HOẠT ĐỘNG VÀ CÔNG TÁC XÃ HỘI – TỪ THIỆN CỦA NI GIỚI Ở TP. HỒ CHÍ MINH (GÓC NHÌN CỦA NHÂN HỌC VÀ GIỚI)

Thứ sáu - 20/05/2022 08:01

HOẠT ĐỘNG VÀ CÔNG TÁC XÃ HỘI – TỪ THIỆN CỦA NI GIỚI 	        Ở TP. HỒ CHÍ MINH (GÓC NHÌN CỦA NHÂN HỌC VÀ GIỚI)

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH và NV TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM.


Dẫn nhập
 
     Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam (từ những năm đầu Công Nguyên, thông qua các đoàn thuyền buôn người Ấn) những trí thức Khổng, Lão đã chống đối gay gắt vì những học thuyết của Phật giáo quá xa lạ với những chuẩn mực đạo đức, xã hội của Khổng, Lão [6]. Đạo Phật được đánh giá là một tôn giáo tiến bộ khi không có thái độ phân biệt đẳng cấp đồng thời còn thể hiện tinh thần đoàn kết không phân biệt giới: “Phật tử nam và Phật tử nữ đều cùng được tu và nếu ai có quyết tâm đều có thể thành tựu như Đức Phật” [10]. Chính vì vậy, ngay từ đầu nữ giới Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng to lớn không thua kém gì nam giới trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trong đó phải kể đến những vị nữ tướng xuất gia tu hành thời Hai Bà Trưng như là công chúa Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung [14], v.v…
 
       Ngày nay, nhiều cuộc đấu tranh đòi bình đẳng của phụ nữ trên thế giới giành thắng lợi. Theo đó vai trò của nữ giới trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng địnhvà nâng cao. Trong cộng đồng ASEAN cũng đã có hai vị nguyên thủ quốc gia là nữ đó là bà Gloria Arroyo - Tổng thống Philipines và bà Diah Permata Megawati Setiawati Soekarnoputri - Tổng thống Indonesia, có bà Yingluck Shinawatra – cựu Thủ tướng Thái Lan. Ở Việt Nam, sau độclập (1945) đánh dấu một bước chuyển biến mới vềvai trò, địa vị của người phụ nữ; nữ giới Phật giáo Việt Nam“có nhiều vị tốt nghiệp học vị thạc sĩ, tiến sĩ…”, theo đó “chư Ni có thể tham gia vào mọi lãnh vực hoạt động.” [15]
 
       Đã có nhiều nghiên cứu về nữ giới Phật giáo Việt Nam, tiêu biểu như: “Ni giới Việt Nam ngày nay” (Thích Nữ Hương Nhũ, 2010, 2013), “Ni giới và những lời Phật dạy” (HT. Thích Chơn Thiện, 2013), Vai trò của Ni giới Phật giáo Việt Nam trong xã hội hiện nay (HT Thích Trí Quảng, 2008)… nhưng đa số những bài viết nhìn nhận Ni giới dưới góc nhìn của người trong cuộc do đó không khỏi có những quan điểm chủ quan và thiên nhiều hơn về khía cạnh tôn giáo.
        Dưới lăng kính của Nhân học và nghiên cứu về Giới, chúng tôi muốn góp thêm tiếng nói khẳng định vai trò của ni giới Việt Nam hiện nay (thông qua khảo sát hoạt động của các Ni tại một số chùa) đặc biệt đối với công tác xã hội, từ thiệntại TP.HCM.
 
Hiện trạng công tác xã hội, từ thiện của ni giới tại TP.HCM
 
        Việt Nam là một quốc gia đa tộc người - đa tôn giáo.Bên cạnh các tôn giáo có nguồn gốc bản địa như Bưởu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Dừa…còn có những tôn giáo có nguồn gốc nước ngoài như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo (Islam giáo)… Riêng Phật giáo, “sau gần 2000 năm du nhập vào nước ta, tư tưởng của nhà Phật đã phát triển và bén rễ sâu vào trong tiềm thức và văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn trở ngại mà mãi đến năm1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới chính thức thống nhất trên cả nước, từ đây nhờ vào sự hợp tác hòa hợp và nhất trí cao trong ngôi nhà chung của giáo hội mà Phật giáo Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng với những đặc điểm nổi bật” [8], trong đó không thể không nhắc đến vai trò của các chư Ni.
       Tính đến năm 2014, số lượng tín đồ Phật giáo dẫn đầu trong các tôn giáo với khoảng 10 triệu người [16]. Nếu tính riêng Ni giới có 15.818 Chư ni (26 tỉnh/thành) tu tập tại 6.127 cơ sở tự viện [19]. Đáng lưu ý là hiện nay số lượng ni giới nhiều hơn số lượng Tăng giới (chiếm tỷ lệ 54% trong tổng số 50.000 Tăng ni trên cả nước) [12].
      Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Ni giới từ rất sớm đã có nhiều đóng góp tích cực trên nhiều phương diện trong việc xây dựng, phát triển thành phố như phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam, kinh tế tự túc nhà chùa của những năm đầu giải phóng, công tác đào tạo Ni tài cho Giáo hội, [11]… điều đó cho thấy ngay từ sớm, Chư ni Thành phố đã phần nào đó gạt qua những giới luật trong “Bát Kỉnh” để phát huy vai trò tích cực của mình trong đời sống và trên tất cả các hoạt động của Giáo hội. Tiêu biểu là các hoạt động về Giáo dục, Hoằng Pháp, Văn hóa nghệ thuật, Truyền thông đại chúng, ngay cả hợp tác quốc tế… và đặt biệt là trong các công tác xã hội, từ thiện.
      Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được chỉ bàn đến sự đóng góp của ni giới trong hoạt động xã hội, từ thiện. Có thể nói công tác này trong suốt thời gian qua được không những Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn các cơ quan ban ngành, các tầng, giới trong xã hội tri nhận đánh giá tốt, ủng hộ.
     Thật vậy, trên tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn của Đức Phật, công tác xã hội, từ thiện của các ni tại Thành Phố Hồ Chí Minh được đánh giá là nổi bật. Cụ thể là hoạt động nuôi, bảo vệ, dạy dỗ, hướng dẫn cho các trẻ em thuộc đối tượng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em lang thang đường phố, trẻ em bị khuyết tật, trẻ em thiếu nơi nương tựa,… Những cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh đang hoạt động tích cực trong mảng này có chùa Pháp Võ (Huyện Nhà Bè), Chùa Diệu Giác (Quận 2), chùa Giác Tâm (Quận Phú Nhuận),… trên địa bàn Quận 8 có hai Chùa là chùa Lâm Quang và chùa Pháp Quang, hai chùa này không hướng đến đối tượng là các trẻ mà hướng đến các đối tượng là các cụ bà. Bên cạnh đó các Tăng ni Phật tử còn vận động xây dựng mái ấm tình thương cho những gia đình khó khăn, kêu gọi đồng bào Phật tử ủng hộ cho các nạn nhân bị thiên tai, bão lũ,… với số tiền lên tới 3,5 tỷ đồng (năm 2015) [21]. Khi chúng tôi đi thực địa, phỏng vấn các tăng, ni, các vị đều khẳng định: tất cả kinh phí làm từ thiện hay nuôi dạy trẻ,.. đều do các Chùa tự vận động do đó vấn đề có đủ kinh phí để duy trì các hoạt độngxã hội, từ thiện trở thành gánh nặng đối với các chùa.  Một điển hình trong công tác nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ,.. là Nhà nuôi dạy trẻ em mồ côi Chùa Diệu Giác (Quận 2), hiện tại nơi đây đang tiếp nhận và nuôi dưỡng 92 trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa, nhiều em còn bị khuyết tật hoặc bệnh tật bẩm sinh, bé nhỏ nhất hiện nay chưa đầy 4 tháng tuổi. Do đó nếu không có lòng nhiệt thành ủng hộ của các tổ chức, các tấm lòng hảo tâm thì việc duy trì và đảm bảo đời sống cho các em là rất khó khăn.
 
        Tóm lại, hiện nay qua thực tiễn đời sống của ni giới Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cho thấy vai trò cần thiết và quan trọng của ni trong các công tác xã hội, từ thiện. Tuy nhiên theo chúng tôi vẫn cần phải có những chính sách, biện pháp cụ thể để nâng cao vị thế của ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Ni giới Việt Nam nói chung, tạo điều kiện phát huy “tiềm năng Ni giới” trong lĩnh vực xã hội, từ thiện trong thời gian tới.
 
Một số ý kiến góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo nói chung, ni giới nói riêng trong hoạt động xã hội, từ thiện
 
       Hiện nay xu hướng toàn cầu hóa đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực hoạt động của nhiều quốc gia từ kinh tế, chính trị, văn hóa cho đến tôn giáo, xã hội. Theo đó, Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ không chịu sự tác động của xu thế toàn cầu hóa. Qua thực tế lịch sử đã chứng minh sự vận động, biến đổi và phát triển của đời sống tôn giáo ở Việt Nam gắn liền với sự vận động và tồn tại của xã hội. Đã có nhận định rằng “Nếu xã hội, văn hóa bản sắc của dân tộc bị biến động, xáo trộn trước kỷ nguyên toàn cầu hóa thì Phật giáo cũng y như thế” [2]. Hiện nay Việt Nam đang thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, ưu tiên mọi nguồn lực cần thiết để thu hẹp khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực [18]. Vậy phải chăng ngày nay Phật giáo cũng đã và đang giương cao ngọn cờ về vấn đề bình đẳng giới?
       Trong hội nghị Tổng kết công tác phận sự phân ban Ni giới năm 2015, có một vài kiến nghị nổi bật được đưa ra như: Xin đổi danh xưng “Phân ban Ni giới thuộc ban Tăng sự trung ương” thành “Ban ni giới Trung ương GHPGVN”; Kiến nghị Ban trị sự GHPGVN các tỉnh thành cấp con dấu cho phân ban Ni giới các tỉnh thành đã được thành lập; hay Kiến nghị Thường trực HĐTS TW GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành trao quyền kiểm soát và quản lý hồ sơ cùng thủ tục pháp lý của Ni giới như việc xét duyệt và chứng nhận các hồ sơ tấn phong giáo phẩm, hồ sơ bổ nhiệm trụ trì, hồ sơ đăng ký nhập học tại các trường Phật học, hồ sơ thọ giới, việc tổ chức đại giới đàn dành cho Ni giới các tỉnh thành mới có thật lực để có thể làm việc và quản lý chư Ni về nhiều mặt,…Qua đây có thể thấy, Ni giới đã bắt đầu có nhận thức về vai trò và tầm quan trọngcủa mình đồng thời đã cất lên tiếng nói về quyền bình đẳng trong Giáo hộivì chư Ni là một trong những bộ phận cấu tạo nên Tăng đoàn Phật giáo. Họ có tiềm năng Phật tánh, khả năng tuệ giác, năng lực tinh thần, và các năng khiếu ngang hàng với nam giới. Kết quả học tập của chư Ni trong các trường Phật học, trong hai thập niên qua, không thua kém gì chư Tăng. Đó là chưa kể đến trường hợp trong nhiều khoá học, có nhiều ni sinh đã đậu thủ khoa hoặc á khoa [7].Đồng thời hiện nay số lượng các chư Ni chiếm khoảng 1.75/3 phần trong tổng số Tăng Ni. Do đó để Phật giáo phát triển một cách bền vững, thì phải có những chính sách thích hợp để tạo điều kiện phát triển nguồn lực tiềm năng là Ni giới nói chung, sự đóng góp của ni giới trong hoạt động từ thiện, xã hội.
 
Chúng tôi xin góp một số ý kiến cụ thể như sau:
 
 (1) Trong công tác xã hội, việc các nhà chùa, sư trụ trì chùa tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi được xem là việc làm hết sức nhân đạo. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì nhà thờ hay nhà chùa chỉ có thể nhận nuôi và chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khi nhà thờ, nhà chùa có đăng ký nhận nuôi con nuôi hoặc thành lập cơ sở nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thông qua việc thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP: Nơi nào nuôi dưỡng từ 10 trẻ trở lên buộc phải thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Nhà chùa hoặc sư trụ trì chỉ có thể tiếp nhận trẻ em vào chăm sóc nuôi dưỡng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập của một cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định [5]. Tuy nhiên thực tế cho thấy, “ngày nay đến khoảng 90% cơ sở từ thiện của chư ni là tự phát và hoạt động với tính chất bán chuyên nghiệp” (ĐĐ Thích Thiện Quý, biên bản phỏng vấn số 1) do dó dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc được các phương tiện truyền thông nhắc đến trong thời gian qua như vụ việc của chùa Bồ Đề tại Hà Nội với những cái tít như “Chùa Bồ Đề: Những hành vi trái luật pháp gắn mác “từ thiện”” [23] hay “Vụ nuôi trẻ mồ côi Tiên Phước 2: “Sư cô” Vân xin lập cơ sở mới” với nội dung “cơ sở nuôi trẻ mồ côi Tiên Phước 2 là nơi hoạt động vì mục đích từ thiện hay thực chất là “kinh doanh” từ thiện trên thân xác trẻ mồ côi” [24] (chùa Tiên Phước 2  - Quận Bình Tân, TP. HCM),… làm giảm đáng kể uy tín của nhà Phật, đặc biệt là vai trò của các Chư ni. Do đó, chúng tôi đề xuất nên có sự quản lý nghiêm ngặt và đồng bộ liên quan đến việc thành lập các cơ sở từ thiện theo đúng quy định của Pháp luật trên địa bàn thành Phố,cũng là giúp các Chùa ni tránh được những dư luận không tốt về việc làm thiện nguyện và nghĩa cử tốt đẹp của các Ni trong công tác từ thiện, xã hội.
 
(2) Thiết nghĩ cũng cần lập ra một Quỹ từ thiện tư nhân dưới sự Bảo trợ của Nhà nước (Ví như Quỹ học bổng Sơn Kova của Tập đoàn Sơn Kova hiện nay do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng[1]) để có thể hỗ trợ một phần nào đó kinh phí nuôi dưỡng tại trại dưỡng lão hay trại trẻ mồ côi. Việc chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí mà các Ni tự vận động dựa vào tấm lòng của các nhà hảo tâm thì cuộc sống của các em và các cụ sẽ hết sức bấp bênh, việc học hành theo đó cũng không ổn định. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến giáo dục tâm lý cho các em tránh tình trạng các em luôn bất mãn về hoàn cảnh hoặc có ý ỷ lại vào tấm lòng từ bi của nhà Chùa, các nhà hảo tâm mà sống lêu lổng, buông thả. Ngoài ra để công tác xã hội, công tác giáo dục phổ thông cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được tốt, thiết nghĩ các ni cũng nên được trang bị kỹ năng, chuyên môn giáo dục các đối tượng đặc biệt.
 
(3) Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải có một định hướng chung về hoạt động từ thiện – xã hội. Xây dựng 1 quỹ chung của quốc gia, địa phương để khi cần, có ngay nguồn tài chính hỗ trợ cộng đồng. Ví như quỹ phòng chống cứu trợ bão lũ Phật giáo Việt Nam – Thành phố HCM/ Kiên Giang,.., Quỹ vì Trường Sa thương yêu, vì tuyến đầu của tổ quốc. (Quỹ này khác với quỹ từ thiện tư nhân dưới sự bảo trợ của nhà nước như bên trên chúng tôi đã gợi ý).  Rõ ràng rằng trong thời gian qua các tổ chức tôn giáo kể cả cá nhân nhà sư, ni sư đã nhận được không ít nguồn tài trợ từ bên ngoài, góp phần tăng thêm tiềm lực để các các ngôi chùa này thể hiện và khẳng định “bản chất nhân ái” của Phật giáo, đề cao vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội tuy nhiên vẫn thiếu những những hoạt động từ thiện xã hội mang tầm vóc và phạm vi lớn hơn.
(4) Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong công tác từ thiện xã hội, giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cần phát triển và làm phong phú thêm các hình thức từ thiện xã hội như mở thêm các văn phòng tiếp nhận trao quà từ thiện tại một số các cơ sở tôn giáo mà thuận lợi hơn hết là để cho Phân ban Ni giới phụ trách vấn đề này. Ngoài ra, cũng có thể xem xét lập thêm các cơ sở sản xuất để thu hút nguồn lao động địa phương đặc biệt là các hình thức hướng nghiệp cho con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi… Qua đó lan tỏa tinh thần từ thiện hướng nghiệp cho các em, không phải là lạm dụng lao động trẻ em - vốn ranh giới rất mong manh.
(5) Cũng cần có chiến lược phát triển lực lượng làm công tác từ thiện xã hội. Theo chúng tôi để giúp các trung tâm từ thiện xã hội Phật giáo, đặc biệt là những trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và các lớp học tình thương đạt hiệu quả cao hơn trong công tác tổ chức, giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành hội Phật giáo TP.HCM cần có sự liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín như Trường ĐHKHXH và NV Hà Nội; Trường ĐH KHXH và NV TP.HCM, …có đào tạo ngành Công tác xã hội để cùng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực từ thiện xã hội, chú trọng đến trang bị kỹ năng và kiến thức về phát triển cộng đồng.
(6) Cuối cùng không kém phần quan trọng, theo chúng tôi trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN tầm nhìn đến năm 2025 mà hầu hết các nước Đông Nam Á lục địa đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo (các nước này hầu như đều có Chùa Việt) và sự lan tỏa tinh thần bình đẳng giới hiện nay ở các quốc gia trong ASEAN thiết nghĩ ni giới Phật giáo Việt Nam nên tận dụng cơ hội này chủ động học tập, xây dựng mô hình quản lý, chuẩn bị cơ sở vật chất đủ điều kiện để đề xuất với Nhà nước cho phép làm thí điểm các mô hình liên kết đào tạo về giáo dục và y tế,…- là những thế mạnh của ni giới Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN.


Kết luận
        Qua hiện trạng đời sống và công tác xã hội, từ thiện của nữ Phật giáo tại TP.HCM, chúng ta có thể thấy rõ hơn về vai trò tích cực của ni giới Phật giáo Việt Nam nói chung, ni giới Phật giáo TP.HCM nói riêng, đặc biệt và nổi bật nhất là các hoạt động từ thiện - xã hội. 
 
        Gắn kết hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo với những vấn đề xã hội ở Việt Nam hiện nay là điều không đơn giản, đòi hỏi phải có sự quản lý, kết hợp giữa nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể kể cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các nhà chùa; giữa giáo hội Phật giáo Việt Nam với giáo hội Phật giáo các nước ASEAN. Là đạo của từ bi, của lòng nhân ái, với truyền thống đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam chắc chắn sẽ cùng nhà nước và toàn xã hội nỗ lực hơn nữa để tham gia giải quyết những vấn đề xã hội đang đặt ra, giúp xã hội ngày càng phát triển bền vững hướng đến giá trị cái đẹp Chân – Thiện – Mỹ. Công tác xã hội, từ thiện mà các ni và các Chùa do các ni chụ trì đã và đang thực hiện theo tinh thần cứu khổ cứu nạn của đức Phật là những đóng góp hết sức thiết thực cho xã hội hôm nay. Tuy nhiên cần thiết có những định hướng chiến lực mang tầm vĩ mô cũng như sự kết nối các ban, các nhóm từ thiện riêng lẻ về một đầu mối để hoạt động xã hội từ thiện của Phật giáo Việt Nam có thể đạt đượcthành quả hơn hơn nữa đóng góp cho sự phát triển chung của quốc gia – dân tộc hay nói cách khác: Các chương trình an sinh xã hội tầm cở của Phật giáo đem lại hiệu quả thiết thực và lâu bền cho các cơ sở từ thiện và các đối tượng được quan tâm chính là mong muốn của chúng tôi để Phật giáo sẽ tiếp tục tỏa sáng trong lòng dân tộc trên bước đường hội nhập và phát triển hiện nay./.


 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Trần Thị Vân Anh – Lê Ngọc Hùng, 2000, Phụ nữ, Giới và Phát triển, NXB Phụ nữ, tr 18 – 19
2. Tỳ - Khưu Giới Đức, 2014, “Phật giáo nguyên thủy với vấn đề xã hội hóa”, Phật giáo nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại, NXB Hồng Đức, tr 558
3. Ni sư Phước Giác, 2015, Vị tổ sư khai sinh Ni giới, đăng trên tạp chí Hoa Đàm số 20 tháng 5 – 2015, trang 30 -31)
4. Lê Văn Hảo, 2013, Tôn giáo nhìn từ thuyết chức năng trong tâm lý học tôn giáo và sức khỏe, trên trang: http://tamly.com.vn/home
5. T.Hải, Nhà chùa không có chức năng nhận nuôi và chăm sóc trẻ mồ côi, trên trang: http://phapluatxahoi.vn/phap-luat
6. Lê Tuấn Huy, 2010, Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta và ảnh hưởng của nó trong các thế kỷ 10  -14, trên trang: http://www.daophatngaynay.com/vn
7. Thích Nữ Huệ Liên, Sự đóng góp của Ni giới, một sứ mệnh có thể thực hiện, trên trang: http://thuvienhoasen.org
8. Nguyễn Văn Long, Phật giáo Việt Nam 30 năm thành lập và truyền thống Hộ quốc An dân, trên trang: http://btgcp.gov.vn
9. Nguyễn Thị Thanh Mai, Tư tưởng đạo đức Nho giáo và ảnh hưởng của nó ở nước ta hiện nay, trên trang: http://huc.edu.vn
10. Minh Nga, Đôi nét về Phật giáo và giáo hội Phật giáo Việt Nam, trên trang: http://btgcp.gov.vn
11. Thích Nữ Như Nguyệt, 2013, Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh, trên trang: http://nigioingaynay.com
12. Thích Nữ Hương Nhũ, 2013, Ni giới Việt Nam ngày nay, trên trang: http://quangduc.com
13. ĐĐ. Thích Pháp Như, 2014, “Phật giáo và mục tiêu giáo dục công bằng xã hội trong kinh điển nguyên thủy”, Phật giáo nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại, NXB Hồng Đức, tr 53 – 54
14. HT. Thích Trí Quảng, Vai trò của nữ tu Phật giáo trong thời Bắc thuộc, trên trang: http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien
15. HT. Thích Trí Quảng, Vai trò của Ni giới Việt Nam trong xã hội hiện nay, trên trang: http://giacngo.vn
16. Phạm Huy Thông, Tình hình tôn giáo và những yêu cầu đặt ra với công tác tôn giáo vận, trên trang: http://btgcp.gov.vn
17. HT. Thích Minh Thông, 2009, Bát Kỉnh Pháp, trên trang: http://giacngo.vn
18. Phương Võ, 2015, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới, trên trang: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te
19. TP. HCM: Phân ban ni giới tổ chức công tác phận sự, trên trang: http://www.phattuvietnam.net
20. Hội nghị tổng kết công tác phận sự năm 2014 phân ban Ni giới trung ương GHPGVN, trên trag: http://giaohoiphatgiaovietnam.vn
21. Báo cáo tổng hợp công tác phận sự phân ban Ni giới TW năm 2015, trên trang: http://www.phattuvietnam.net
22. Hoa đàm - ấn phẩm của nữ giới Phật giáo Việt Nam, trên trang: http://phatgiao.org.vn
23. Nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề: Những hành vi trái luật gắn mác “từ thiện”, Trên trang: http://www.baomoi.com
24. Nhóm PV thời sự Nld, Vụ nuôi trẻ mồ côi Tiên Phước 2: “Sư cô” Vân xin lập cơ sở mới, Trên trang: http://chuaphuclam.vn
25. Thông tin chung về Giải thưởng KOVA, http://www.kovapaint.com/vn/tin-tuc.
 
 
[1]Năm 2002, Uỷ ban Giải thưởng KOVA được thành lập căn cứ công văn số 2238/VPCP ngày 29/4/2002 của Văn phòng Chính phủ do Bà Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam làm Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA và PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA làm Giám đốc Qũy giải thưởng KOVA. Các thành viên trong Uỷ ban giải thưởng hàng năm đều là Thứ trưởng thuộc các Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Hội liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Đại biểu Quốc Hội và đại biểu quốc tế,.. Năm 2012, tại buổi lễ trao giải thưởng thường niên và cũng là lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Giải thưởng KOVA, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA Nguyễn Thị Bình đã chuyển giao vị trí Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA cho Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. [25]

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.447-455.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay752
  • Tháng hiện tại50,456
  • Tổng lượt truy cập736,820
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây