GIÁO DỤC TỰ VIỆN TRUYỀN THỐNG CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Chủ nhật - 22/05/2022 00:43
GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trường Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Ảnh Tự viện Phước Duyên, TP Huế. Nguồn: https://l.facebook.com/l.php?u=http%3A%2F%2Ftangkinhcachue.org
Ảnh Tự viện Phước Duyên, TP Huế. Nguồn: https://l.facebook.com/l.php?u=http%3A%2F%2Ftangkinhcachue.org



1. Đặt vấn đề
 
     Phật giáo du nhập và hiện tồn ở Việt Nam từ những năm đầu Công Nguyên. Trong quá trình truyền bá, phát triển, để có thể hoằng dương chính pháp của mình trong đời sống và tâm thức người Việt, Phật giáo buộc phải tìm ra phương thức, con đường giáo dục theo truyền thống đặc thù, phù hợp với văn hóa, xã hội và con người Việt Nam. Có nhiều phương thức giáo dục truyền thống của Phật giáo được vận dụng để hướng đạo, rèn đạo và tu tâm, tốt đời. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến phương thức giáo dục tự viện truyền thống, phổ biến của Phật giáo Việt Nam.

2. Giải quyết vấn đề

     Giáo dục Phật giáo là hình thức định hướng con đường tu học cho Tăng Ni, Phật tử trên nền tảng Giới - Định - Tuệ để đạt được đích đến là sự giác ngộ và giải thoát. Đó là một quá trình y cứ vào Tam Tạng kinh điển (Kinh, Luật và Luận) để tổ chức các hoạt động dạy và học, hoằng dương, truyền bá chính pháp đến người tín đồ Phật giáo, nhằm giúp cho họ có được những nhận thức đúng đắn về các giá trị sống, từ đó có những thay đổi về hành vi, nhận thức, ý thức, có những ứng xử phù hợp trong cuộc sống, hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ. Tăng trưởng các điều lành, làm cho thân tâm thanh tịnh và an tịnh, đồng thời loại bỏ các điều ác. Sống theo Tứ Vô Lượng Tâm “TỪ, BI, HỈ, XẢ”, giải thoát sinh tử, thành tựu Phật đạo như kinh Pháp Hoa dạy: “Đức Phật ra đời nhằm mục đích khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật chi kiến[1]. Hay Kinh Trung Bộ I dạy: “Này các Tỳ Kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ[2]. Theo những mục đích định hướng chung đó, trong quá trình truyền bà và phát triển của Phật giáo Việt Nam. Các Thiền sư Ấn Độ, Trung Quốc và thiền sư Việt Nam trong quá trình hoằng truyền Phật pháp đã không áp dụng ngay mô hình tự viện của Phật giáo Ấn Độ hay Phật giáo Trung Quốc mà xây dựng ở Việt Nam lối giáo dục theo truyền thống riêng, đó là truyền thống giáo dục tự viện mang đậm màu sắc sơn môn, pháp phái của Phật giáo vùng miền.
     Ở Việt Nam, một trong những ngôi chùa đầu tiên xuất hiện là chùa Dâu, vùng Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Cả, chùa Cổ Châu, chùa Diên Ứng. Ngôi chùa được xây dựng từ những năm đầu Công nguyên do các nhà sư Ấn Độ, theo các thương buôn đến Việt Nam truyền giáo, dừng chân ở Thuận Thành, Bắc Ninh và kiến lập Am Dâu. Ngôi từ Am và trong quá trình phát triển hình thành chùa, biến trung tâm Luy Lâu trở thành trung tâm Phật giáo đầu tiên ở Đông Nam Á. Theo “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang, trung tâm Phật giáo Luy Lâu có đến 500 vị Tăng ở, có trước cả trung tâm Lạc Dương và Bành Thành ở Trung Quốc[3]. Chùa Dâu cũng là ngôi tự viện đầu tiên và là nơi tiến hành các hoạt động giáo dục và đào tạo Phật giáo của Tăng sĩ, phật tử vùng Luy Lâu.
     Từ chùa Dâu, hình thành nên một hệ thống các chùa vùng Luy Lâu, đó là hệ thống chùa từ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện… Cùng với quá trình phát triển của Phật giáo từ trung tâm Luy Lâu lan tỏa ra các vùng khác theo lịch sử và các triều đại để hình thành nên các trung tâm Phật giáo Hoa Lư, trung tâm Phật giáo Thiên Trường, trung tâm Phật giáo Đại La - Thăng Long…. Các trung tâm Phật giáo được hình thành đều từ  hệ thống các chùa. Chùa được xây dựng trong khắp cả nước theo bước chân lan tỏa của Phật pháp từ thành thị đến nông thôn và trở thành hình ảnh không thể thiếu trong quần thể kiến trúc, lối sống làng xã Việt Nam. Các chùa này không chỉ là trung tâm Phật giáo mà đồng thời còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trường học và bệnh viện… Nhà sư vừa là thầy tu, vừa là thầy giáo, lại là thầy thuốc, chùa là cái nôi bảo tồn văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, khi nhận xét về vai trò của ngôi chùa trong thời kỳ Bắc thuộc, Nguyễn Đăng Thục cho rằng:
     “Thời Giao Châu đô hội phủ, các lò huấn dục nhân tài ắt phải ở tại các ngôi chùa Phật giáo cổ xưa, vốn thân cận với nhân dân bị trị, nơi quy tụ tín ngưỡng của nhân dân. Có thể khẳng định, suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc, tư tưởng văn hóa Phật giáo, vai trò của các ngôi chùa là cái nôi giữ gìn văn hóa làng xã, văn hóa Việt Nam kháng lại tư tưởng ngu dân đồng hóa của phong kiến phương Bắc[4].
     Phương thức giáo dục và đào tạo trong các chùa hay còn gọi là giáo dục và đào tạo tự viện của Phật giáo Việt Nam được hình thành với bản chất giáo dục theo hình thức “Thầy - Trò”. Trong đó, người Thầy sử dụng phương pháp “thị phạm” (Thân - khẩu - ý giáo), trên nền tảng tư tưởng Phật giáo để tác động đến người học trò nhằm giúp học trò, đệ tử, tín đồ của mình lĩnh hội, thực hành các phương pháp nghi lễ, tu tập, uy nghi, phép tắc, giới luật, đạo đức, nhân cách, ứng xử, tri thức… Phương thức giáo dục này luôn chỉ ra được tính mô phạm theo những khuôn mẫu, khuôn thước và chuẩn mực hướng tới hai mục tiêu cơ bản là tự giáo dục và tha giáo dục.
     “Tự giáo dục và tha giáo dục là điều quan trọng đối với Tăng Ni, Phật tử trong trường hợp này, người Thầy - Nhà sư trụ trì trong các chùa là người hướng dẫn và định hướng, tạo nên sắc thái riêng cho từng thiền gia, tùng lâm[5]. Người trụ trì cần phải là các bậc minh sư có trí học, đạo học uyên bác mới có thể hướng dẫn tứ chúng đạt đến mục đích chung của giáo dục và đào tạo Phật giáo. Điều này như Đại sư Trí Húc nhấn mạnh:
     “Không thể điều phục được mình mà đòi điều phục người; không thể tự độ mà đòi độ tha, mình chưa giải thoát mà muốn giải thoát cho người khác. Tất cả những việc này đều không có được[6].
     Nói như vậy, có nghĩa là đối với tự giáo dục, tha giáo dục luôn đề cao vai trò quan trọng, quyết định của bậc đạo sư. Thầy trụ trì các tự viện chính là người dẫn đường sáng suốt nhất cho đồ chúng tin theo. Do đó, khi người trụ trì, bậc đạo sư còn chưa thể tự giáo dục mình thì có nghĩa là cũng không thể thực hiện được sự tha giáo dục. Đức Phật có răn:
     “Có hạn Tỷ kheo không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu trí, mà độ người xuất gia, thụ giới. Họ không có khả năng dạy chúng ta thân, tu giới, tu tâm, tu trí. Đó là hạng người đáng sợ thứ nhất. Có hạng Tỷ kheo không tu thân, giới, tâm, trí mà cho người khác y chỉ. Họ nuôi Sa di không có khả năng dạy chúng ta tu thân, giới, tâm, trí. Đó là hạng người đáng sợ thứ hai[7].
      Bản thân người trụ trì, người Thầy trong mô hình giáo dục này đòi hỏi phải chuẩn tắc. Nếu không chuẩn tắc thì không thể thực hiện được sứ mệnh giáo dục và đào tạo đồ chúng nghe theo mình. Và theo giáo luật nhà Phật, khi một người Thầy không có tính mô phạm mà vẫn tiến hành giáo dục và đào tạo đồ chúng, đó là một trong những tội làm cho Phật pháp bị hoạt diệt. Luật Thập tụng chỉ ra rằng:
     “Một trong năm pháp khiến chính pháp hoại diệt là: không có khả năng khiến cho người lĩnh thụ, không có uy nghi cung kính, không có thuyết pháp, không có khả năng dạy dỗ như pháp[8].
     Người Thầy được xem là khuôn mẫu, vừa là tấm gương đồng thời cũng là mục tiêu để hướng sản phẩm giáo dục và đào tạo của mình theo. Do đó, nếu khuôn mẫu không phải mô phạm thì sản phẩm chắc chắn không thể có mô phạm. Không có thầy giỏi, ắt không có trò hay. Đức Phật vốn đã nhập Niết Bàn, giáo pháp vốn mênh mông, người mới sơ cơ vào đạo, thì vị trí người thầy sánh ngang vị trí của Phật. Bởi đó là đại diện cho Phật theo ba ngôi báu “Tam bảo” Phật - Pháp - Tăng.  Hay như những quy định về của “Thiền Lâm Bảo Huấn” chỉ rõ: “Cha nghiêm thời con kính. Quy huấn ở ngày nay là mô phạm cho ngày sau[9]. Thầy không là bậc mô phạm, học trì không đúng như pháp cũng là quy luật tất yếu.
     Bên cạnh tính mô phạm, phương thức giáo dục và đào tạo tự viện còn đề cao tính thị phạm. Đó là sự chỉ dạy, là sự thực hành. Bởi giáo dục và đào tạo tự viện chính là giáo dục thị phạm, là phương thức giáo dục mà người thầy vừa là khuôn mẫu, vừa là hình mẫu của đồ chúng. Nhưng yếu tố quan trọng tạo nên hình ảnh một người thầy, bậc tôn sư, người trụ trì thực hiện sứ mệnh giáo dục và đào tạo tự viện tốt đó là sự tôn nghiêm. Sự tôn nghiêm được xây dựng trên cơ sở tính mô phạm của người thầy về cách ứng xử, về uy nghi, hệ thống thanh quy thiền gia. Nếu tự viện không có tôn nghiêm, cũng không có phong khí thiền gia, thì ắt không có môi trường Phật pháp.
     Đích hướng đến của giáo dục và đào tạo tự viện chính là không chỉ chú trọng đào tạo những bậc tôn giả xuất gia mà còn đào tạo cả cư sĩ, phật tử trở thành những người có đầy đủ phạm hạnh, uy nghi, phép tắc, có tri thức Phật học, hình thành, định hướng phương pháp tu tập và lý tưởng giác ngộ.
     Giáo dục và đào tạo tự viện truyền thống của Phật giáo Việt Nam có vai trò quan trọng đối với định hướng niềm tin, có ảnh hưởng lớn đến lối sống, đạo đức, văn hóa, ứng xử của người Phật tử trong đời sống cá nhân và xã hội. Cũng giống như giáo dục trong gia đình, giáo dục và đào tạo tự viện chính là quá trình trang bị những kiến thức nền tảng cho đồ chúng con đường tu tập, là sự định hướng uy nghi, phép tắc nhà Phật, các thời khóa tụng niệm, hành trì và giáo lý Phật pháp cơ bản. Đó là quá trình gieo trồng đức hạnh, vun bồi đạo hạnh, hoàn thiện nhân cách lối sống, tư duy và suy nghĩ cho mỗi tín đồ Phật tử, xây dựng một cộng đồng văn minh tốt đẹp.
     Tuy nhiên, đối với các tự viện của Phật giáo Việt Nam hiện nay, mỗi tự viện có những phương thức sinh hoạt, giáo dục và đào tạo riêng. Thông thường hai đối tượng giáo dục và đào tạo trong các tự viện hướng tới bên cạnh tầng lớp sơ cơ xuất gia thì đối tượng phổ biến và rộng rãi hơn cả vẫn chính là các phật tử. Các phật tử được sinh hoạt dưới hình thức tu tập hội đoàn, theo từng địa bàn cư trú hành chính. Đặc biệt, có những tự viện thành lập các đạo tràng tu tập dưới sự hướng dẫn của các bậc đạo sự trụ trì từng tự viện. Do đo, bên cạnh những thuận lợi, giá trị và vai trò của hình thức giáo dục và đào tạo tự viện truyền thống mang lại, vẫn còn có không ít những khó khăn và bất cập đối với  phương thức này. Có thể nêu lên một vài những tồn tại chính yếu như:
     Sự phân hóa về mức độ giáo dục và đạo tạo tự viện truyền thống của Phật giáo Việt Nam hiện nay không đồng đều, bởi sự phân hóa về trình độ, đạo hạnh của tầng lớp Tăng, Ni, những người trụ trì của các tự viện khác nhau.
     Những khác biệt về chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo trong tự viện chưa có tính thống nhất, nhất quán về các nội dung hoạt động. Yếu tố này cho thấy tính cá nhân và tính tự chủ, tự quyết của người đứng đầu tự viện là bậc trụ trì của chùa.
     Cá biệt, có những ngôi tự viện, người đứng đầu chỉ thuần túy về vấn đề lễ nghi, chủ yếu chú trọng đến việc cúng bái, lễ lạy, chịu tác động không nhỏ bởi cơ chế thị trường, do đó chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo hướng tự viện do mình đảm nhiệm trụ trì theo một nếp sống thiền gia, quy củ, do vậy, người tín đồ sinh hoạt trong những tự viện này cũng không có những phương hướng và mục đích rõ ràng…
     Phương thức giáo dục tự viện truyền thống giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn luôn có sự khác biệt. Thành thị, số lượng hội đoàn, đạo tràng sinh hoạt tại các tự viện chiếm số lượng lớn, sinh hoạt thường xuyên định kỳ hàng tháng dưới sự hướng dẫn của các bậc đạo sư, thầy hướng đạo. Trong khi nông thôn rất hiếm hội đoàn, đạo tràng Phật giáo tu tập định kỳ dưới sự hướng dẫn của các bậc đạo sư, thầy hướng đạo, các hoạt động chủ yếu là lễ lạy vào các dịp sóc vọng, rằm, mồng một hoặc các ngày lễ lớn của Phật giáo. 
     Các ngôi tự viện muốn phát huy được vai trò của mình hơn nữa, thì việc quan tâm, phát huy nội lực, nguồn lực bên trong tức là phương thức giáo dục tự viện cần được đẩy mạnh và có những định hướng rõ ràng để cho thấy sức lan tỏa của Phật pháp không chỉ trong định hướng đức tin mà còn quan trọng hơn cả là định hướng đời sống, văn hóa, đạo đức con người.
     Cần phải có những giải pháp thiết thực để xây dựng cho các ngôi tự viện không chỉ còn là nơi cư trú và nơi tu học của Tăng Ni và tín đồ tại gia. Mà cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các ngôi tự viện trong chức năng giáo dục và đào tạo cả thành phần xuất gia và tại gia, thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi thành phần xã hội khác nhau.

     3. Tạm kết

     Tóm lại, thông qua bài viết này, tác giả muốn nhấn mạnh vai trò của giáo dục tự viện truyền thống của Phật giáo đối với sự phát triển và hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh của đạo Phật. Giáo dục Phật giáo muốn mạnh, Phật giáo muốn phát triển và thể hiện được vị trí của mình trong đời sống văn hóa tinh thần, đời sống xã hội thì nhất thiết cần quan tâm để có những biện pháp đẩy mạnh, phát triển, định hướng các mô hình giáo dục tự viện truyền thống. Quan tâm hơn nữa phổ biến các chương trình, hướng dẫn xây dựng thành lập các đạo tràng, các hội đoàn tu tập theo những nội dung và các chủ đề nhất quán gắn với những nhu cầu thiết yếu của người Phật tử và nhu cầu xã hội trong thời đại hội nhập và phát triển./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung Ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Giáo dục Phật giáo Việt Nam định hướng và phát triển, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
     2. Hoàng Văn Năm (2016), Giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo Việt Nam ở miền Bắc từ năm 1981 đến nay, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
     3. Thích Thanh Kiểm (2000), Thiền lâm bảo huấn, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
     4. Sa môn Trí Húc (2006), Trùng trị Tỳ Ni Sự nghĩa tập yếu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
     5. Nguyễn Đăng Thục (1991), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 2, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
     6. Kinh Pháp Hoa, Quyển 1, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, năm 1989.
     7. Kinh Trung Bộ, Quyển 1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
     8. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội.











 
 
[1]Kinh Pháp Hoa, Quyển 1, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, năm 1989, tr.176
[2] Kinh Trung Bộ, Quyển 1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 731.
[3] Xem Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
[4] Nguyễn Đăng Thục (1991), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 2, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.461.
[5] Hoàng Văn Năm (2016), Giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo Việt Nam ở miền Bắc từ năm 1981 đến nay, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.312.
[6] Sa môn Trí Húc (2006), Trùng trị Tỳ Ni Sự nghĩa tập yếu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.398.
[7] Sa môn Trí Húc (2006), Trùng trị Tỳ Ni Sự nghĩa tập yếu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.431.
[8] Sa môn Trí Húc (2006), Trùng trị Tỳ Ni Sự nghĩa tập yếu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.612
[9] Thích Thanh Kiểm (2000), Thiền lâm bảo huấn, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.194

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.391-397.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay599
  • Tháng hiện tại61,096
  • Tổng lượt truy cập680,686
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây