PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI CÔNG VIỆC TỪ THIỆN

Thứ năm - 09/06/2022 22:42
GS.TS Nguyễn Hùng Hậu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI CÔNG VIỆC TỪ THIỆN


1. Phật giáo Việt Nam với công việc từ thiện - cơ sở lý luận
     Phật giáo, ngay khi mới ra đời, đã thể hiện tinh thần cứu khổ cứu nạn chúng sanh. Trong Lục độ của nhà Phật thì độ đầu tiên là thực hành bố thí. Theo Phật giáo, con người cần có lòng từ, bi, hỉ, xả (Tứ vô lượng tâm), đây là nhân tố chủ yếu giúp phát triển tâm từ bi, hạnh cứu khổ, đưa đến việc định hướng cho mọi hoạt động của Phật giáo là vì chúng sinh, đặc biệt là vì con người. Đức Phật khuyên con người có tinh thần vô ngã, vị tha, hành thiện, yêu thương đồng loại. Hành thiện là bước đầu để đưa con người đến giải thoát. Tư tưởng trung tâm của Phật giáo là làm điều thiện, tránh làm điều ác. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, thường xuyên bị chiến tranh tàn phá. Do vậy, đời sống con người phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thường xuyên gồng mình chống chọi với sự tàn phá của thiên tai, sự xâm lược của nhiều thế lực ngoại bang. Nên khi vào Việt Nam, tinh thần vì chúng sinh của Phật giáo nhanh chóng hòa quyện cùng những triết lý sống của người dân: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”,….Hay thậm chí là: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Sự tương đồng này là một trong những cơ sở quan trọng, là cơ duyên để Phật giáo tồn tại, phát triển, đồng hành cùng với dân tộc qua những thăng trầm của lịch sử. Hoạt động từ thiện không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của tín đồ Phật giáo mà còn là một biểu hiện quan trọng chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Ở đây, chức năng này của tôn giáo không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ con người bằng các liệu pháp tinh thần, mà còn biểu hiện thông qua những hành động mang tính thực tiễn, nổi bật là sự hỗ trợ vật chất trong hoạt động hành đạo, góp phần trong công tác an sinh xã hội. Phật giáo, một tổ chức xã hội lớn và có uy tín ở Việt Nam, trước nay đã cung cấp cho xã hội một nguồn vốn quan trọng, đồng hành cùng Nhà nước và các tổ chức khác trong các hoạt động từ thiện để hỗ trợ người dân, góp phần quan trọng trong công tác an sinh xã hội; bởi lẽ không phải tất cả mọi công việc của xã hội, Nhà nước đều có thể đảm đương gánh vác.
      Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã tham gia tích cực vào công tác từ thiện như không chỉ chữa bệnh về tinh thần, mà còn chữa bệnh về thể xác thể hiện ở việc bốc thuốc không lấy tiền của các nhà sư; làm đường, sửa cầu; dạy học; giúp đỡ những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa; tham gia chống thiên tai như hạn hán, lũ lụt; thậm chí còn cởi áo cà sa khoác chiến bào, cùng toàn dân ra trận chống quân xâm lược bảo vệ non sông đất nước.
      Về mặt lý luận, điểm đặc biệt đáng lưu ý nhất của Phật giáo Việt Nam là đã đưa ra được một con đường mới đi đến giác ngộ bằng hành động thực tiễn hàng ngày của các vị tu hành.
     Như chúng ta đã biết, cái đẹp đẽ cao cả, cái quí hiếm không phải nằm ở đâu xa, không phải trú ngụ trong vương quốc mây mù trừu tượng, mà nó nằm ngay trong thế giới ô trọc bụi bặm này. Nói theo danh từ triết học thì cái tuyệt đối nằm trong cái tương đối, cái tương đối chứa đựng cái tuyệt đối. Chân Như, Niết Bàn, Bồ đè, Chân tâm, Phật không phải ở đâu xa mà ngay trước mắt (''xúc mục''), trong tâm mỗi người. Tư tưởng này không có gì mới so với Thiền tông Trung Quốc.
      Niết bàn nằm trong thế giới trần tục, vậy con người trần tục muốn đạt đến cái nằm trong thế giới trần tục (Niết Bàn), tốt nhất nên bằng con đường trần tục như giã gạo, bổ củi, gánh nước, quét dọn...
      Đây là một tư tưởng quan trọng cho việc tu hành. Biển rộng mênh mông bao la bát ngát, nơi bao chứa tất cả các dòng sông dù trong hay đục. Trong cuộc sống, ai hướng thiện, hướng tới cái tâm bao la bát ngát như biển cả thì người đó tiến dần đến giải thoát. Tư tưởng này được Quốc sư Trúc Lâm làm rõ hơn khi khuyên vua đồng thời cũng là một vị Phật tử - Trần Thái Tông: ''Dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm'' (Lấy muốn của thiên hạ làm muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình). Đó cũng là tư tưởng ''Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm''. Theo tư tưởng này, con người hướng thiện bằng việc phục vụ nhân sinh, nhân quần xã hội, và trong quá trình đó tâm con người mở rộng, khai mở dần dần bao chứa tâm nhiều người từ hẹp đến rộng, từ nông đến sâu, từ gia đình, xóm, làng, xã, huyện, tỉnh đến quốc gia và thiên hạ. Càng trải rộng bao nhiêu thì càng đi dần đến giác ngộ bấy nhiêu. Như vậy, Phật giáo Việt Nam vạch ra một con đường mới đi đến giác ngộ, hoàn toàn khác với Phật giáo Ấn Trung. Đó là con đường đi đến giác ngộ bằng cứu dân độ thế, và trên đường này tâm con người ngày càng khai mở bao trùm thiên hạ, muôn loài, vạn pháp, tức đạt đến tâm Phật. Điều này được Tuệ Trung Thượng Sỹ - ngôi sao sáng chói trên nền trời Thiền học Việt Nam - nói khá rõ:''Tâm của muôn loài tức Phật tâm'' (Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm). Đi đến giác ngộ bằng cách như vậy, Phật giáo Việt Nam đã mang trong mình tinh thần yêu nước. Không thể nói yêu nước thương dân mà lại không lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. Ngược lại, đã là người yêu nước chân chính thì phải lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. ''Lấy'' ở đây không phải là cái lấy chung chung trừu tượng ở trong tâm, mà phải bằng hành động thiết thực cụ thể. Chính quan điểm này đã dẫn Phật giáo Việt Nam đến chủ nghĩa yêu nước chân chính.
       Mặt khác, đạt đến tâm vạn pháp cũng có nghĩa là hiều và nắm được cái trung tâm cốt lõi, qui luật của vạn vật. Nắm được qui luật thì mới sống độc lập, tự do, tự tại được, vì tự do là nắm được tất yếu. Ở đây ''Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm'' tức là lấy tâm của chúng sinh làm tâm của mình, thay cái tâm cá nhân ích kỷ của mình bằng cái tâm đồng loại. Nếu vô tâm là trút bỏ cái tâm nhỏ bé của mình thành cái tâm bao la của muôn loài, thì đây thực sự là quá trình vô tâm. Vô tâm là tâm tất cả. Mà tâm tất cả lại là vô tâm. Biện chứng ở đây là như vậy. Cũng giống như không có gì lại là có tất cả và có tất cả lại là không có gì. Sức mạnh của chữ ''vô'', ''không'', ''hư'' của nhà Phật là ở chỗ đó.
       Ở đây, phải chăng đóng góp của Phật giáo Việt Nam là đã tìm ra một con đường mới vừa tương đối cụ thể, thiết thực, rõ ràng, vừa tương đối ngắn, dễ đi đến giác ngộ? Lịch sử Phật giáo từ trước tới nay theo một khía cạnh nào đó có thể nói là lịch sử ngày càng rút ngắn con đường đến Niết Bàn. Nếu xét ở góc độ này thì đóng góp của Phật giáo Việt Nam cho Phật giáo thế giới quả là không nhỏ. Hơn nữa trong Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông, khi đã giác ngộ thì con người hoàn toàn không bị trói buộc bởi bất cứ cái gì, mọi chấp thủ bị vỡ tung ra, họ tự do, tự tại, vô tâm, vô ngại, vô bố uý, không chú tâm, không thiên chấp, do đó không còn tạo nghiệp. Nói một cách hình ảnh, có thể ví mọi hành vi, suy nghĩ, cử chỉ, lời nói của họ giống như gieo một hạt điếc, nó không còn nảy mầm, sinh tử luân hồi nữa.
      Tùy nghi, tùy thời, nhậm vận, đó là hành động của những người đã giác ngộ ở một đất nước mà mọi người đều bận rộn, hăm hở, hăng hái chống giặc cứu nước, nếu cứ ôm khư khư những giáo lý nhà Phật, đóng kín cửa chùa, thì thật chẳng hợp thời đúng lúc chút nào. Đi sâu một chút ta thấy Phật là Thiện. Trong Thiện có nhiều mức độ, có thiện lớn, thiện nhỏ, thiện vĩ đại như đức Phật, từ bỏ ngai vàng đi tìm con đường cứu chúng sinh ra khỏi sông mê biển khổ. Thiện nhỏ như làm một điều tốt lành nho nhỏ, chẳng hạn cho người khốn khó đồng tiền bát gạo. Người Phật tử Việt Nam luôn nhìn ra và làm theo những cái thiện lớn, khi đứng giữa ngã ba đường cần phải lựa chọn, dù có phải vi phạm giới luật. Chấp vào những giới luật để làm những điều thiện nhỏ mà bỏ qua những cái thiện lớn thì chẳng khác nào như ''ngu trung'', ''ngu hiếu'' trong Nho giáo vậy. Những người này, theo Khổng Tử, mới có khả năng thích nghi với đạo lý mà chưa có khả năng quyền biến. Ở đây muốn hợp thời đúng lúc, muốn theo đức lớn phải học tập Thượng Sỹ là không trái với người đời, trộn lẫn cùng thế tục, phải đứng trong hàng ngũ dân tộc, cầm gươm lên ngựa đánh đuổi quân xâm lược. Đó chính là tuỳ nghi, quyền biến. Theo Lão Tử, cái đức cao nhất là bất đức, cho nên có đức, cái đức thấp nhất là không thất đức, cho nên vô đức. Đã giác ngộ thì mọi hành động, cử chỉ, suy nghĩ đều là Thiền. Và ở đây đánh giặc cứu nước cũng là Thiền.
       Thời Lý - Trần là thời kỳ mà đạo Phật là quốc giáo, nhưng cũng là thời kỳ vẻ vang oanh liệt nhất trong lịch sử. Thiện lớn, đức lớn, hợp thời, đúng lúc, tuỳ nghi lúc này là phải cứu dân tộc, quê hương, đất nước khỏi cái thảm hoạ của nạn ngoại xâm. Vì cái thiện lớn, đức lớn đó mà các Phật tử sẵn sàng cầm gươm lên ngựa, sẵn sàng vi phạm giới luật (cấm sát sinh), giết một người để cứu muôn người. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, những người Phật tử không thể giáo điều máy móc ôm khư khư giới luật là không được giết hại chúng sinh trong đó có cả kẻ thù, quân xâm lược đang tàn sát đồng bào. Không thể vì một điều thiện nhỏ cho cá nhân mà quên điều thiện lớn cho dân tộc. Như vậy, ở đây phá giới là theo tinh thần phá chấp. Thiền tông Việt Nam có tinh thần thương người, cứu người, đặc biệt cứu con người là trên hết. Chả thế mà Phật giáo Việt Nam có câu:
 
Dù xây chín cấp phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
 
      Cứu một con người còn hơn cả xây chín cấp phù đồ. Bởi vậy, việc cứu cả một dân tộc, đất nước, cứu muôn dân trăm họ là công việc khẩn thiết cấp bách hơn cả, dù có phải vi phạm giới luật. Chính vì vậy mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sư Thiện Chiếu đã viết đôi câu đối lên trước cửa chùa Linh Sơn, nơi ông làm giáo thụ:
 
''Phật giáo thị nhập thế nhi phi yếm thế
Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh''
(Đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế
Từ bi là sát sinh để cứu độ chúng sinh)
 
       Quan niệm từ bi của Thiện Chiếu nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung là hoàn toàn khác so với Phật giáo Ấn Trung. Phải chăng đó cũng là điểm độc đáo đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, một cống hiến mới vào kho tàng Phật giáo thế giới? Nếu quả như vậy thì cống hiến này, một mặt là do tinh thần sáng tạo của người Việt Nam tạo nên, mặt khác, có lẽ nó được qui định bởi hoàn cảnh địa lý, kinh tế, chính trị của đất nước này. Tục ngữ ta có câu ''cái khó bó cái khôn'' hay" cái khó ló cái khôn'' là như vậy. Năm 1925-1926, thực dân Pháp bắt một số nhà sư đi biểu tình và chất vấn: ''Ai xui thầy chùa đi biểu tình ?'' Sư Thiện Chiếu đã trả lời trên báo: ''Thuyết từ bi cứu khổ của Phật tổ xui Phật tử tham gia những hoạt động yêu nước thương dân chứ không ai xui cả''. Chính khai mở tâm đi dần đến giác ngộ bằng con đường tham gia tích cực vào việc cứu đời kể cả sát sinh mà Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc chống ngoại xâm giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước. Lịch sử ''chống địch hoạ'' của dân tộc Việt Nam cho đến nay đã chứng minh điều đó. Âu đó cũng là lẽ thường tình bởi vì phương châm của nhà Phật là ''Lợi lạc quần sinh vô ngã vị tha''. Thiền tông Việt Nam còn đi xa hơn: ''Lợi lạc quần sinh vô tâm vị tâm''. Bác Hồ, trong thư gởi Giáo hội Phật giáo Việt Nam có viết: ''Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu: kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ vững thống nhất và độc lập Tổ quốc. Thế là chúng ta đã làm theo lòng đại từ bi của đức Phật Thích Ca kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ''.Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, đi theo truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư trên con đường giác ngộ Phật giáo đã giác ngộ cách mạng, nhiều nhà tu hành giúp đỡ và đi theo kháng chiến, họ bị tù đày thậm chí hy sinh anh dũng, nhiều chùa đã trở thành cơ sở cách mạng. Đỉnh cao của phong trào làm theo lòng đại từ đại  bi của đức Phật Thích Ca là kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ, năm 1945, tất cả các Phật tử ở các chùa thuộc dãy Yên Tử đã tham gia khởi nghĩa chống Nhật. Sau cách mạng tháng 8, một đơn vị quân đội gồm toàn tăng ni đã thành lập ở Đông Triều theo trung tướng Nguyễn Bình vào Nam chiến đấu. Họ anh dũng chiến đấu và hi sinh nhiều ở chiến trường Nam Bộ.

2. Những biểu hiện cụ thể của công việc từ thiện hiện nay

      Đứng trước địch họa, Phật giáo Việt Nam đã hành xử như vậy. Còn trong hòa bình Phật giáo Việt Nam không chỉ bày cách hướng con người đến điều thiện; mà còn trực tiếp tham gia tích cực trong việc làm từ thiện. Đó là truyền thống của Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập cho đến nay, và cũng thể hiện bản chất của Phật giáo. Hiện nay, công tác từ thiện của Phật giáo được thể hiện tương đối phong phú trên một số mặt sau:

1) Hệ thống khám chữa bệnh (bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám)

       Phật giáo có hệ thống Tuệ Tĩnh Đường. Kế thừa và phát huy truyền thống của Đại lương y Thiền sư Tuệ Tĩnh, thực hiện chủ trương của Trung ương GHPG Việt Nam, hệ thống Tuệ Tĩnh Đường được thành lập khắp cả nước nhằm "phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật". Tuệ Tĩnh Đường khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào bằng phương pháp y học dân tộc và y học hiện đại. Theo số liệu của Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN, nhiệm kỳ III của Giáo hội, toàn quốc có 25 Tuệ Tĩnh Đường, 655 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả đã khám và phát thuốc trị giá trên 9 tỷ đồng. Nổi bật nhất là lớp học Y học cổ truyền của Thành hội Phật giáo Tp.Hà Nội, các Tuệ Tĩnh Đường chùa Pháp Hoa, tịnh xá Trung Tâm Tp.HCM, chùa Diệu Đế - Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau, Pháp Hoa - Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng… . nhiệm kỳ IV, toàn quốc có 126 Tuệ Tĩnh Đường, 115 phòng thuốc chẩn trị y học đã khám, chữa bệnh và phát thuốc với tổng trị giá trên 9 tỷ đồng. Nhiệm kỳ V, trên toàn quốc, số lượng Tuệ Tĩnh Đường và các phòng thuốc không thay đổi nhưng tổng trị giá khám, chữa bệnh và phát thuốc lên tới 35 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống Tuệ Tĩnh Đường tỉnh Đồng Nai đạt 11.921.956.000 đồng; Tp.HCM đạt trên 6 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế đạt 3.852.337.920 đồng. Phòng khám chữa bệnh đa phần là phòng khám đông y. Một số là phòng khám đông tây y kết hợp.Ban Từ thiện Xã hội T.Ư thuộc GHPGVN đã đào tạo 250 tăng ni có trình độ Sơ cấp y tế và 98 Lương y Tuệ Tĩnh đường để tăng cường hiệu quả hoạt động về y tế nhằm chia sẻ gánh nặng cho xã hội và nhân dân trên tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật. Hoạt động y tế qua  hệ thống các phòng thuốc nam phước thiện của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (TĐCSPGVN) là hoạt động quan trọng nhất và cũng là hoạt động từ thiện xã hội chủ yếu. Trong tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, hệ thống phòng thuốc nam phước thiện của TĐCSPGVN đã góp phần chia sẻ gánh nặng về khám chữa bệnh cho xã hội và Nhà nước. Các phòng thuốc nam phước thiện của TĐCSPHVN ngày càng được bà con tín nhiệm hơn. Hoạt động thuốc nam của TĐCSPHVN bắt nguồn từ quan niệm: tu hành chân chính, muốn thành chánh quả phải có Phước túc – Huệ túc, phải tịnh đủ tam nghiệp, ý tu, ý hành thì ý tịnh; khẩu tu khẩu hành thì khẩu tịnh; thân tu thân hành thì thân tịnh. Con người có hai phần quan trọng như nhau là Tâm và Thân, cho nên đối với người bệnh, trước hết không phải đem Phật pháp đến với họ, mà phải đem đến cho họ những phương thuốc thần diệu của một nền y đạo thật sự để xoa bớt nỗi đau thể xác, loại trừ căn bệnh rồi dần dần hướng họ tu hành theo Phật pháp. Với tôn chỉ Phước huệ song tu, người Tịnh độ “tu phước” chủ yếu là dùng y đạo (nam dược)  để chữa bệnh cho người, là kết quả của điều lành, những việc phước thiện, giúp đỡ người đời bớt khổ thêm vui. như thế là thực hiện đúng hướng chủ nghĩa từ bi của đức Phật, mục đích là đưa con người trở về gốc lành của bản tánh, góp phần xương minh và phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam. Phương tiện tu phước chủ yếu là các phòng thuốc nam phước thiện bên cạnh nơi thờ tự và tu học. Từ Cà Mau đến Nha Trang, hiện TĐCSPHVN có 206 hội quán và cũng là 206 phòng thuốc nam phước thiện. Để các phòng thuốc nam hoạt động hiệu quả và đạt chất lượng tốt, TĐCSPHVN luôn quan tâm tới việc đào tạo các y bác sĩ có trình độ. Giáo hội hiện có 3 trung tâm đào tạo nhân lực cho các phòng thuốc nam tại Tp.HCM, Long An và Cà Mau. Giáo hội luôn động viên các em y sĩ y sinh nên trau dồi thêm văn hóa, thi vào các trường trung cấp y dược các tỉnh để sau này có đủ điều kiện xin mở phòng thuốc cho giáo hội theo điều kiện của bộ, Sở Y tế. Theo báo cáo của Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Việt Nam, hiện công giáo có 100 trạm xá, phòng phát thuốc, bệnh viện. 25 cơ sở cho người mắc bệnh phong.

2) Hệ thống nhà dưỡng lão

      Chăm lo cho người già đặc biệt là những người già cô đơn không nơi nương tựa là một trong những hoạt động từ thiện xã hội quan trọng của các Giáo hội. Đây là một vấn đề nhức nhối trong các xã hội hiện đại khi tuổi thọ trung bình ngày càng được nâng cao. Nhiều nước trên thế giới, hệ thống nhà dưỡng lão của nhà nước và tư nhân rất phát triển đáp ứng nhu cầu thời đại. Ở Việt Nam hệ thống các nhà dưỡng lão gần như không phát huy được vai trò của mình đáp ứng nhu cầu người già. Trước nhu cầu xã hội ngày một tăng cao, hệ thống nhà dưỡng lão của các tôn giáo đã kịp thời đáp ứng yêu cầu xã hội. Hệ thống này đã góp phần giảm bớt gánh nặng xã hội cho nhà nước. Về Phật giáo, hiện toàn quốc có trên 20 cơ sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già. Tại Tp.HCM có các nhà dưỡng lão thuộc các chùa Pháp Quang, Pháp Lâm, quận 8; Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp; Diệu Pháp, Q.Bình Thạnh; Hoằng Pháp huyện Hóc môn… nuôi dưỡng trên 500 cụ. Thừa Thiên - Huế có nhà dưỡng lão Tịnh Đức (60 cụ); Diệu Viên (25 cụ)… Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và người cao tuổi cô đơn Bồ Đề tỉnh Bình Dương vừa thành lập và đang đi vào hoạt động.  một số chùa tuy không thành lập nhà dưỡng lão nhưng vẫn đón nhận, chăm sóc các cụ già có nhu cầu nương thân cửa Phật như chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội.

3) Cơ sở dạy nghề

      Để có cuộc sống ổn định về vật chất, một số tôn giáo đã có chỉ đạo tổ chức các lớp đạo tào nghề. Về Phật giáo, BTS tỉnh, thành hội đã tổ chức nhiều trường, lớp dạy nghề miễn phí cho con em GĐPT, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật. Hiện có khoảng 10 trường dạy nghề trên toàn quốc gồm các nghề may, điện gia dụng, tin học, sửa xe, cắt tóc… Tiêu biểu, cơ sở tại chùa Tây Linh, Huế do Ni sư Thích nữ như minh đảm trách và cơ sở tại chùa Long Thọ, Huế do Ni sư Thích nữ Minh Tánh đảm trách. Mỗi năm có hai khoá học, mỗi khoá học 6 tháng, mỗi khoá có từ 130 - 160 em. Tính từ ngày thành lập đến nay, hai cơ sở này đã có gần 1.000 em theo học với các nghề thêu, đan, may, vi tính văn phòng. Sau khi tốt nghiệp, tuỳ theo nghề các em được giới thiệu làm việc tại các công ty may ở Tp.HCM, dệt Thuỷ Dương, xí nghiệp thêu ở Huế hoặc nhận hàng làm gia công tại nhà. Tại chùa Kỳ Quang II, Q.Gò Vấp, Tp.HCM, cơ sở từ thiện xã hội chùa Kỳ Quang có hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề. Theo báo cáo tổng kết năm 2008, ngày 27/6/2008, cơ sở đã tổ chức lễ tốt nghiệp khóa III (2006-2008) lớp dạy nghề massage - bấm huyệt theo kỹ thuật Nhật Bản cho các học viên khiếm thị. Trong dịp hè, cơ sở kết hợp với Viện Y Dược học tổ chức lớp dạy massage bấm huyệt sơ cấp cho các em khiếm thị. Đây là khóa học thứ 6 mà cơ sở đã tổ chức cho các em. Số lượng học viên đăng ký tham gia học tập là 60 em, bao gồm các học viên tại cơ sở và một số học viên ở các tỉnh thành lân cận.

4) Các lớp mẫu giáo, lớp học tình thương

      Lớp mẫu giáo tình thương góp phần chung tay giải quyết gánh nặng xã hội cho nhà nước trong việc đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ. Hiện các cơ sở của nhà nước đứng trước thực trạng chưa đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. một bộ phận người nghèo, trẻ mồ côi nhờ những lớp học này được cắp sách đến trường. Đây cũng là một hình thức áp dụng giáo lý Phật giáo vào giải quyết vấn đề xã hội. Về Phật giáo, thống kê chưa được chính xác nhưng tính đến năm 1997, cả nước có 196 lớp học tình thương, 116 cơ sở nuôi trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi và khuyết tật với trên 6000 em.  Đến năm 2002, số lớp học tình thương đã tăng lên 1.500 lớp. cả nước hiện có trên 1.000 lớp học tình thương với trên 20 000 em. Tuy nhiên, lực lượng giáo viên chuyên môn do tăng, ni, phật tử đảm trách còn hạn chế. Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN đã tổ chức khóa bồi dưỡng nuôi dạy trẻ cho 92 tăng ni, phật tử học viên. Trong tình hình đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, các gia đình nghèo có con em đến độ tuổi đến trường nhưng không đủ kinh phí cho các em theo học tại các trường công lập và tư thục thì các lớp học tình thương là sự lựa chọn phù hợp của các bậc phụ huynh. Chùa Kỳ Quang 2, Q.Gò Vấp, Tp.HCM là một địa chỉ nhiều năm nay tổ chức các lớp học tình thương cho các cháu. Trong năm 2008-2009 chùa tiếp tục duy trì hoạt động và mở được 06 lớp học cấp I với tổng số 119 học sinh. Trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 212 lớp, gồm 6.107 cháu đang theo học với 336 giáo viên và 74 nhân viên đảm trách trong đó có 155 lớp gồm 4.422 cháu bán trú. Ở Tp.Huế có một số trường có cơ sở trường lớp khang trang, bề thế như trường mầm non Quảng Tế, trường mầm non Phước Vân, trường mầm non Hồng Đức, trường mầm non Diệu Đế, trường mầm non Ngự  Bình, trường mầm non Phò Quang, trường mầm non Diệu Nghiêm. Trong số này, có các trường được Phòng Giáo dục, UBND thành phố Huế khen thưởng “Trường tiên tiến“ như trường mầm non Quảng Tế, trường mầm non Phước Vân.

5) Trung tâm tư vấn, nuôi dưỡng người nhiễm HIV/AIDS

       Với tinh thần nhập thế, Phật giáo tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Góp phần cùng toàn nhân loại ngăn chặn bệnh dịch thế kỷ HIV/AIDS và xoa dịu nỗi đau của những người không may bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này, PGVN thành lập nhiều cơ sở nuôi người nhiễm HIV/AIDS cũng như thành lập các trung tâm tư vấn HIV/AIDS. Tại Hà Nội, chùa Pháp Vân, Q.Hoàng Mai, chùa Bồ Đề, Q.Gia Lâm là những trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Trung tâm tư vấn HIV Hương Sen của ĐĐ.Thích Thanh Huân chùa Pháp Vân, Q.Hoàng Mai là một trong những trung tâm tư vấn và nuôi dưỡng người nhiễm HIV sớm nhất tại các chùa. Chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội, do sư Thích Đàm Lan, hiện là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu nhỏ bị nhiễm HIV/AIDS. Học viện PGVN tại Tp.Hồ Chí Minh là một trong những địa chỉ trung tâm tư vấn HIV/AIDS có nhiều nội dung hoạt động với hiệu quả cao. Đây là mô hình của một trung tâm tư vấn HIV/AIDS có nguồn tài trợ từ nước ngoài. Hoạt động chính của Trung tâm là tư vấn đối với người nhiễm HIV/AIDS và cộng đồng để giúp người bị nhiễm bệnh hiểu được căn bệnh của mình giúp họ hòa nhập cộng đồng. Về phía cộng đồng, hoạt động tư vấn truyền thông của Trung tâm nhằm chống lại sự kỳ thị đối với người bị nhiễm HIV/AIDS của các thành viên trong cộng đồng.

6) Các hoạt động cứu trợ khác

      Bằng tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, BTS các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và tăng ni phật tử các nước dưới sự chỉ đạo của Giáo hội đã nỗ lực vận động tài chính, vật phẩm cứu trợ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ nuôi dưỡng bà mẹ Việt nam anh hùng, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, xây dựng đường xá, bắc cầu; hưởng ứng các phong trào đền ơn đáp nghĩa như mở trường học, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ các chiến sĩ biên phòng, hải đảo, thăm hỏi và động viên hỗ trợ các thương binh, bệnh binh, bệnh nhân nghèo khó tại các bệnh viện, trại phong, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, ủng hộ quỹ bảo thọ, trợ cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Theo Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Trung ương, “qua 27 năm, công tác từ thiện của Giáo hội đã thực hiện hơn 950 tỷ đồng, riêng năm 2006 xây 295 nhà đại đoàn kết, tặng 24.500kg gạo, mổ mắt 8.400 ca, xây 15 cầu, tặng 254 xe lăn, 57 xe lắc cho người tàn tật, đào 163 giếng nước… với tổng giá trị là 141 tỷ 640 triệu đồng.”

3. Một vài kiến nghị về hành lang pháp lý

1) Đối với Giáo hội
      Các Giáo hội tỉnh cần tổ chức tổng kết, đánh giá về công tác từ thiện xã hội của giáo hội trong vòng 5 năm trở lại đây, qua đó nêu lên những mặt làm được và những mặt chưa làm được. Theo đó, trong phương hướng hoạt động, Giáo hội cần xem xét và chấn chỉnh lại các mặt về công tác lãnh đạo - tổ chức thực hiện, nội dung hoạt động từ thiện xã hội, cụ thể:
- Việc tiếp nhận các nguồn tiền, hàng do các cá nhân, tổ chức tài trợ không nên để bị phân tán mà cần tập trung về một đầu mối.
- Những  chương trình từ thiện xã hội như cứu tế  an sinh tuy là cần thiết nhưng không nên đầu tư quá nhiều kinh phí cho chương trình mà nên chăng cần có những dự án có tính khoa học hơn, tập trung hơn, mang tính dài hơi hơn như dự án giúp dân xây dựng cầu đường, giếng nước, trường trạm, nhà cửa cho  người nghèo sẽ thiết thực và ý nghĩa lớn lao hơn, để lại được nhiều dấu ấn hơn.
- Đối với các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, đề nghị các cơ sở từ thiện xã hội của giáo hội  thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo của các ngành chức năng (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội…) để được hướng dẫn và giúp đỡ về mặt chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội theo đúng qui định của pháp luật.

2) Đối với Nhà nước:

- Tiếp tục nghiên cứu để có sự đổi mới hơn nữa các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với các hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đặc biệt là chủ trưong xã hội hóa giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội. Theo đó, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, cần cho phép các tổ chức, cá nhân Phật giáo thành lập bệnh viện, trạm xá, trường học, nhà nghỉ…
- Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, chính sách về vấn đề từ thiện xã hội của Phật giáo thành những văn bản qui phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo được hoạt động thuận lợi trong lĩnh vực từ thiện xã hội.

3) Đối với chính quyền và các ban ngành chức năng ở địa phương:

- Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các cơ sở từ thiện xã hội của giáo hội nhân các ngày lễ lớn như Phật đản, Thành đạo và tết cổ truyền dân tộc.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương và trung ương  cần mở chuyên mục, đưa tin về các hoạt động từ thiện xã hội, gương người tốt, việc tốt của các cá nhân, tổ chức Phật giáo.
- Chính quyền địa phương giúp đỡ và hướng dẫn cho các chức sắc, cá nhân Phật giáo trong việc thực hiện các chương trình cứu tế an sinh.
- Những nơi nào Phật giáo có nhu cầu giao đất để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác từ thiện xã hội, Nhà nước cần xem xét giao đất theo đúng trình tự và thủ tục qui định của pháp luật. Trong các yếu tố để xem xét, cần căn cứ tình hình thực tế của địa  phương,  nhu cầu của nhân dân trong các hoạt động giáo dục, y tế…
- Những người phụ trách Phật giáo địa phương phải là những người am hiểu Phật pháp.
- Các ngành chức năng (Giáo dục, Y tế, Lao động Thương binh Xã hội) thường xuyên tăng cường công tác Quản lý Nhà nước đối với các hoạt động từ thiện xã hội nhất là ở tại các cơ sở từ thiện xã hội của Phật giáo. Trong công tác quản lý cần có kế hoạch giúp đỡ và hướng dẫn các cơ sở này về các mặt: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, y bác sĩ; nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hùng Hậu. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1996
2. Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997
3. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 2002
4. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hóa phương Đông. Nxb. Đại học Sư phạm. Hà Nội 2004.
5. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương lịch sử triết học Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2010.

Tác giả: Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.96-108.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay888
  • Tháng hiện tại23,359
  • Tổng lượt truy cập1,157,767
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây