Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo. Hiện nay, cả nước đã có 41 tổ chức tôn giáo được công nhận thuộc 15 tôn giáo khác nhau. Ngoài các tôn giáo có tổ chức, từ trong truyền thống cho đến hiện tại, từ người Kinh đến đồng bào các dân tộc thiểu số anh em đều có các tín ngưỡng tôn giáo truyền thống bản địa khá đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc.
Việt Nam thời cổ đã có các hình thức thực hành Tôn giáo đối với các đối tượng tự nhiên. Các hình trang trí trên trống đồng Đông Sơn đã phản ánh các nghi lễ tôn giáo thời ấy, trong đó mô tả rất nhiều về hình ảnh một loài chim, mà cụ thể là chim Lạc, khiến các sử gia tin rằng, chúng là đối tượng được người Việt cổ tin thờ. Ngoài ra, con rồng cũng được xuất hiện nhiều trong các sản phẩm nghệ thuật, mỹ thuật Việt Nam phát sinh từ việc thờ kính Lạc Long Quân, một huyền thoại về người được cho là cha đẻ của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, các đối tượng tự nhiên khác như động vật, núi, sông, biển... cũng được người Việt tôn làm thần bảo vệ, chúc phúc cho con người. Tôn giáo tại Việt Nam có mối liên hệ với nền văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, nhưng người Việt còn kết hợp yếu tố truyền thống đạo đức dân tộc mình vào đó để hình thành tôn giáo mang bản sắc riêng.
Trong thời quân chủ tại Việt Nam, Nho giáo được chính quyền khuyến khích, được xem là nền tảng của chế độ khoa cử, nhiều văn miếu được xây dựng trong cả nước. Tuy nhiên trong các Triều đại như nhà Lý, nhà Trần, và các chúa Nguyễn, Phật giáo cũng có vai trò quan trọng trong triều đình và được các chính quyền phong kiến khuyến khích. Các tôn giáo có mặt lâu đời tại Việt Nam là Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo (gọi chung là tam giáo).
Hiện nay, nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chủ trương nhất quán thực hiện tốt chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong số các Tôn giáo ở Việt Nam, Phật giáo có số tín đồ đông đảo nhất. Theo thống kê dân số năm 2009 thì số tín đồ Phật giáo là 6.802.318 người trong đó 2.988.666 tín đồ ở thành thị và 3.813.652 tín đồ ở nông thôn, địa phương tập trung đông đảo tin đồ Phật giáo nhất là thành phố Hồ Chí Minh với 1.164.930 tín đồ. Còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ , có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng hơn 50.000 tăng ni; hơn 18.000 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường trong cả nước. Ngoài ra có hàng chục triệu người dân có thiên hướng Phật giáo.
Hiện nay trong quá trình hội nhập quốc tế Tôn giáo đang có sự biến đổi sâu sắc về nhiều mặt để phù hợp với thực tại chung của xã hội. Sự biến đổi đó là quy luật tất yếu của Tôn giáo trong sự vận động, phát triển chung của mình.
Quá trình hội nhập phát triển đã thúc đẩy Tôn giáo thâm nhập sâu rộng vào đời sống con người, trái ngược với xu hướng thần thánh hóa, thiêng liêng hóa. Bên cạnh đó, sự biến động của điều kiện kinh tế xã hội hiện nay cũng đã tác động mạnh mẽ đến việc biến đổi Tôn giáo, từ chỗ hướng về thế giới “bên kia” thì hiện nay Tôn giáo trực tiếp quan tâm phục vụ cho chính bản thân con người nơi trần thế. Cũng như vậy, Phật giáo trên Thế giới đang có sự chuyến mình mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu chung của con người trong sự giao lưu, phát triển giữa các quốc gia. Sự biến chuyển mình đó không chỉ tăng cường mối quan hệ Phật giáo giữa các nước mà còn đóng góp vai trò to lớn trong việc giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia trong quá trình hội nhập phát triển; đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do Tôn giáo, chống âm mưu “diễn biến hòa bình của các thế lực xấu”.
Có mặt tại Việt Nam hơn 2.000 năm, Phật giáo cũng đã có những đóng góp nhất định vào nền văn hoá dân tộc, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong từng triều đại. Hiện nay, Phật giáo Việt Nam đang đứng trước một trào lưu mới, đó là trào lưu đất nước đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập Quốc tế theo xu hướng toàn cầu hóa.
Trong quá trình đó Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnhvực về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và ngoại giao, bên cạnh đó không thể không nói tới những đổi mới, phát triển của tín ngưỡng Tôn giáo. Đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đã hòa nhập theo sự chuyển biến sâu rộng ấy. Bởi lẽ
theo quy luật: “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh…”, Phật giáo luôn luôn vận động thay đổi để phù hợp với sự phát triển chung của đất nước. Không chỉ vậy, Phật giáo cũng đã tiếp thu, phát triển công tác hoằng dương Phật pháp của mình trong sự vận động chung của Phật giáo nói riêng và Tôn giáo
nói chung trên Thế giới. Để từ đó khẳng định vai trò, vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo ảnh hưởng và uy tín đối với cộng đồng Quốc tế. Chính từ thực tế đó, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có sự đổi mới
trong chính sách đối với Tôn giáo, dân tộc; tạo điều kiện cho các Tôn giáo hoạt động phát triển ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại ngày nay. Thông qua các
hoạt động Tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta một phần nào đã khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong quá trình hội nhập và phát triển chung của thế giới, thể hiện rõ quan điểm tự do Tôn giáo, tín ngưỡng.
Trong giai đoạn phát triển, hội nhập của đất nước hiện nay Phật giáo thể hiện rõ vai trò quan trọng, ảnh hưởng của mình. Đạo Phật không chỉ phát triển trên phương diện Tôn giáo thuần túy mà những tư tưởng nhập thế Đạo Phật trong xã hội ngày nay cũng đang là nét son tô đậm trong quá trình phát triển ấy. Xuất phát từ hệ tư tưởng của đạo Phật về con người, về vũ trụ trong đó con người sinh sống, đạo Phật đã đưa nội dung giáo lý siêu việt ấy đi vào đời sống đời thường, dùng nó như là phương thuốc chữa lành vết thương
cho những con người đang gặp nhiều nỗi đau thương mất mát, đang có nhiều sự sợ hãi và đau khổ…Tinh thần nhập thế ấy của đạo Phật vẫn liên tục phát triển từng nơi từng lúc và trở thành sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Phật giáo Việt Nam.
Từ hàng nghìn năm trước, ông cha ta đã biết dùng cây cỏ của Việt Nam ta để làm thuốc trị bệnh cứu người. Thế kỷ thứ XIV có Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh và thế kỷ thứ XVII có Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã để lại biết bao tác phẩm quý về các bài thuốc hay để trị bệnh với phương châm “Nam dược trị Nam nhân” tức là thuốc của Việt Nam dùng để điều trị cho người Việt Nam ta. Kế thừa và phát huy truyền thống của các Đại Danh Y, thực hiện chủ trương của Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và chương trình hành động của Đại Hội Phật Giáo nhiệm kỳ II về việc thành lập hệ thống Tuệ Tĩnh Đường khắp cả nước, với mục đích “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.
Tuệ Tĩnh Đường là một hệ thống trực thuộc Hội Phật giáo. Đây là nơi khám chữa bệnh Đông Tây y kết hợp hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân nghèo do các y, bác sỹ, lương y, lương dược, điều dưỡng và thậm chí có cả các cán bộ chuyên môn dân quân y với lời dạy “Công đức vô lượng” nên họ đã tự nguyện tụ họp về Tuệ Tĩnh Đường qua sự khích lệ và động viên của Hội Phật giáo Việt Nam trên cả nước. Với chức năng nhiệm vụ là nơi khám chữa bệnh Đông Tây y kết hợp hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, tùy khả năng tài chính mà Tuệ Tĩnh Đường có thể khám chữa bệnh 5-7 ngày /tuần và có thể chỉ làm một buổi để khám tập trung cho bệnh nhân nghèo và thời gian còn lại đi về những vùng sâu, vùng xa. Trong những năm qua, tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn do tác động nền kinh tế chung ảnh hưởng đến các kế hoạch đề ra, các mạnh thường quân, các nhà tài trợ và đồng bào phật tử cũng có hạn chế, nhưng với sự cố gắng của Ban điều hành cùng với sự nhiệt tình tâm huyết hy sinh công đức và thời gian của đội ngũ Thầy thuốc, đặc biệt sự chỉ đạo về mặt chuyên môn của ngành Y tế và Hội Đông y mà Tuệ Tĩnh Đường cả nước đã đạt được nhiều thành tích đáng khâm phục như: Tuệ Tĩnh Đường Lộc Quang, tọa lạc tại thôn Xuân Phú, xã Hỏa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, trong 5 năm qua đã khám được 84.111 lượt bệnh nhân với số thuốc thang cấp miễn phí 253.333 thang và điều trị bằng châm cứu hỏa long cứu, day bấm huyệt cho 6.860 lượt bệnh nhân; Tuệ Tĩnh Đường Hỏa Nam,tọa lạc tại thôn Thạch Nham, xã Hỏa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, trong năm qua đã khám được 4.305 lượt bệnh nhân với số thuốc thang cấp miễn phí 12.915 thang và điều trị bằng châm cứu hỏa long cứu, day bấm huyệt cho 2.143 lượt bệnh nhân; đặc biệt Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa, tọa lạc tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, trong 3 năm qua đã khám được 67.000 lượt bệnh nhân với số thuốc thang cấp miễn phí 469.000 thang và điều trị bằng châm cứu hỏa long cứu, day bấm huyệt cho 62.000 lượt bệnh nhân chủ yếu bệnh nhân ung thư và Nhà điều dưỡng còn đặt gạo lứt sạch tại Thừa Thiên Huế về để nấu cho bệnh nhân và người nhà thăm nuôi; Còn tại Tuệ Tĩnh Đường Pháp Lâm, tọa lạc tại 574 Ông Ích Khiêm, thành phố Đà Nẵng trong 5 năm qua đã khám được 17.489 lượt bệnh nhân với số thuốc thang cấp miễn phí tương đương số tiền 1.018.207.000 VN đồng và điều trị bằng châm cứu hỏa long cứu, day bấm huyệt cho 11.162 lượt bệnh nhân, ngoài ra còn đi khám từ thiện tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa trong thành phố và tỉnh Quảng Nam. Các thang thuốc chủ yếu là thuốc nam (dược liệu địa phương) sẵn có tại Tuệ Tĩnh Đường và các vườn nhà thu hái tự nhiên của các nhà thiện nguyện và các người nhà bệnh nhân đem đến.
Còn một mô hình khác của Tuệ Tĩnh Đường đó là Trung Tâm Kế Thừa - Ứng dụng Y học cổ truyền - Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa, tọa lạc tại 03 Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, được hình thành từ phòng Đông y thuộc Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế ngày trước. Được thành lập từ tháng 10 năm 1982, ban đầu chỉ là một tổ chẩn trị YHCT, có tất cả là 7 thành viên tham gia. Cơ sở đặt tại khuôn viên chùa Diệu Đế. Hằng ngày khám và điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân/ngày. Đến cuối năm 1989, Ban Trị sự tỉnh Giáo Hội Phật giáo thành lập thêm một phòng khám Tây y lấy tên là Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế, với sự kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại. Lấy tôn chỉ của đạo Phật lấy Trí Tuệ làm ngọn đuốc soi đường dẫn lối, lấy hạnh nguyện Từ Bi làm phương tiện phổ độ chúng sinh, luôn luôn lấy tinh thần “ Phục vụ để hoàn toàn và hoàn toàn để phục vụ” nhằm nâng cao đời sống của chính mình và mọi người. Trong 35 năm qua hoạt động khám chữa bệnh từ thiện của Trung Tâm Kế Thừa và Ứng Dụng YHCT Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đã đạt được rất nhiều thành tích: Số lượt bệnh nhân được khám: 1.301.370 bệnh nhân. Tổng số tiền chi phí: 71.946.440.000 đ (trong đó: Châm cứu 886.140 lượt b/n; Nhu châm 487.214lượt b/n; Cấp thuốc cho người bệnh nghèo 90.845 thang; Cấp cho Tăng ni 98.840 thang; Khám y tế lưu động 84.759 lượt b/n; Nấu nồi cháo tình thương 48 tháng; Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS trong 10 năm)
Ngoài ra, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa còn phối hợp với Hệ phái Nam Tông Thừa Thiên Huế, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước trong 35 năm qua đã tặng nhiều phần quà, xe lăn cho người tàn tật, người nghèo khổ mỗi khi có thiên tai, bảo lụt trị giá hơn 12 tỷ đồng.
Đặc biệt, song song với công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa cũng quan tâm đến các thế hệ kế tục sự nghiệp YHCT tỉnh nhà, nên đã mở các lớp thừa kế nhằm bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho các học viên chuyên ngành YHCT tổng cộng 13 khoá, mỗi khoá từ 50 đến 60 học viên tham dự. mời các vị Lương y đến trao truyền kinh nghiệm hoặc nói về các chuyên đề với các học viên, hiện tại đang mở một lớp Hán Nôm trong Đông y, lớp này hiện đang có hơn 25 học viên tham dự đã học được 05 năm. Được sự đồng ý của Trung Ương Giáo Hội, Bộ Y tế và Học viện YDHCT Việt Nam đã mở một lớp Y sĩ YHCT hệ chính quy nhằm tăng thêm đội ngũ Tăng Ni và Phật tử để phục vụ cho thống Tuệ Tĩnh Đường trong và ngoài tỉnh đến nay đã có 51 em tốt nghiệp, trong đó hơn 20 vị là tu sĩ còn lại là các Phật tử.
Năm 2010, 2011, Tuệ Tĩnh Đường cũng đã phối hợp với Hội Châm cứu tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và thực hiện được các lớp Y sỹ YHCT khóa 13,14 hệ chính quy nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho Giáo hội và Hội Châm cứu, theo đó hội viên mới cũng được tăng lên với số lượng là 148 hội viên. Ngoài việc đào tạo chuyên môn, chúng tôi rất chú trọng đến y đạo và y đức của người thầy thuốc nữa. Ngoài ra đã tham gia đề tài “ Sưu tầm các bài thuốc, phương pháp chữa bệnh Thái y viện Triều Nguyễn” do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đặt hàng Hội Đông Y tỉnh. Đề tài đã được nghiệm thu. Đồng thời là chủ đề tài 2 bài báo cáo về bệnh “thoái hóa cột sống và hen suyễn”bằng phương pháp cấy chỉ tại các hội nghị khoa học về cống hiến tâm đắc.
Ngoài sự ủng hộ của các cấp vẫn còn một số khó khăn mà hiện nay tại Thừa Thiên Huế gặp phải:
- Trong công tác y tế lưu động, không được phép đem một số cơ thuốc mà tự cơ sở sản xuất, bào chế dạng cao đơn hoàn tán để cấp phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo do như vậy là đưa thuốc ra thị trường.
- Là một trong những tổ chức khám bệnh từ thiện, nhưng khi xin giấy phép hoạt động, điều kiện để được cấp giấy, phải làm giấy phép kinh doanh và đóng thuế kinh doanh theo quy định.
- Tại Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn, đề nghị ngành y tế tạo thuận lợi để y sỹ YHCT học tiếp lớp liên thông lên đại học.
Hệ thống Tuệ Tĩnh Đường Phật giáo, trong công tác khám chữa bệnh từ thiện đã góp phần tăng cường lực lượng y tế địa phương nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân trên địa bàn; các cơ sở đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho y tế Nhà nước trong nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng cao, đặc biệt đối với những đối tượng dân nghèo, những trẻ em bị khuyết tật (bại não, bại liệt, chậm phát triển tinh thần) cần phục hồi chức năng và những người nhiễm HIV/AIDS cần chăm sóc tư vấn.
Ngoài ra còn Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam tu theo pháp môn niệm Phật và hành theo tôn chỉ “ Phước Huệ Song Tu”, hoằng dương Phật pháp, lấy y đạo làm phương tiện, thành lập các Phòng thuốc nam Phước thiện hốt thuốc chữa bệnh cho đồng bào ở khắp các tỉnh thành và theo phương châm Tu học - Hành thiện - Ích nước - Lợi dân. Đây là nơi thể hiện đường lối hành đạo nhập thế tích cực, vừa chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vừa nêu lên tấm gương “Thiểu dục tri túc, sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, mục tiêu là đưa đời sống con người đến chỗ chân - thiện - mỹ”.
Trong Hội nghị “Thủ tướng với các Tôn giáo”. Trong phần phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đóng góp của các Tôn giáo dù còn nhiều khó khăn về cách thực hiện nhưng các Tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực xây dựng đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, đường hướng này đã góp phần cùng nhà nước đảm bảo an sinh xã hội trong lĩnh vực từ thiện xã hội, y tế,... thúc đẩy đất nước phát triển.
Thực hiện theo Thông tư 29/2015/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 12/10/2015 về việc cấp Giấy chứng nhân là lương y, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế đã phối hợp Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam, tổ chức sát hạch thành công cho 108 y sĩ của Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam hiện có 209 chi hội trên 21 tỉnh, thành phố, trong năm 2016: Sở Y tế các tỉnh, thành đã cấp chứng chỉ hành nghề cho các vị lương đã đạt kết quả trong kỳ thi sát hạch do Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận là lương y và đang làm thủ tục cấp Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh tại một số Chùa theo qui định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Giáo Hội không ngừng đào tạo, tổ chức các khóa học dành cho y sĩ tại Trung ương cũng như các tỉnh, thành hội. Ngoài ra, tại một số tỉnh thành mở thêm Phòng thuốc nam Phước thiện như tỉnh Tiền Giang mở phòng thuốc nam Phước thiện Hưng Ngộ tại ấp 1, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cây Lậy dự kiến tháng 06 năm 2017 đi vào hoạt động khám chữa bệnh Thành hội Cần Thơ đã phục hồi 02 phòng thuốc hoạt động trở lại: phòng thuốc Hưng Thứ Tự tại huyện Cái Răng và phòng thuốc Hưng Bảo Tự tại quận Ô Môn. Tỉnh Hội Đồng Nai đã khôi phục lại phòng thuốc Hưng Xuân Tự, huyện Xuân Lộc.
Giáo Hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam có 2 hoạt động ngành y tế là Phước thiện (môn Tu Phước): Công tác đào tạo nhân lực ngành Y tế Phước thiện của Giáo Hội phải hội đủ y đức và năng lực chuyên môn là công việc thường xuyên của Ban y tế Phước thiện nói chung và Ban giảng huấn y khoa nói riêng tại các Trung tâm đào tạo của Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam. Mỗi y sinh muốn trở thành y sĩ, từ lúc phát nguyện học thuốc y sinh phải trải qua thời gian từ 4 đến 5 năm học lý thuyết và thực nghiệm. Công tác hoạt động ngành y tế Phước thiện trong 5 năm qua đã thực hiện việc chẩn trị bệnh như sau: Số lượt bệnh nhân đến hốt thuốc: 15.522.152 lượt bệnh nhân (trong đó: bệnh cần Châm cứu 5.613.314; Bệnh về mắt 342.939); Số thang thuốc 68.688.438 thang; thuốc viên, thuốc tán 22.708,5 kg; thuốc nước 1.699 lít. Như vậy tổng cộng việc Cứu tế từ thiện xã hội 5 năm qua ước tính khoảng hàng trăm tỷ đồng.
Và thứ hai là hoạt động ngành y tế đạo đức (môn Tu Huệ): Công tác ngành đạo đức là pháp môn Tu Huệ của giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam. Để tạo điều kiện cho tín đồ, hội viên tìm hiểu giáo lý, nhiệm vụ của ngành đạo đức là làm thế nào để truyền bá giáo pháp của Đức Phật đến mọi tầng lớp tín đồ, hội viên tăng trưởng đạo tâm, phát huy chánh pháp.
Trong những năm qua, ngành y tế của Giáo Hội đã hoàn thành tốt trong công tác điều trị, nâng cao công tác đào tạo y sinh, y sĩ, huấn viên. Khuyến khích các em thi vào các trường đại học Y dược do nhà nước đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ đồng bào, phát huy giữ gìn nền y học nước nhà. Tại Trung ương Giáo Hội hiện có 01 bác sĩ, khoảng 10 y sĩ YHCT tốt nghiệp ra trường, 03 lương y, có 02 bác sĩ còn đang học; một số Tỉnh Hội như: Bến Tre có 02 bác sĩ tốt nghiệp; tỉnh Long An có 03 y sĩ tốt nghiệp và các tỉnh hội khác như Trà Vinh, Nha Trang,… do trường Trung cấp y Lê Hữu Trác đào tạo các em và hiện đang xin Sở Y tế các tỉnh cấp Chứng chỉ hành nghề.
Như vậy, đối với hoạt động từ thiện nhân đạo là một hoạt động được các Tôn giáo đề cao, đây là hoạt động không thể thiếu của mọi Tôn giáo. Với Phật giáo - đạo Phật là đạo của từ bi, luôn đem lại niềm vui và cứu vớt khổ đau cho chúng sanh, trên tinh thần đó, xưa đến nay Phật giáo đã tham gia vào các công tác từ thiện xã hội một cách thiết thực thể hiện tinh thần đạo pháp và dân tộc.
Qua các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, các cơ sở ngày càng tạo nên sự gắn bó giữa người thầy thuốc với cộng đồng, giữa đạo lý với đạo đời vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa mang tính xã hội hoá cao về công tác y tế thông qua sự huy động các nguồn lực đóng góp cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của người dân trên mọi miền Tổ quốc.
Hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo, với trí tuệ, đạo tâm và đạo lực vốn có của các chức sắc Tôn giáo, họ làm việc bằng tinh thần tự nguyện, nhiệt tình. Thế giới mà chúng ta đang sống còn rất nhiều người đói nghèo, bất hạnh đang cần đến sự chăm sóc về vật chất và tinh thần, còn rất nhiều bệnh nhân đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết đang cần đến những bàn tay, những tấm lòng giúp đỡ của cộng đồng. Những việc làm thiện nguyện của Phật giáo nói chung và một số tỉnh thành nói riêng như thành phố Đà Nẵng (Tuệ Tĩnh Đường Pháp Lâm, Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa,...), tỉnh Thừa Thiên Huế (Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa),... thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng chung tay chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Với mong muốn của ngành Y tế chúng tôi: toàn xã hội hãy cùng chung tay góp sức vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tình hình Tôn giáo trên Thế giới và trong nước.
2. Tài liệu về Hệ thống Khám bệnh chữa bệnh bằng Y học cổ truyền của Tuệ Tình Đường tại thành phố Đà Nẵng (do Hội Đông y thành phố Đà Nẵng cung cấp số liệu).
3. Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa tại tỉnh Thừa Thiên Huế với công tác Khám chữa bệnh từ thiện.
4. Tài liệu về Hệ thống Khám bệnh chữa bệnh bằng Y học cổ truyền của Tịnh Độ cư sỹ Phật Hội Việt Nam (do Giáo Hội Tịnh độ cư sỹ Phật Hội Việt nam cung cấp số liệu).
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền