất dễ dàng. Cái gây ra sự chống đối nhau, chính là lòng ích kỷ, là cái ý niệm phân chia (phân chia thiện ác của cái Tâm Sai Biệt của mình). Cái đối lập cũng chứa đựng ngang cái phần mà nó đối lập, nghĩa là cái phần mà mình trốn tránh”[5].
       Và với đạo đức Công giáo cũng vậy, Madeleine trước khi thành Thánh cũng là một người “tội lỗi”, nhưng được đức Chúa Giêsu cảm hóa và bà đã theo bên Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu nói “Đức tin của nàng đã cứu nàng”. Sau khi Chúa về Trời, bà đã sống một cuộc đời thanh tịnh suốt 30 năm. Bà được phong Thánh, và gương bà đã cảm hóa không biết bao nhiêu kẻ tội lỗi hối đầu cải hóa. Hay như Thánh Augustin cũng vậy. Nên, chính tình yêu mà Đức Chúa nói: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: “hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù”. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và cho xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi? Thì người dân ngoài cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5,43 – 47)
        Với câu nói đó đạo đức Công giáo không hề nghịch với đạo đức tự nhiên mà còn là sự hoàn tất của đạo đức tự nhiên vì nó chính là con đường dẫn mọi người xích lại gần nhau, con đường “Phúc cho kẻ nghèo” và “yêu kẻ thù” của bài giảng trên núi, con đường không thể trọng của hơn trọng người, không thể thù hằn và không được báo thù giống với đường Chúa đi và suy ngẫm “Hãy yêu rồi muốn gì cứ làm”. Tất cả xoay quanh khoản luật duy nhất: yêu như Thầy yêu: chết đi cho người khác được sống. Và đây là tiếng nói của tình yêu. Tình yêu quan trọng và thiết yếu đến nỗi, suy về Thiên Chúa, Thánh Yoan đã khám phá: Thiên Chúa là yêu (1 Yo.4.8,16).  Vì bản chất Thiên Chúa là yêu, nên Thánh truyền: “Hãy cất gươm đi !”, “ai vả con má phải, hãy chìa thêm má trái… Nếu con yêu kẻ yêu mình thôi.., thì người tội lỗi cũng làm được như vậy… Nên hãy yêu kẻ thù, thi ân cho kẻ ghét con…” và “Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con”. Và hãy yêu anh em trước rồi mới yêu Chúa “kẻ không yêu anh chị em hắn sờ mó thấy, sao hắn có thể yêu Thiên Chúa mà hắn không thấy được” ( 1 Yo.4.20). Vì chính anh chị em là môi giới để  gặp gỡ Chúa, và yêu họ là cách để yêu Chúa và có sự sống nơi Chúa. Tình yêu chân thực, chính là tình yêu đến từ Thiên Chúa, từ ngay chính bản thân mỗi người. Một tình yêu thiêng liêng mở rộng tấm lòng sang người khác, luôn coi hạnh phúc của người khác quan trọng hơn hạnh phúc mình, chứ không phải thứ tình yêu chỉ tìm sự lạc khoái cho riêng mình, bỏ qua hạnh phúc của người khác. Do đó, sự hy sinh bản thân luôn là bằng chứng của một tình yêu đích thực. Mà tình yêu như vậy thì không thể là sản phẩm của một tâm hồn “nhỏ nhoi” ,“ích kỷ” của riêng một ai, của riêng một dân tộc hay một quốc gia nào. Hơn thế nữa, nếu yêu đúng như Chúa Giêsu yêu, chẳng những ta phải quên mình vì người, mà tình yêu của ta còn phải có tính chủ động và sáng tạo. Bởi thông thường hễ nói tôi yêu, thì có nghĩa là tôi cảm thấy mình yêu, cũng là cảm thấy người đối diện đáng yêu. Chính cái vẻ đáng yêu ấy của họ đã lôi cuốn tôi và quyết định tình yêu của tôi. Một tình yêu bắt buộc, bị động hoàn toàn. Có gì đó như “vay trả, trả vay”. Vậy, người kia đã mua tình yêu tôi bằng giá là sự đáng yêu của họ. Do đó, tôi chẳng cho không cái gì hết. Trái lại, Thiên Chúa đã yêu con người lúc con người còn tội lỗi, nghĩa là chẳng đáng yêu gì đối với Ngài: “Thiên Chúa đã yêu ta trước” (1 Yo.4,19). “Chính Ngài đã yêu ta và sai Con làm tế phẩm đền tội chúng ta” (1 Yo.4,10). “Khi ta còn chết do tội, Ngài đã cho ta sự sống trong đức Kitô” (Eph. 2, 5). “Ngay khi ta còn tội lỗi, đức Kitô đã chết vì ta” (Rom.5,8). Như vậy, không phải vì con người đáng yêu nên Chúa yêu người mà trái lại, chính vì Chúa yêu con người (ân sủng chủ tạo) nên con người mới thành đáng mến (ân sủng thụ tạo). Tình yêu Chúa chủ động và sáng tạo hoàn toàn. Chủ động vì quyết định từ chính Chúa.
      Bởi vậy nếu yêu như Chúa là cũng phải yêu bằng thứ tình giống thế. Tình ấy là phải trao cho mọi con người, dù cho kẻ đó là ai: là người nghèo hèn, xấu xí, nghiện ngập, bê tha… thậm chí là kẻ thù nữa. Khi nói về tình yêu trong Thiên Chúa, Công giáo hay nhắc đến câu chuyện Tiên sa Hài nhi Giêsu: có một nữ tu dù nói hay làm gì cũng luôn khiến cho Tiên sa thấy không hài lòng, chói tai gai mắt. Đôi khi không chịu nổi sự ác cảm, Tiên sa đã đánh bài tổng mã, hòng tránh điều không hay có thể. Nhưng thường thì nữ thánh vẫn ép mình tỏ ra nhân ái, hễ gặp là mỉm cười. Dần dần, nụ cười ấy trở nên tự nhiên, đến một ngày, nữ tu ấy phải vui vẻ hỏi Tiên sa: chị Tiên sa Hài nhi Giêsu ơi, em có gì hấp dẫn, mà hễ thấy em mà chị tươi cười như thế.
        Câu chuyện trên đã khẳng định: để phát triển được tình yêu với ai mình không thể yêu thì hãy luôn nghĩ tốt về họ. Nghĩa là, thay vì chú ý đến khuyết điểm, hãy nghĩ về ưu điểm của họ có thể có, những hoàn cảnh đáng thương họ có thể gặp, những lý do khả dĩ biện minh cho họ làm. Và như thế, ta sẽ cảm thấy gần gũi họ hơn. Cho nên, về trường hợp nữ tu trên, chính Tiên sa đã giải thích như sau: cái nó hấp dẫn tôi, đó là Chúa Giêsu ẩn nấp ở đáy linh hồn chị… Chúa là Đấng biến thành ngọt ngào những gì đắng cay nhất. Một tình yêu đích thực phải được truyền tải bằng thứ tình cao quý nhằm lợi ích thiêng liêng của người là hướng về điểm phải tới của họ mà yêu, nghĩa là muốn cho họ tốt, cầu họ nên người, giúp họ nên thánh. Để yêu được như thế ta phải rèn rũa, uốn nắn tình yêu bằng thứ thuốc đắng và trong nước mắt. Khiến tình yêu không chỉ là thiên đường, mà còn là thánh giá nữa- một thứ tình yêu không còn là yếu đuối mà còn là sức mạnh, nó không còn là si mê mà là đạo đức. Yêu đến quên thân, yêu kẻ mình ghét và kẻ thù, tình yêu như vậy mới động viên được toàn sức lực, mới đưa bản vị của con người vào cuộc. Nhìn cuộc sống, đạo đức một cách hiện sinh, coi nó như tiến trình thực hiện bản thân của mỗi người, nên mỗi đức tính dù chưa được nhiễm hóa bởi tình yêu hay chưa đạt tới sự hoàn tất của nó trong tình yêu thì nó vẫn là một nấc thang đi lên, mở ra phía trước – một tiến trình duy nhất hoàn thiện bản thân. Cho nên, dù tình yêu chưa đến thì các đức tính ấy đã quy về tình yêu khi hướng về sự hoàn thiện bản thân.
        Do đó, với Công giáo sức mạnh của Chúa chính là ở tình yêu, chứ không phải ở sự khiếp sợ, cũng không phải ở sự thống trị hay sự thưởng phạt. Chúa rất nhân từ, Chúa luôn hỏi han đến tự do và ước vọng của con người. Ngài là vị Chúa luôn tha thứ tội lỗi.
         Nhắc đến Islam (Hồi giáo) khu vực Đông Nam Á nói riêng, thế giới nói chung, người ta chú ý đến những vấn đề bất ổn liên quan đến cộng đồng người Hồi giáo tự xưng IS. Tuy nhiên cần phải chú ý và khẳng định rằng, bản chất của Hồi giáo không hề xấu, mà những hiện tượng tiêu cực xảy ra chủ yếu là sự lợi dụng, mượn danh tôn giáo. Chính vì vậy tìm về cội nguồn tôn giáo, xác lập lại nền đạo đức tôn giáo nguyên gốc là việc làm cần thiết để củng cố lại niềm tin của cộng đồng giáo dân và cộng đồng xã hội khu vực  nói chung.
        Khi nhắc đến Islam với những bất ổn hiện nay, người ta thường nhấn mạnh đến khái niệm "Thánh chiến". Thánh chiến Islam xuất phát từ động từ trong tiếng Ả - rập nghĩa là "chiến đấu hoặc nỗ lực". Theo nghĩa của nó là phấn đấu theo con đường của Thượng đế, Thánh chiến có nghĩa là chiến đấu với những dục vọng, bản năng của con người, có thể ngăn cản con người tuân giữ những luật răn của Đức tin. Nó cũng có nghĩa là chiến đấu, theo nghĩa thế lực, gồm việc xây dựng đền thờ hay từ bỏ gia đình để phổ biến Islam hoặc tránh bị bách hại, cũng như chiến đấu vũ trang. Những học giả Islam cho rằng chỉ có chiến tranh tự vệ mới được coi là Jihad chân chính. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo Islam thường dùng khái niệm "Thánh chiến" để biện minh cho những hành động của họ, thường đem lại kết quả pha trộn.
        Thực chất, Islam bàn nhiều đến tình yêu thương trong cuộc sống. Ví như trong cuộc sống gia đình Muslim phải đặt trên căn bản tình thương và nghĩa vụ phù trợ: "Và trong các Âyât (Dấu hiệu) của Ngài có điều này: Ngài đã tạo ra từ bản thân của các người những người vợ cho các người để các người sống an lành với họ và Ngài đã đặt giữa các người tình yêu thương và lòng bao dung" [Surah 30:21]. Riêng đối với người mẹ, Muhammad đã dành cho tất cả tấm lòng thành kính. Sách chép rằng: "Mẹ của y cưu mang y từ đau yếu (gian khổ) này đến đau yếu (gian khổ) khác; và cho y bú và dứt sữa y trong vòng hai năm; bởi thế; hãy tạ ân TA - Allah - và biết ơn cha mẹ của ngươi" [Surah 31:14].
       Tóm lại, đạo đức trong Phật giáo, Công giáo phải chăng chính là giá trị đạo đức hội tụ các yếu tố để phát triển một con người toàn diện trong xã hội hiện đại? Bởi lẽ, con người hiện nay thường được định hướng giáo dục theo hướng chuyên môn hóa nhưng biết về chuyên môn là chưa đủ, vì khả năng chuyên môn, cá nhân con người chỉ có thể trở thành một thứ máy móc công dụng hữu ích mà không phải là một nhân cách được phát triển toàn diện. Điều căn bản thiết yếu là con người cần phải nắm bắt được sự hiểu biết và cảm nhận được sự sinh động về các giá trị nhân văn. Mỗi cá nhân phải học, hiểu các động cơ của chính con người cũng như vô minh và những khổ đau của con người để nắm bắt được sự liên hệ rõ ràng với các cá nhân và đồng loại và cộng động của mình. Như vậy, đạo đức đúng nghĩa là phải là một nền đạo đức toàn diện, chú trọng đến mối liên kết giữa Thân và Tâm, sự tồn tại bất ly giữa cá nhân và xã hội. Đạo đức tôn giáo có thể đáp ứng được tiêu chí trên khi nhấn mạnh đến con người toàn thể mà không chia rẽ nhân cách toàn phần: Phật giáo tuyên bố “thức có thể tồn tại với sắc làm phương tiện, sắc làm đối tượng, sắc làm nơi nương tựa...(tương tự với thọ, tưởng, hành)”. Với Công giáo thì “phải yêu chính đồng loại mình trước rồi mới yêu đến Chúa”.
       Các tôn giáo dù khác nhau, xung đột nhau như thế nào vẫn có điểm chung nhất định, đó chính là giá trị văn hóa đạo đức, như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:
   "Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái
   Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi
   Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa"[6]
         Khu vực ASEAN với đặc trưng đời sống văn hóa đa dạng, tôn giáo chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa cư dân nơi đây, việc tìm phương thức nhằm phát huy những giá trị, thúc đẩy vai trò của các tôn giáo trong xây dựng và phát triển ổn định quốc gia và khu vực là việc làm cần thiết, bởi sức mạnh và sự quyến rũ của tôn giáo có khả năng đem lại nhiều thành tựu to lớn. Trong quá khứ và hiện tại, đạo đức tôn giáo đã góp phần không nhỏ vào việc "điều chỉnh hành vi" của con người hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Và trong bối cảnh nhiều vấn đề bất ổn xảy ra có nguyên nhân xuất phát từ tôn giáo thì việc lấy tôn giáo để giải quyết các vấn đề trên phải chăng là một phương pháp hiệu quả?
       Trong bài viết này, tôi xin gợi mở một hướng đi, một "giải pháp" nhằm góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng ổn định, phồn thịnh và phát triển. Đây là những suy nghĩ, tư tưởng của tôi? Còn ý kiến của quý vị về vấn đề này ra sao?   
       Xin được lắng nghe và chia sẻ!


        Tài liệu tham khảo

   1. Kinh Hoa Nghiêm, Tập1. Dịch giả: Thích Trí Tịnh. Giấy phép số 3106 BTT-BC3-XB ngày 28/7/1965.
   2. Kinh Thánh “Lời Chúa cho mọi người” (2012). Nxb Tôn giáo
   3. Kinh Quran (2001). Nxb Tôn giáo, HN
   4. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia
   5. Bulletin de I’ Etoile, Mars Avril 1932, Pari 21, Avenue Motaigne
 
 

[1] Website của Bộ Ngoại giao Việt Nam, http://www.mofahcm.gov.vn/
[2] http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/quoc-te/noi-lo-khung-bo-o-dong-nam-a-185304.html
[3] http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-dong-nam-a/4790-dong-nam-a-gia-tang-mat-long-tin-chien-luoc
[4] Trần Thị Kim Oanh, Tạp chí Triết học số 1, 2003, Chức năng xã hội của tôn giáo nhìn từ góc độ của triết học
[5] Bulletin de I’ Etoile, Mars Avril 1932, Pari 21, Avenue Motaigne, p 45.
[6] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 225
 
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,156
  • Tháng hiện tại23,627
  • Tổng lượt truy cập1,158,035
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây