Tóm tắt
Trong vòng một thập niên trở lại đây, nghiên cứu biểu tượng ở Việt Nam trở nên sôi nổi và cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hết độ nóng của tính xu trào thời đại.
Xu hướng này đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nghiên cứu biểu tượng (hướng nghiên cứu ký hiệu học) trong nhiều lĩnh vực KHXH ở Việt Nam. Những nghiên cứu trên thế giới cho thấy có hai luồng ý kiến trái chiều: một là khẳng định, và hai là chống lại việc ký hiệu hóa lên lĩnh vực văn hóa biểu tượng và nghệ thuật. Ở Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, cả hai luồng ý kiến trên đều chưa thể đi đến một khoa học phương pháp luận trong nghiên cứu biểu tượng nói chung và biểu tượng tôn giáo nói riêng.
Biểu tượng tôn giáo là loại hình biểu trưng cho các giá trị tôn giáo. Nghiên cứu về các biểu tượng trong tôn giáo có thể được tiến hành qua thần học (theology), nghiên cứu thánh tượng (iconology), ký hiệu học (semiology), nhân học tôn giáo, nhân học biểu tượng…
Biểu tượng học tôn giáo là bộ môn khoa học hiện đại có khả năng cung cấp các phương pháp nghiên cứu liên ngành và đặc biệt là liên chuyên ngành về quá trình hình thành, vận động và phát triển của các hình thái biểu tượng tôn giáo. Xây dựng hướng tiếp cận liên ngành và liên chuyên ngành: ký hiệu học – hình tượng học – biểu tượng học.
Từ khóa: Chạc ba lý thuyết khung, biểu tượng tôn giáo, ký hiệu học, hình tượng học, biểu tượng học tôn giáo.
1. Mở đầu
1.1. Một số thuật ngữ
Biểu tượng (symbol) là một từ bắt nguồn từ ngôn ngữ cổ ở châu Âu (Symbolon trong tiếng Hy Lạp. Symbolus trong tiếng La Mã). Một số người định nghĩa « biểu tượng là biểu trưng », như vậy biểu tượng (symbol: danh từ) đã được đồng nhất hoàn toàn với biểu trưng (symbol: động từ), tuy nhiên biểu tượng trước hết là hình ảnh hoặc vật biểu trưng. Nghĩa nguyên phát là dấu hiệu nhận biết, sự phân đôi của vật tín ước, tạo ra tính chất kép: hình ảnh và vật biểu trưng, được gán cho ý nghĩa biểu trưng.
- Biểu tượng tôn giáo là các hệ thống phức hợp hình ảnh hoặc bản thể thực thể thượng đế, thần linh; hoặc là bản thân vật, bản thể con người hoặc Phật sống; hoặc hệ ký hiệu và bán ký hiệu (hình tượng nghệ thuật)... dùng để biểu trưng (tượng trưng) cho ý niệm tôn giáo cụ thể, qua đó khai tâm các giá trị tâm linh tôn giáo.
- Hình tượng học là lĩnh vực sử dụng tư duy kép “điển hình hóa” và bao quát cả hình tượng, hình tượng thẩm mỹ, hình tượng mỹ thuật, ký hiệu hình tượng mỹ thuật và hình tượng nghệ thuật.
- Sự khác nhau giữa hai ngành ký hiệu học và hình tượng học
Ký hiệu (Sign tiếng Anh, Signe tiếng Pháp, từ tiếng La tinh Signum) chỉ các hình thái diễn tả trong phạm vi ngữ học. Dịch là Dấu hiệu khi mở rộng đến các lãnh vực ngoài ngôn ngữ (dẫn theo Thụy Khuê).
Ký hiệu (记号, 符号) là dấu đặt ra theo quy ước. Từ gốc từ Semeîon của Hy Lạp là "dấu hiệu”. Ký hiệu học (semiology) là một nhánh phát triển chính yếu của ngôn ngữ học. Ký hiệu học đã xâm nhập phần nào vào lĩnh vực hình tượng học và biểu tượng học (Iconography), tuy nhiên chỉ là một nhánh phát triển trong đó. Không phải biểu tượng nào cũng thuộc về ký hiệu học. Có nghĩa không phải biểu tượng nào cũng là dấu đặt ra theo quy ước.
Khác với ký hiệu học hướng đến sự giản lược hóa các đối tượng thành các ký hiệu. Nghệ thuật hướng đến phản ánh “hành động” của con người ở tính quy mô tổng thể và tính lý tưởng. Nghệ thuật không hướng đến sự giản lược hóa đối tượng mà phương tiện của nó là điển hình hóa hình tượng.
Điển hình hóa là phương pháp xây dựng nên ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật, trong đó mọi sự giản lược hóa, ký hiệu hóa chỉ là một bộ phận nhỏ của phương tiện biểu hiện. Lưu ý, hình tượng nghệ thuật là sự phản ánh cuộc sống bằng chính những hình thức của đời sống. Hình tượng nghệ thuật không chỉ là ký hiệu do có kết cấu hình thân – thước đo tỷ lệ vàng của con người trong văn hóa.
Ngoài ra, ở nhiều loại hình nghệ thuật như múa, sân khấu… do tính chất tham dự trực tiếp của con người vào các loại hình nghệ thuật ở ba phương diện: mô phỏng kích thước và quy mô con người hành động – hình thân (thước đo ra vạn vật) – bản thể của con người, đã làm giảm tối đa xu hướng ký hiệu hóa toàn bộ hình tượng nghệ thuật.
1.2. Các hệ biểu trưng, tượng trưng
Từ các dấu hiệu và ký hiệu để nhận biết, các hệ biểu trưng, tượng trưng cũng đã hình thành rộng rãi trong đời sống thường nhật của loài người. Vai trò của hệ biểu trưng là diễn đạt một lớp ý nghĩa khác chồng lên lớp sự vật hiện có. Tính phổ biến của hệ biểu trưng nằm ở chỗ có thể diễn đạt bất kỳ một ý nghĩ nào theo cách để mọi người đều hiểu được. Hệ biểu trưng, tượng trưng gồm:
- Dấu hiệu biểu trưng: khác với dấu hiệu thông thường, ví dụ phong thủy, tướng mạo, 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật…
- Hệ ký hiệu: dấu hiệu đặt ra có tính quy ước, văn tự. Lưu ý, các ngôn ngữ gốc hình ảnh (hình tượng, biểu tượng tôn giáo) là các ngôn ngữ bán ký hiệu, ký hiệu không toàn phần. Mặc dù ngôn ngữ ký hiệu cũng bắt đầu từ hình ảnh nhưng đã giản lược hóa hình ảnh đó. Còn ngôn ngữ hình tượng và biểu tượng tôn giáo có xu hướng giữ nguyên hình ảnh gốc của đời sống trong tính chất tổng thể, phồn thể của nó, tuy nhiên lại làm sâu sắc hơn hình ảnh đời sống bằng biện pháp khái quát điển hình hóa hình tượng nghệ thuật để đi sâu phản ánh các chiều kích sâu và rộng về bản chất đối tượng.
- Nghệ thuật (Mỹ thuật): hệ tượng trưng hình tượng.
- Hệ biểu trưng ngôn ngữ cử chỉ chỉ dẫn: ví dụ các ấn quyết.
- Hệ tượng trưng: Biểu trưng được các nhà khoa học dùng trong phổ rộng đời sống. Tượng trưng được các triết gia hay dùng cho nghệ thuật. Ví dụ, triết gia duy tâm khách quan G.W.F Hegel gọi nghệ thuật Ai Cập cổ đại là nghệ thuật tượng trưng. Tượng trưng thuộc nhóm ký hiệu hình tượng. Nhóm ký hiệu hình tượng tạo nên vô số các rừng biểu tượng gấp nhiều lần nhóm ký hiệu ngôn ngữ (dấu hiệu nhận biết).
- Hệ thần thoại (văn chương) và thần hệ (được hệ thống hóa bởi các nhà sử học cổ đại).
- Phật lục: lai lịch của các vị Phật và Bồ tát.
2. Những lý thuyết biểu tượng và biểu tượng tôn giáo
2.1. Lý thuyết của các nhà ký hiệu học và nhân học biểu tượng
Vào đầu thế kỷ XX, các nhà ngôn ngữ học như Ferdinand Mongin de Saussure người Thụy Sĩ (1857 -1913), đồng thời cũng là nhà ký hiệu học (Semiotician), đã tạo ra một trào lưu nghiên cứu biểu tượng kết hợp với phong trào cấu trúc luận. Ký hiệu học đã tạo ra một sức hút lớn không chỉ đối với các nhà ngôn ngữ học, mà còn hấp dẫn các nhà nhân học, nhân chủng học, sử học, triết học, tôn giáo học và nghệ thuật học.
Trước đó, vào nửa cuối thế kỷ XVIII, các triết gia Đức đã đặt những nền tảng quan trọng cho xu hướng nghiên cứu biểu tượng của cái đẹp, biểu tượng của tôn giáo, coi ngôn ngữ biểu tượng là trung tâm của các giá trị văn hóa, do vậy đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến những trào lưu tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của thế kỷ XIX, XX.
Charles Sander Peirce cùng với Ferdinand de Saussure là những người đồng sáng lập ký hiệu học với cách tiếp cận cấu trúc luận. Sự khác biệt nằm ở chỗ F.D. Saussure là ngôn ngữ học, còn C.S. Peirce là logic học tiếp cận đa ngành.
Nhân học biểu tượng từ nền tảng ngôn ngữ học, ký hiệu học, gắn nghiên cứu biểu tượng với cấu trúc luận. Các nhà lý thuyết nhân học biểu tượng tiêu biểu như Clifford Geertz, Victor Turner và David Schneider, coi biểu tượng là một loại phương tiện nhắm đến biểu trưng con người, xã hội và văn hoá. Với cách tiếp cận này, lý thuyết nhân học biểu tượng trở thành thành tố không thể thiếu của các lý thuyết nghiên cứu văn hóa.
2.2. Hướng nghiên cứu biểu tượng từ dấu hiệu đến biểu trưng và thần thoại, chống lại ký hiệu học
Luc Benoist, Jean Chevalier và Alain Gheerbrant… là những đại diện tiêu biểu cho hướng nghiên cứu biểu tượng từ “Dấu hiệu, biểu trưng và thần thoại”. Hướng tiếp cận này có xu hướng chống lại trào lưu ký hiệu hóa các biểu tượng.
Jean Chevalier nhấn mạnh: “Sự trừu tượng hóa khoét rỗng biểu tượng và đẻ ra ký hiệu; nghệ thuật, ngược lại, chạy trốn ký hiệu và nuôi dưỡng biểu tượng”.
Urban để phân biệt ký hiệu và biểu tượng, đã cho rằng một “ký hiệu đơn thuần” chính là một biểu tượng được khách quan hóa. Do đó, nó đã mất đi sự ám chỉ của bản thân nó vào vật thể gốc.
Tác giả Trần Trọng Kim trong «Phật Lục» cũng phân biệt hiệu riêng và biểu tượng. Hiệu riêng ở đây được hiểu là dấu hiệu, biểu trưng riêng để nhận biết từng vị. Hiệu riêng hẹp và chưa đạt đến ý nghĩa tổng thể của biểu tượng: «Tượng thờ chư Đại Bồ-tát, thì đầu đội mũ bảo quan, cổ đeo anh lạc, nghĩa là đeo dây châu báu, hoặc ngồi hoặc đứng trên tòa sen, có khi cưỡi trên con thú tay cầm pháp bảo hay cầm quyết, là hiệu riêng của từng vị ».
2.3. Biểu tượng học tôn giáo (The Religious Symbolism & Iconography)
2.3.1. Biểu tượng học tôn giáo và biểu tượng luận cấu trúc
Biểu tượng học tôn giáo là một khoa học phương pháp luận trong nghiên cứu biểu tượng nói chung, biểu tượng luận tôn giáo nói riêng và chủ nghĩa tượng trưng kỳ ảo. Nền tảng của bộ môn khoa học này có mối quan hệ chặt chẽ với lý thuyết ký hiệu học, hệ biểu trưng, thế giới sự vật, con người, hệ hình tượng, và hình tượng nghệ thuật.
Biểu tượng học tôn giáo luôn bao hàm cả biểu tượng luận cấu trúc. Biểu tượng luận cấu trúc sử dụng thế mạnh của phương pháp cấu trúc – chức năng, phương pháp hình thái cấu trúc (thuộc hình thái học). Biểu tượng luận cấu trúc còn có khả năng cung cấp phương pháp nghiên cứu tư duy sáng tạo và hệ thống các phương pháp sáng tạo thuộc văn hóa biểu tượng tôn giáo.
2.3.2. Ký hiệu học, hình tượng học và biểu tượng học
Việc coi các thành tựu ký hiệu học hiện đại vào thế kỷ XX là toàn bộ cơ sở cho các hình thái văn hóa biểu tượng tôn giáo đã có từ thời kỳ nguyên thủy sẽ bỏ qua nhiều lý thuyết biểu tượng quan trọng trong quá khứ của các triết gia, các nhà sử gia, ngôn ngữ học cổ đại, kịch tác gia.
Khi xem Ký hiệu như là một cội nguồn của biểu tượng là một hướng đi đặt nền tảng, thì nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra góc tiếp cận tác phẩm nghệ thuật như là một hệ thống ký hiệu đặc biệt. Tuy nhiên, ký hiệu trên thực tế dựa trên lý thuyết của các nhà ngôn ngữ học do đó trở nên hạn chế khi xây dựng nền móng cho văn hóa tôn giáo. Ví dụ như Phật giáo vốn coi ngôn ngữ là một giới hạn hoàn toàn để biểu đạt trí tuệ giác ngộ. Quan niệm của Đức Phật Tổ Như Lai về bất văn tự trong phương pháp truyền giảng suốt 49 năm của ngài. Về tính biểu tượng ở núi Linh Sơn, Đức Phật tay cầm cành sen đưa lên và Ma Ha Ca Diếp mỉm cười (ý nghĩa biểu tượng về pháp môn thanh tịnh thiền).
Nguồn gốc hình ảnh và bán hình ảnh (do có sự tham gia của hình thân) của biểu tượng; nguồn gốc con người trực tiếp tham dự vào quá trình biểu tượng hóa, biểu trưng hóa, đồng hóa thần thoại là con đường quan trọng của việc xác lập các nền tảng của biểu tượng tôn giáo.
Như vậy, biểu tượng nghệ thuật cũng như biểu tượng tôn giáo không hề làm mất đi sự ám chỉ của bản thân nó vào vật thể gốc, cùng với quá trình khách quan hóa, biểu tượng hóa.
Tuy nhiên, nguồn gốc nhận thức gốc: “hình ảnh kết hợp hình thân” của loài người là phức tạp hơn bản thân ký hiệu học. Nếu đồng nhất hình tượng với ký hiệu sẽ không nhìn thấy được toàn bộ tính tổng quan chung của mối quan hệ giữa ba cơ sở ký hiệu học, hình tượng học và biểu tượng học trong toàn bộ tiến trình ra đời và phát triển của các loại hình ngôn ngữ có gốc biểu đạt hình ảnh tổng thể của đời sống kết hợp hình thân.
Sự đồng nhất hình tượng nghệ thuật với bản thân ký hiệu; cũng như sự đồng nhất toàn bộ hình vẽ trên vách hang động thời kỳ tiền sử (bích họa hang động) với ký hiệu và hình tượng nghệ thuật, lại chính là cơ sở đã làm mất đi cơ hội nhìn thấy sự vận động của ký hiệu hoa văn mỹ thuật của người Việt cổ, vào thời kỳ sơ sử, đang có xu hướng phát triển phân nhánh từ hệ thống ký hiệu mỹ thuật trên trống đồng. Với điều kiện là nếu lịch sử phát triển tuần tự, và xét về mặt logic, thì có khả năng sẽ phân đôi trong cấu trúc của hệ thống hoa văn ký hiệu mỹ thuật trên trống đồng để hình thành hai nhánh phát triển: 1. Hoa văn mỹ thuật; và 2. Văn tự đồ họa giai đoạn muộn.
2.3.3. Tư duy Đông và Tây về mối quan hệ bộ ba: hình tượng – biểu tượng – khái niệm
Trên một tinh thần duy lý, phương Tây xác lập mối quan hệ bộ ba chặt chẽ và biện chứng. Tin Lành loại bỏ ngẫu tượng của thờ cúng biểu tượng qua hình tượng nghệ thuật. Các biểu tượng tôn giáo thuần túy được tôn thờ như biểu tượng thánh giá.
Phương Đông trên tinh thần biện chứng nhìn thấy sự vận động nội tại của ba thành tố ngôn ngữ của ba hình thái ý thức xã hội. Trong mối quan hệ nội tại này phương Đông chú trọng ý niệm nội tại của hình tượng trong biểu tượng tôn giáo. Các yếu tố tư tưởng luôn được chuyển giao vào thế giới của hình tượng và biểu tượng tôn giáo.
Ở Việt Nam, phổ biến trong thức nhận giáo dục cộng đồng là việc đồng nhất hoàn toàn ký hiệu với hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử phát triển của văn hóa Đông Tây, không tồn tại một hình thái toàn phần ký hiệu học lên nghệ thuật tôn giáo.
Có bốn hướng phát triển của biểu tượng tôn giáo với sự phát triển từ hình vẽ, tới hình tượng và hình tượng nghệ thuật là những hình thái có bước tiến lâu dài. Bên cạnh đó, hình vẽ không chỉ liên quan đến hình tượng nghệ thuật mà còn liên quan đến hệ ký hiệu, văn tự đồ họa.
Bản chất của quá trình người tiền sử sáng tạo và hoàn thiện những ký hiệu hình vẽ trên các tảng đá hay trên vách hang động là ở chỗ con người cần đến những cơ sở về hình làm cơ sở ngôn ngữ hiện thực cho sự mô phỏng và khái quát ngày càng phát triển ở loài người. Từ hình vẽ sát thực, mô phỏng đến hình tượng như là cấp độ tượng trưng, trừu tượng cảm quan thể hiện qua hình vẽ.
Từ những đường nét đầu tiên thể hiện qua ký hiệu hình vẽ đến chữ viết hình vẽ, văn tự đồ họa (với hình tượng trưng cao - hình tượng), rồi hình tượng nghệ thuật, chữ viết tượng hình, biểu tượng tín ngưỡng, và các hình tượng thần thoại (hình tượng nghệ thuật loại hình có tiêu chí phân loại).
Ngôn ngữ hình tượng là một hệ thống biểu trưng từ đơn giản đến phức tạp, gián tiếp hay trực tiếp, từ hình ảnh đến ký hiệu, hình tượng và hình tượng nghệ thuật, phản ánh dưới hình thức tả thực hay dưới hình thức trừu tượng hóa đều được lưu giữ trong cái cảm quan, toàn vẹn, và cụ thể.
Từ những bức tranh ghi hình, ghi ý đã dần phát triển, chuyển biến thành loại chữ viết với những biểu tượng được cách điệu hóa (như chữ viết hình nêm), dần dà phát triển thành các văn tự tượng hình. Người Ai Cập khắc chữ tượng hình trên đá, và tường của các đền, miếu, cung điện và các kim tự tháp. Chữ viết lên giấy làm bằng vỏ của cây papurut. Loài cây này mọc nhiều ở các đầm, hồ và hai bên bờ sông Nin.
Chữ viết của người Sumer (khoảng thiên niên kỉ thứ IV TCN) ở Lưỡng Hà gần như cùng thời với chữ Ai Cập. Người Sumer - là tộc người đầu tiên xuất hiện ở lưu vực sông Tigrơ và Ơphơrat – và chữ viết Sumer lan tỏa ở các tộc người như Akkad, Hatti, Atxiri, và Ba Tư.
Đằng sau quá trình hình thành của ngôn ngữ hình tượng là sự phản ánh quá trình biến chuyển của tư duy con người từ tư duy hành động trực quan đến tư duy hình tượng trực quan, cùng với sự phát triển của tư duy sáng tạo, tư duy trực giác – ý niệm, đó là cả một quá trình phát triển nhận thức lâu dài của con người để có được sức phản ánh khái quát cao hơn của tư duy khái niệm xuất hiện khi nhà nước chiếm nô ra đời thời kỳ cổ đại.
2.3.4. Tại sao hình tượng nghệ thuật không phải ký hiệu toàn phần?
Hình tượng nghệ thuật là sự kết hợp tổng thể giữa ký hiệu (ngôn ngữ học), ngôn ngữ bán ký hiệu (gốc hình ảnh phản ánh tính phồn thể của đời sống nói chung và đời sống sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo như ngôn ngữ hình tượng và ngôn ngữ biểu tượng) với ngôn ngữ hình thân (vd. Kịch hình thể).
Vậy nghệ thuật tại sao không thể trở thành một hệ thống ký hiệu học toàn phần? Với các loại hình nghệ thuật tổng thể, nghệ thuật dựa trên cấu trúc tổng thể các thành tố. Do vậy, nó từ chối vai trò ký hiệu hóa, mà hướng tới sự mô phỏng tổng thể có quy mô hành động của con người, lý tưởng và nhân cách con người, đời sống xã hội và cá nhân.
Ký hiệu học trong ngôn ngữ học được gọi là ký hiệu tượng hình, còn hình tượng trưng trong nghệ thuật được gọi là hình tượng nghệ thuật. Hệ thống hình tượng nghệ thuật mô phỏng tính chất và quy mô xã hội của hành động con người. Ký hiệu tượng hình thì dựa trên nguyên tắc quy ước và có xu hướng giản lược hóa. Hệ thống hình tượng nghệ thuật có xu hướng biểu tượng hóa tức là đồng nhất hóa các thuộc tính chung của vũ trụ và con người. Ký hiệu tượng hình chỉ trở thành biểu tượng khi được gia tăng ý nghĩa biểu trưng, tượng trưng (ví dụ. nghệ thuật thư pháp).
Hình tượng nghệ thuật chỉ có một bộ phận được xem là hệ đa ký hiệu tác động lớn đối với văn bản như ký xướng âm của âm nhạc và nghệ thuật sử dụng ngôn từ (văn chương). Điêu khắc, múa, sân khấu, điện ảnh, hội họa không chỉ là ký hiệu.
Theo các nhà nghiên cứu biểu tượng, hình thái biểu tượng đã phát triển trong giai đoạn đầu của nhà thờ, ở đó ý niệm về dấu hiệu vật chất được liên kết với những gì không thể nhìn thấy, phi vật chất. Vì vậy, nhà thờ vật chất hiện hữu, bằng gỗ hoặc đá, trở thành một biểu tượng của nhà thờ tinh thần, cộng đồng của những vị thánh và những con chiên ngoan đạo với Tam vị nhất thể (Trinity). Vì vậy, trong các lễ nghi của nhà thờ, lễ ban thánh thể, lễ ban phúc bánh mì và rượu, là biểu tượng hoá của giai đoạn thứ hai, tượng trưng cho sự khai sáng. Nghi thức trang nghiêm cho thấy rõ lòng khoan dung, tìm ra ý nghĩa về sức mạnh và tình yêu tiềm ẩn của Chúa.
Biểu tượng tôn giáo không đơn giản chỉ là phương tiện truyền đạt thông tin. Biểu tượng tôn giáo “xuất hiện ý nghĩ hướng về cái Tuyệt đối (Abssolute)”. Điều này tạo nên truyền thống của nhà thờ thời trung cổ, sự diễn giải thần bí về các biểu tượng với các cấp độ khác nhau, với diễn giải kinh thánh hướng tới mục tiêu hợp nhất với tính thiêng liêng.
Đặc trưng này cũng được hiện đại hóa trong diễn giải tín ngưỡng luận (hoặc biểu tượng - tín ngưỡng luận: symbolo-fideism) của một số nhà lý thuyết Tin lành ở Paris vào cuối thế kỷ XIX.
Một đặc tính của tất cả các dạng biểu tượng luận là tính hai mặt của chính nó. Urban đã phân loại các biểu tượng thành: biểu tượng nằm ở bên ngoài hay biểu tượng tự thân; biểu tượng nằm ở bên trong hay biểu tượng mang tính mô tả; và “biểu tượng nhìn thấu được”.
Nhóm thứ nhất là những biểu tượng đặc biệt dành cho khoa học; nhóm thứ hai là dành cho nghệ thuật và tôn giáo. Nhóm thứ ba là “biểu tượng nhìn thấu được”, là một siêu hình thái của nhóm thứ hai, gắn với diễn giải biểu tượng.
Sự diễn giải biểu tượng áp dụng vào việc diễn giải Kinh thánh, bao gồm cả những câu chuyện ngụ ngôn và những phép màu, trong quan điểm của Urban, nó cũng có ý nghĩa về một vũ trụ. Bất cứ một lý thuyết biểu tượng luận tôn giáo nào cũng phải là một lý thuyết về nhận thức tôn giáo.
2.3.5. Công thức phân tử của biểu tượng
Công thức phân tử của biểu tượng trong nghiên cứu ký hiệu học và nhân học biểu tượng là một công thức diễn đạt ngôn từ, khái niệm và vật thông thường:
Mô hình: tam vị (triadic relation) của Peirce
Trong khi đó, tư duy gốc của biểu tượng là nhóm tư duy gốc hình ảnh và bán hình ảnh. Vậy thế nào là bán hình ảnh. Bán hình ảnh tức là không chỉ bao gồm hình ảnh mà còn bao gồm trực tiếp cả thân thể/ cơ thể người thực. Nghệ thuật phản ánh tổng thể quy mô hành động của con người, cả lý tính và cảm tính, cả lý trí và xúc cảm trực tiếp, truyền tải giá trị nhân văn. Cuộc sống không phải chỉ là ký hiệu. Ranh giới giữa hình tượng nghệ thuật như là hình thức phản ánh của chính cuộc sống với bản thân cuộc sống thật là mong manh. Con người nhận biết được ranh giới mong manh đó không phải nhờ hoàn toàn vào hệ thống ký hiệu mà phần lớn nhờ vào các chức năng xã hội của nghệ thuật (giáo dục đạo đức-thẩm mỹ, luân lý, phản tư, giải trí, phê bình...).
Muốn thực sự nắm bắt quan điểm của hai nhóm nghiên cứu ký hiệu học và biểu tượng học tôn giáo, cần đi vào phân tích công thức phân tử của biểu tượng và biểu tượng tôn giáo mà họ nêu ra:
Công thức 1 của tiếp cận ký hiệu học: công thức của ký hiệu học cũng chính là công thức của ngôn ngữ học, khái niệm và vật thông thường:
Biểu tượng (ký hiệu) = Cái biểu đạt và Cái được biểu đạt.
Công thức 2 của tiếp cận biểu tượng học tôn giáo: Bản thân sự vật và công thức của biểu tượng tôn giáo phức tạp hơn công thức của ngôn ngữ học và vật biểu trưng thông thường:
Biểu tượng tôn giáo = Hình ảnh hoặc bản thể thực thể thượng đế, thần linh/bản thân vật/bản thể con người, Phật sống/hệ ký hiệu và bán ký hiệu (hệ hình tượng nghệ thuật)/ dùng để biểu trưng/tượng trưng (cái biểu đạt) + biểu trưng (ý nghĩa biểu trưng, cái được biểu đạt) + Công thức khai tâm* (văn hóa giá trị tâm linh) + Tư duy đồng nhất (Thế giới quan phản ánh đồng nhất nhân sinh quan, nhận thức luận, bản thể luận) + ngôn ngữ cơ thể * + Phương pháp sáng tạo biểu tượng văn hóa.
Chú thích cho công thức 2:
* Công thức khai tâm là nhận thức về năng lượng tồn tại trong mỗi cá thể và cộng đồng. Do đó, nó có thể chứa đựng các giá trị luân lý, điều chỉnh hành vi đạo đức, tư duy của con người, lý tính và xúc cảm tôn giáo, hay như các giá trị biểu tượng văn hóa được xem là vấn đề trung tâm của lý thuyết phân tâm học, cấu trúc tâm thần bộ thuộc phân tâm học (cái tôi – cái đó – cái siêu tôi)... Từ đó tạo ra các rừng biểu tượng tôn giáo.
* Ngôn ngữ cơ thể: Vật biểu trưng là một hòn đá nhưng lại có hình dạng của một bộ phận cơ thể (Ví dụ: Linga). Vào thời cổ đại, thuyết tổng thể về tỷ lệ, về thước đo cơ thể con người (tỷ lệ vàng) trong nghệ thuật kiến trúc của Vitruvius đã là cơ sở cho thuyết nhân thể mỹ (cái đẹp của cơ thể người) trong sáng tạo nghệ thuật tôn giáo của thời kì Phục Hưng. Thân thể là một biểu trưng sống động cho triết lý phồn thực, cho sức mạnh phản ánh tổng thể đời sống của nghệ thuật, cho mình Chúa, cho các biểu tượng Phật sống, các biểu tượng huyền thoại trực tiếp từ những con người hiện thực…
Trong công thức 2, chúng ta quan sát thấy không có hiện tượng “thay đổi khái niệm” từ thần thoại (tư duy gốc hình ảnh là cái phổ quát, khi chuyển vào ngôn ngữ hình tượng và biểu tượng tôn giáo, vẫn giữ nguyên các đặc tính tổng thể của hình ảnh đời sống được khái quát hóa, biểu tượng hóa) sang ngôn ngữ ký hiệu (nhóm nhỏ của cái phổ quát).
Theo ký hiệu học, ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu, mỗi ký hiệu ngôn ngữ có hai phần: cái biểu đạt (le signifiant) và cái được biểu đạt (le signifié). Cái biểu đạt là một hình ảnh thính giác, cái được biểu đạt là một khái niệm.
Với biểu tượng học tôn giáo, cái biểu đạt là một hệ thống phức hợp hình ảnh tổng thể, bản thể thực thể, bản thân vật/bản thể của con người/biểu tượng sống, một hệ biểu trưng, hệ ký hiệu... và.... cái được biểu đạt là một ý niệm-lý tưởng, một lý tưởng bản thể người (Cái đẹp), một trí tuệ được biểu trưng, một quy mô hành động tổng thể được tượng trưng, một dạng thức bản thể sống, một tâm linh được khai phóng, hơn là một khái niệm.
Biểu tượng tôn giáo không dừng lại ở cấp độ ngôn ngữ ký hiệu của một cấu trúc tính cặp đôi quyền lực giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Biểu tượng tôn giáo luôn cần đến cấp độ "Siêu-mô tả" (Metanarrative - theo Clive Erricker) của diễn giải biểu tượng (từ nhiều cấp độ, và liên ngành).
3. Kết luận
Trong mối quan hệ giữa văn hóa tôn giáo và biểu tượng, ngôn ngữ biểu tượng được xem là một thành tố quan trọng của văn hoá do con người tạo ra để sử dụng như một loại hình công cụ thông tin và giao tiếp có tính tượng trưng. Chúng ra đời, tồn tại và tác động đến đời sống văn hóa của con người. Việc tìm hiểu ngôn ngữ biểu tượng cũng chính là tìm hiểu đời sống văn hoá và xã hội loài người thông qua các biểu tượng văn hoá do họ sáng tạo ra. Vì vậy, biểu tượng học tôn giáo chính là khoa học có chức năng giải mã các thành tố văn hoá được sản sinh trong đời sống của con người.
Các biểu tượng tôn giáo khi tham gia vào quá trình thực hành tín ngưỡng, được thờ cúng sẽ bao hàm các cấm kị và được gia tăng tính thiêng. Cho tới nay, hầu hết các ngành khoa học xã hội trên thế giới đều ít nhiều đề cập đến đối tượng nghiên cứu đặc thù này.
Trên một tổng phổ tri thức về lĩnh vực nghiên cứu biểu tượng, bài viết hệ thống hóa chạc ba lý thuyết khung của các ngành nghiên cứu biểu tượng, biểu tượng tôn giáo xét cả chiều dọc lẫn chiều ngang của mối quan hệ giữa các hệ hình lý thuyết chuyên ngành gần và liên ngành:
- Ký hiệu học (Semiology) - nhân học biểu tượng - biểu tượng cấu trúc.
- Ký hiệu học - Chống lại ký hiệu học - Biểu tượng học tôn giáo.
- Ký hiệu học - hình tượng học - biểu tượng học.
- Hình tượng học – biểu tượng học – logic học.
- Hình tượng (nghệ thuật) - biểu tượng (tôn giáo) - khái niệm (triết học).
- Biểu tượng học tôn giáo (The Religious Symbolism & Iconography) – biểu tượng luận cấu trúc – biểu tượng học (Iconography)./.
Tài liệu tham khảo
- Luc Benoist (2006), Dấu hiệu, biểu trưng và thần thoại, Nxb. Thế giới, tr.3. 51,53, 94.
- Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, tr. XIX.
- Mai Ngọc Chừ (chủ biên) (2008), Giới thiệu văn hóa phương Đông, Nxb. Hà Nội, tr. 57.
- Trịnh Bá Đĩnh (chủ biên) (2018), Từ ký hiệu đến biểu tượng, Nxb. ĐHQGHN, tr. 63-64.
- Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng một số hướng tiếp cận lý thuyết, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 30.
- Trần Trọng Kim (2010), Phật lục, Nxb. Tôn giáo, tr.105.
- Đỗ Thị Minh Thảo (2018), Tương tác mở trong mỹ học Việt Nam đương đại, Nxb. Thông tin & truyền thông, tr. 295.
- Đỗ Thị Minh Thảo (2020), Tập bài giảng Biểu tượng học tôn giáo. Nghiệm thu loại xuất sắc.
Luc Benoist (2006), Dấu hiệu, biểu trưng và thần thoại, Nxb. Thế giới, tr.3.
Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, tr. XIX.
Trần Trọng Kim (2010), Phật lục, Nxb. Tôn giáo, tr.105.
Đỗ Thị Minh Thảo (2018), Tương tác mở trong mỹ học Việt Nam đương đại, Nxb. Thông tin & truyền thông, tr. 295.
Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng một số hướng tiếp cận lý thuyết, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 30.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền