PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO TRONG VIỆC THAM GIA CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Thứ năm - 19/05/2022 15:42
PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện HLKHXHVN & PGS.TS. Đỗ Thị Minh Thúy, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, trường ĐHVHHN.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO TRONG VIỆC THAM GIA CÔNG	         TÁC AN SINH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


Đặt vấn đề
      Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lời mở đầu có đoạn: “Trong hơn hai ngàn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, Đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, Phật giáo Việt Nam luôn luôn là thành viên tin cậy và vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ Dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh, là tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm “Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”([1])
       Với tinh thần nhập thế, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, kể từ khi hiện diện ở Việt Nam đặc biệt từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (11-1981), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang đóng góp trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực an sinh xã hội chung tay vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Kể từ Đại hội lần thứ nhất (11-1981) đến nay, thành tựu mà Phật giáo đóng góp trên lĩnh vực an sinh xã hội là rất lớn. Tuy nhiên cùng với thời gian công tác an sinh xã hội của Phật giáo đã và đang bộc lộ những bất cập cần phải được khắc phục trong thời gian tới để công tác này phát huy mạnh mẽ hơn nữa, với nhiều đóng góp thiết thực nhằm phục vụ đất nước và chúng sinh trong tình hình mới của đất nước.
 
Công tác an sinh xã hội qua 6 kỳ Đại hội Phật giáo
       Công tác an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước đây được hiểu là công tác từ thiện, xã hội là hết sức đa dạng. Có thể chia công tác này thành hai lĩnh vực: an sinh về vật chất; an sinh về tinh thần.
An sinh về vật chất là các hoạt động y tế, giáo dục, phòng chống tệ nạn xã hội, chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, hoạt động nuôi dưỡng người già, cô đơn không nơi nương tựa, nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, người nhiễm chất độc màu da cam, là những chuyến đi phát quà từ thiện, nồi cháo tình thương…
An sinh về tinh thần là việc thành lập các đạo tràng cho tín đồ tu học, tịnh tâm; khóa tu một ngày an lạc; lớp học mùa hè cho thiếu niên; là các buổi thuyết pháp hóa độ chúng sinh sống theo tinh thần từ bi, hỉ xả của Phật pháp.
        Là một tôn giáo lớn, có số lượng tín đồ đông đảo([2]), hoạt động trên tất cả các địa phương([3]), với đội ngũ chức sắc đông đảo. Tính đến nhiệm kỳ VII, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 49.493 tăng, ni trong đó có 36.130 Bắc tông, 8.574 Nam tông Khmer, 805 Nam Tông Kinh (455 chư chăng, 350 tu nữ), 3.984 khất sĩ. Về tự viện (cơ sở thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam): 17.287 ngôi. Gồm 14.691 tự viện Bắc tông, 454 chùa Nam tông Khmer, 73 chùa Kinh, 550 Tịnh Xá, 467 tịnh thất, 998 Phật đường([4]).
 
        Công tác an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện qua từng nhiệm kỳ như sau:
 
        Nhiệm kỳ I (1981-1987), nhiệm kỳ II (1987-1992): Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa được thành lập, đang trong thời kỳ xây dựng và củng cố, tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân cũng như đời sống tăng, ni còn nhiều thiếu thốn nên công tác an sinh xã hội còn nhiều hạn chế.
       Nhiệm kỳ III (1992-1997): Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới trong điều kiện mở cửa và hội nhập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tích cực đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội từ trung ương đến cơ sở, tổ chức, quản lý và điều hành chặt chẽ, có phương hướng xây dựng, giúp đỡ và khuyến khích phát triển lâu dài. Kết quả công tác từ thiện xã hội trong nhiệm kỳ III tăng lên đạt 111.733 tỷ đồng.
 
         Nhiệm kỳ IV (1997-2002): Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống Tuệ Tĩnh Đường và phòng thuốc y học dân tộc, nhất là những nơi đông dân lao động, ở vùng sâu, vùng xa. Tổ chức các hoạt động: cung cấp kiến thức cơ bản về y tế cộng đồng, văn hóa xã hội, xây dựng ý thức và tình cảm đoàn kết tương trợ trong nhân dân. Kết quả của công tác từ thiện xã hội nhiệm kỳ IV tổng cộng 296.972 tỷ đồng.
        Nhiệm kỳ V (2002-2007): Giáo hội Phật giáo Việt Nam đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng hệ thống hóa các hoạt động từ thiện xã hội; Xây dựng thêm trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô nhi viện, xây dựng cầu bê tông, xóa cầu khỉ, xây dựng lớp học tình thương, củng cố hệ thống Tuệ Tĩnh đường, các cơ sở chăm sóc người HIV/AIDS… Kết quả công tác từ thiện xã hội nhiệm kỳ này đạt trên 400 tỷ đồng, trong đó riêng Thành hội Phật giáo Hồ Chí Minh đạt trên 200 tỷ đồng.
 
        Nhiệm kỳ VI (2007-2012): Ban từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát huy tính tích cực hoạt động trên nhiều lĩnh vực và đạt được những thành tựu lớn với tổng giá trị cứu trợ là 2.879.432 tỷ đồng([5]).
 
         Trên đây là một cách nhìn tổng thể đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với công tác an sinh xã hội qua 6 nhiệm kỳ. Tài liệu của Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VI cho thấy những số liệu cụ thể hơn. Theo đó “Trong 30 năm qua (1981-2012), Phật giáo Việt Nam hoạt động từ thiện nhân đạo rất tích cực và có hiệu quả cao. Hiện nay trong toàn quốc có 65 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc, một phòng khám đa khoa, đã hoạt động một cách có hiệu quả, khám và phát thuốc trị giá trên 5 tỷ đồng/ năm. Chương trình phát triển Tuệ Tĩnh đường đang mở rộng mạng lưới xuống các quận, huyện trong cả nước.
 
       Trong phạm vi cả nước hiện có 165 lớp học tình thương và 16 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nhà nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật. Cả nước hiện có 6.467 em tham gia lớp học tình thương này, tuy nhiên lực lượng giáo viên do Tăng, Ni, Phật tử đảm trách còn hạn chế… Bên cạnh công tác từ thiện xã hội, những công tác phúc lợi xã hội khác như xây dựng cầu bê tông, đắp đường giao thông nông thôn, hiến máu nhân đạo, đóng góp quỹ vì người nghèo, học sinh hiếu học, giúp phụ nữ nghèo vượt khó. Mổ trị bệnh trú nhi, phát quà tết, quà trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa… đều được các thành viên Ban Từ thiện Trung ương và các tỉnh thành, Tăng, Ni, Phật tử tích cực tham gia… Nên trong 30 năm qua đạt thành tựu to lớn ước đạt khoảng 2020 tỷ đồng.([6])

       Về an sinh trên lĩnh vực tinh thần: Nếu như công tác an sinh trên lĩnh vực vật chất có thể đong đếm được (dù chỉ có tính tương đối vì nhiều Phật tử làm từ thiện đã giấu tên tuổi cũng như đóng góp) thì hoạt động an sinh trên lĩnh vực tinh thần là rất khó thống kê bằng số liệu. Một đơn cử, hoạt động an sinh trên lĩnh vực tinh thần của một số ngôi chùa ở Hà Nội (cả Hà Nội phố và Hà Nội nông thôn), được thực hiện ở các đạo tràng. Hầu hết các chùa đều thành lập các đạo tràng. Đạo tràng tập hợp các Phật tử đến sinh hoạt, nghe nhà sư trụ trì thuyết pháp, giảng giáo lý nhà Phật hoặc những bài đạo đức Phật giáo như “Tu để chuyển nghiệp”, “Sống an lạc, chết thảnh thơi”, “Con đường tu ngắn”, “Thuyết nhân quả ba đời”… Qua đó Phật tử hiểu được luật nhân quả, sống tốt hơn, biết tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện.
 
       Phần lớn những người gia nhập đạo đều ăn chay, thông thường là vào ngày rằm và mồng một (cũng có thể là 6 ngày hoặc 8 ngày trong một tháng). Được sinh hoạt trong các đạo tràng, tu theo pháp môn mà mình theo, nghe sư trụ trì thuyết giảng về giáo lý Phật giáo, về cách sống của người con Phật, lo giữ giới răn Phật giáo quy định, ăn chay, thờ Phật, tụng kinh niệm Phật, các Phật tử cảm thấy trong lòng thoải mái, nhiều bức xúc của cuộc sống thường nhật bon chen nơi thị thành bị xua tan.([7])
 
       Tài liệu nghiên cứu của Lê Minh Thiện khảo sát tâm lý của tín đồ ở một số chùa Hà Nội sau khi họ tham dự khóa lễ([8]) cho thấy:
 
                       Giới/

Cảm giác tâm lý

Nam (%)

Nữ (%)
 
Yên tâm 50,5 50,1
Thoải mái 43,5 45,7
Bình an 54,3 40,2
Thành kính 40,2 47,1
Sợ hãi 1,1  
Huyền bí 3,3 1,4
Khác   3
 

       Công tác an sinh xã hội của Phật giáo Việt Nam hiện nay những thuận lợi và khó khăn
- Công tác an sinh xã hội của Phật giáo Việt Nam hiện nay, những thuận lợi

      Thuận lợi từ phía Giáo hội Phật giáo: Gắn bó đồng hành cùng dân tộc với truyền thống nhập thế, phương châm Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra ngày từ Đại hội lần thứ nhất đã là một trong những điều kiện thuận lợi mang tính cơ bản cho công tác an sinh xã hội.
        Phật giáo là một tôn giáo lớn, có số lượng tín đồ đông đảo. Tín đồ Phật giáo hầu hết thấm nhuần tư tưởng từ bi, hỉ xả của Phật giáo; thấm nhuần tư tưởng “cứu một người phúc đẳng hà sa” hoặc “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Chính điều này tạo nên yếu tố nội tại khiến tín đồ tín đồ tự tâm, tự nguyện phát tâm công đức. Thực tế cho thấy không cần sự hô hào vận động, thuyết phục của chính quyền, đoàn thể, nhiều nơi Phật tử hoặc tự nguyện tìm đến các tổ chức từ thiện, tổ chức chữ thập đỏ để đóng góp hoặc các Phật tử tự tập hợp nhau lại thành nhóm tham gia an sinh xã hội. Một thực tế cho thấy phần nhiều Phật tử tham gia an sinh xã hội điều kiện kinh tế không hề khá giả nhưng với tinh thần “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” nên họ rất tích cực tham gia. Lực lượng tham gia hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo là đông đảo thu hút được hầu hết các thành phần xã hội, các lứa tuổi. Đây là một lợi thế mà không phải tổ chức tôn giáo nào ở Việt Nam cũng có được.
        Theo Thượng tọa Thích Quảng Tùng công tác an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn có những thuận lợi:
        Giáo hội có mối quan hệ rộng rãi với các tổ chức và cá nhân có tấm lòng từ thiện ở trong và ngoài nước để vận động, hỗ trợ cho các chương trình từ thiện mà Giáo hội khởi xướng.
       Trên tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật và truyền thống quý báu của Phật giáo Việt Nam là tự bản thân mỗi Tăng, Ni đều ý thức được việc làm từ thiện là trách nhiệm, bổn phận của mỗi đệ tử Phật bằng hành động cụ thể của mình nên lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân làm theo dễ dàng hơn.
       Với tinh thần “Vô ngã vị tha” đã thấm nhuần các vị Tăng, Ni, Phật tử bằng thân giáo, khẩu giáo, tạo được niềm tin sâu sắc cho mọi đối tượng và các mạnh thường quân ủng hộ.([9])

- Thuận lợi từ phía đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước
       Bước vào công cuộc đổi mới phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đổi mới đường lối, chính sách đối với tôn giáo trong đó có nội dung quan tâm và tạo điều kiện cho các tôn giáo đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác an sinh xã hội là một trong lĩnh vực này. Đó trước hết là việc thể hiện ở Nghị quyết 24-NQ/TW Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, Hà Nội, ngày 16-10-1990. Nghị quyết nêu rõ quan điểm của Đảng: “Hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo của tôn giáo được Nhà nước khuyến khích, nhưng không cần thiết lập ra những tổ chức riêng mà nên gia nhập hệ thống phúc lợi xã hội công cộng.
      Đối với những tổ chức đang phát huy tác dụng tốt thì cần được hướng dẫn để hoạt động tốt hơn theo hướng hòa nhập vào mạng lưới chung”.
     Chỉ thị số 37 của Bộ Chính trị: Về công tác tôn giáo trong tình hình mới ngày 2-7-1998 khẳng định: “Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được bảo đảm. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn giáo và phát huy”.
      Nghị quyết 25-NQ/TW Về công tác tôn giáo ngày 12 tháng 3 năm 2003 đưa ra nguyên tắc: “Giải quyết việc tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục… của Nhà nước, theo nguyên tắc:
      Khuyến khích các tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận tham gia phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật.
     Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia với tư cách công dân thì được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật”.
      Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ban hành những chính sách cụ thể. Ngày 18 tháng 6 năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp lệnh gồm 6 chương, 41 điều. Điều 33 của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “1 - Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật.

2- Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức và hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật
      Ngày 18 tháng 11 năm 2016 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 55 của Luật quy định về hoạt động từ thiện, xã hội.

Điều 55. Hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo 
       Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan.
      Ngoài ra là hàng loạt các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ của các Bộ, ngành quy định về các hoạt động từ thiện xã hội như: Nghị quyết số 50/2005/NQ-CP, ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao: Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Nghị định số 69/2008/ NĐ- CP ngày 30-5 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
      Quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực an sinh xã hội của tôn giáo trong đó Phật giáo đã và đang đi vào cuộc sống tạo điều kiện cho Phật giáo tham gia ngày một nhiều hơn, hiệu quả hơn, đóng góp tích cực hơn vào công việc an sinh xã hội.
 
- Công tác an sinh xã hội của Phật giáo Việt Nam những khó khăn
     Những khó khăn từ phía Giáo hội được Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) chỉ ra như sau:
Đội ngũ cán bộ phụ trách quản lý và các giáo viên lớp học tình thương không được đào tạo chuẩn nên còn nhiều hạn chế.
      Cơ sở vật chất cho các lớp học tình thương, các mái ấm tình thương nuôi dưỡng các cháu mồ côi còn thiếu thốn về mọi mặt.
     Chính quyền một số địa phương chưa sâu sát thông cảm với việc làm từ thiện của Giáo hội để tạo điều kiện thuận duyên cho công tác tốt cho hiệu quả chưa cao.([10])
     Tác giả Nguyễn Hữu Tuấn tiếp cận khó khăn công tác an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở một khía cạnh khác: “Công tác từ thiện còn thiếu những thông tin, hiểu biết đầy đủ về chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Trong hoạt động y tế, một số cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất về chuyên môn theo quy định của pháp luật. Nhiều trang thiết bị y tế lạc hậu, thường sử dụng có loại gần hết hoặc đã hết hạn sử dụng; các đoàn khám chữa bệnh từ thiện của tôn giáo có người không có chuyên môn y tế; Các cơ sở thuốc nam hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm gia truyền, nhân sự không đủ điều kiện theo quy định của Pháp luật để cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động xã hội hóa còn hạn hẹp, nhiều nơi chưa đáp ứng được quy định của pháp luật. Kinh phí chủ yếu để thực hiện các hoạt động xã hội hóa có được từ sự tự nguyện đóng góp của tổ chức, cá nhân, nên nguồn kinh phí này thiếu ổn định. Hoạt động xã hội hóa của một số tổ chức còn tự phát, chưa đặt dưới sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước”([11])
       Về phía đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước: như phần trên đề cập, bước vào công cuộc đổi mới toàn diện để phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước đã có những đổi mới căn bản về quan điểm, chính sách đối với tôn giáo trong đó có đổi mới về chính sách đối với công tác an sinh xã hội, chủ yếu là hoạt động từ thiện xã hội. Tuy nhiên trước yêu cầu mới đặc biệt là xu hướng hội nhập quốc tế thì một số chính sách vẫn còn bó hẹp chủ yếu mới chỉ quy định cho các tôn giáo trong đó có Phật giáo hoạt động trên lĩnh vực từ thiện, nhân đạo. Không ít lĩnh vực trong tình hình mới đòi hỏi chính sách của Nhà nước cần thiết phải rộng mở hơn. (vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày cụ thể ở phần sau).
        Những vấn đề đặt ra nhằm phát huy vai trò của Phật giáo trong việc tham gia công tác an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay
       Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn của công tác an sinh xã hội, để công tác này không ngừng phát huy vai trò theo chúng tôi có những vấn đề đặt ra sau đây.

- Vấn đề đặt ra từ phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Trước hết là sự thay đổi tư duy([12]) . Sự thay đổi tư duy ở đây thể hiện ở một số chiều cạnh.
Thứ nhất: Thay đổi cơ chế xin cho. Bấy lâu nói đến từ thiện là nói đến xin cho. Hoặc là các tổ chức của Giáo hội tổ chức quyên góp tiền bạc, vật chất hoặc là các nhà hảo tâm. Hoạt động này giúp cho những người khó khăn, đặc biệt là những người hoạn nạn về bão lụt, hỏa hoạn có cái ăn, cái mặc ngay. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Hết hàng cứu trợ họ sẽ sống ra sao? Hoạt động cứu trợ kiểu này dẫn đến một bộ phận ỷ lại, trông chờ vào cứu trợ, thụ động trong cuộc sống, không thể tự mình vươn lên. “Từ thiện Phật giáo” đang chọn cách “cho” này. Nhiều người cho đây là lối làm có tác dụng tức thời, tay trao tay, niềm vui nối tiếp niềm vui và người nghèo được chia sẻ ngay tại thời điểm hiện tại mà không phải là “đầu tư” “lâu dài”.
Thứ hai:  Thay đổi cách làm từ thiện mạnh ai nấy làm, làm một cách tùy tiện không có sự quản lý xuyên suốt theo cơ cấu từ Trung ương đến địa phương. Do vậy ngành từ thiện xã hội chưa có sự đồng thuận và tiếng nói chung, chưa vận động được nguồn lực sẵn có để xây dựng quỹ từ thiện, chưa chủ động thực hiện các chương trình từ thiện mà phụ thuộc quá nhiều vào Phật tử và người ủng hộ.
Thứ ba: Nên xem hoạt động từ thiện xã hội là một nghề, một công việc mang tính chuyên nghiệp. Người đứng đầu các cơ sở từ thiện phải là người chủ dự án nên đòi hỏi phải có chuyên môn nghiệp vụ cao. Trong một số đề án cụ thể mà Giáo hội kết hợp với Trung ương mặt trận Tổ quốc, Phật giáo phải qua đó học hỏi kinh nghiệm và xây dựng chương trình từ tổ chức phi chính phủ.
Ngành từ thiện Phật giáo tiếp tục được củng cố, trau dồi nghiệp vụ.
      Ban Từ thiện xã hội Trung ương hằng năm chủ động lên kế hoạch, điều phối các hoạt động trên lĩnh vực từ thiện xã hội. Ban nên có chân rết xuốnng tới tận cơ sở. Đứng đầu Ban nhất là Ban Từ thiện xã hội cấp quận huyện nên là những Tăng, Ni trẻ năng động, hoạt bát.
     Các Tăng, Ni, Phật tử đứng đầu các cơ sở từ thiện xã hội phải được trang bị kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, về những quy định của Nhà nước về hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội hóa để tránh do thiếu hiểu biết mà sai phạm, thậm chí là vì phạm pháp luật mà không biết.
     Một số ngành hoạt động như y tế, nuôi dạy trẻ… những người đảm đương công việc phải có chuyên môn đáp ứng được công việc họ đang làm, không để xảy ra những hậu quả do yếu kém về chuyên môn.
     Ban Từ thiện xã hội từ Trung ương đến địa phương phải lo phối kết hợp với các ban ngành của chính quyền liên quan đến chuyên môn để trao đổi, tham vấn, học hỏi và kiểm tra thường xuyên.
     Ngành Từ thiện xã hội sớm xây dựng cơ chế thực hiện, cơ chế phối hợp, đảm bảo cho việc chủ động, có tính khoa học, tính kế hoạch và có những dự án có tầm vóc, tránh dàn trải, manh mún. Nhờ đó sẽ khắc phục được tính thụ động, thực hiện dàn trải.
    “Làm từ thiện hiện nay, muốn đạt được hiệu quả thiết thực, có giá trị phải đồng thời có nhân lực đủ nghiệp vụ chuyên môn, biết hoạch định qua các dự án ngắn, trung và dài hạn một cách rõ ràng, hiệu quả từng giai đoạn. Bằng cách hỗ trợ cho người nghèo phương thức, phương tiện lao động trên mảnh đất của chính họ. Có như thế người nghèo không chỉ thoát nghèo mà sẽ có ý thức vươn lên bằng chính năng lực, tư duy, cố gắng của chính bản thân họ nơi mà họ đang sinh sống.
 
      Cần thiết phải xây dựng các mô hình từ thiện điển hình. Mô hình có thể do Ban Từ thiện xã hội Trung ương có thể do ban từ thiện xã hội của Giáo hội địa phương xây dựng. Theo chúng tôi hầu hết các “mảng” hoạt động từ thiện đều có thể xây dựng được mô hình. Tuy nhiên trước hết Giáo hội cần tập trung vào việc xây dựng mô hình về y tế với các Tuệ Tĩnh đường, phòng chẩn trị đông y, mô hình nhà dưỡng lão, nhà nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm chất độc màu da cam, mô hình lớp học tình thương… Trong các mô hình ấy làm rõ cách thức tổ chức điều hành, đào tạo những người có chuyên môn nghiệp vụ, vấn đề quản lý tài chính đặc biệt là kinh nghiệm huy động nguồn tài chính.
       Để có nguồn nhân lực hoạt động có chất lượng, đúng chuyên môn, một mặt giáo hội cử tăng, ni đi theo học các trường lớp nghiệp vụ tương ứng, mặt khác Giáo hội chủ động mở trường lớp kết hợp với các cơ sở xã hội để chủ động đào tạo nguôn nhân lực.
       Đa dạng hóa các hoạt động an sinh xã hội. Bấy lâu giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng và các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam nói chung mới chỉ chú ý đến hoạt động từ thiện xã hội mà chưa mở rộng ra một số lĩnh vực thuộc an sinh xã hội. Giáo hội cần chú ý tham gia vào các hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục (mầm non, dạy nghề). Hoạt động an sinh xã hội trên lĩnh vực tinh thần đã và đang đặt ra cấp thiết khi đất nước bước vào nền kinh tế thị trường với những bất trắc, khi mà thực tế xã hội vẫn còn ẩn tàng không ít yếu tố bất an về tinh thần. Vì vậy trong thời gian tới Giáo hội cần thiết phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề này dù rằng trong thực tế Giáo hội đã và đang có nhiều việc làm hiệu quả (đã trình bày ở phần trên).

- Vấn đề đặt ra từ phía Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng
       Phần trên bài viết đề cập từ khi bước vào công cuộc đổi mới toàn diện phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước đã căn bản đổi mới quan điểm, chính sách đối với tôn giáo trong đó có đổi mới về lĩnh vực tôn giáo tham gia sinh hoạt động từ thiện, xã hội. Nhờ đó các tôn giáo trong đó có Phật giáo có điều kiện để làm tốt từ thiện xã hội.
      Tuy nhiên đi vào cụ thể thấy chính sách của Nhà nước cũng như một số bộ ngành chức năng mới chỉ dừng lại ở việc cho phép tôn giáo tham gia hoạt động trên lĩnh vực từ thiện xã hội.
       Trong một số công trình nghiên cứu, chúng tôi cho rằng, tôn giáo là một nguồn lực xã hội. Nguồn lực ấy không chỉ gói gọn trong hoạt động từ thiện xã hội mà cần thiết phải mở rộng để có thể “khai thác” rộng hơn, có hiệu quả hơn, bền vững hơn nguồn lực xã hội về tôn giáo.
      Nhà nước cần có chủ trương, chính sách để các tôn giáo trong đó có Phật giáo tham gia hoạt động xã hội hóa các lĩnh vực  giáo dục, y tế. Một số tôn giáo trong đó có Phật giáo có thể mở trường Đại học, mở các bệnh viện. Nhìn ra nhiều nước xung quanh những hoạt động này đem lại nhiều lợi ích thiết thực góp phần vào việc xây dựng và phát triển đất nước.


Kết luận

       Với phương châm Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội, kể từ khi thành lập (1981) đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực trong đó có hoạt động từ thiện xã hội góp nhìn vào việc xây dựng, phát triển đất nước.
       Những thành tựu mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được trên lĩnh vực hoạt động từ thiện xã hội – là hết sức to lớn nhưng trải thời gian hoạt động trên lĩnh vực này đã và đang bộc lộ những bất cập cần thiết phải nhìn nhận và giải quyết.
      Để giải quyết những bất cập đòi hỏi Giáo hội Phật giáo trước hết phải đổi mới về tư duy, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng được những mô hình tiêu biểu. Cùng với đó còn là sự “trợ duyên” của Nhà nước của các Bộ, ngành với những chính sách thông thoáng, sát hợp tạo môi trường pháp lý thuận lợi để hoạt động an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo được thành tựu./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Bản tu chỉnh lần thứ V tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII).
2. Kỷ yếu hội thảo Tăng sự toàn quốc 2016.
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng pháp Trung ương: Tài liệu tọa đàm kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, ngày 30-10-2011.
4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự: Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2011), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012.
5. PGS. TS. Nguyễn Thanh Xuân: Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ: Tình hình tôn giáo ở Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và những vấn đề đặt ra, Hà Nội, tr.63.64.
6. Nhiều tác giả, Nữ giới Phật giáo Việt Nam, truyền thống và hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2016.
7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn phòng Hội đồng Trị sự: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ đại hội đến đại hội (1981-2012), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012.
 
[1] . Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Bản tu chỉnh lần thứ V tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII)
[2] . Thống kê từ các cơ quan chức năng cho biết Phật giáo ở Việt Nam có 12 triệu tín đồ. Đây là chưa kể hàng chục triệu tín đồ có cảm tình với Phật giáo, ảnh hưởng bởi Phật pháp.
[3] . Hiện cả nước 63/63 tỉnh thành đều thành lập Ban Trị sự cấp tỉnh.
[4] . Kỷ yếu hội thảo Tăng sự toàn quốc 2016: Thống kê Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam: Lý luận và thực tiẽn, Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2016.
[5] . Ban Tôn giáo Chính phủ (Vụ Phật giáo), Báo cáo hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 2014. Dẫn lại của PGS. TS. Nguyễn Thanh Xuân: Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ: Tình hình tôn giáo ở Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và những vấn đề đặt ra, tr.63.64.
[6] . Thượng tọa Thích Quảng Tùng – Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Tình hình hoạt động từ thiện, nhân đạo của Phật giáo Việt Nam 30 năm thuận lợi và khó khăn. Trong cuốn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự: Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2011), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012.
 
[7] . Xem, Nguyễn Hồng Dương, Ni giới Hà Nội với Đạo và Đời trong cuốn: Nữ giới Phật giáo Việt Nam, truyền thống và hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr.808, 809.
 
[8] . Lê Minh Thiện, Mong muốn của người đi lễ chùa qua nghiên cứu thực tiễn, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 4, 2011.
 
[9] . Thích Quảng Tùng, Tình hình hoạt động từ thiện,  nhân đạo của Phật giáo Việt Nam 30 thuận lợi và khó khăn, đd.
 
[10] . Thích Quảng Tùng, Tình hình hoạt động từ thiện,  nhân đạo của Phật giáo Việt Nam 30 thuận lợi và khó khăn, đd, tr.595-596.
 
 
[11] . Nguyễn Hữu Tuấn, Tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia chủ trương xã hội hóa y tế, từ thiện nhân đạo, Tạp chsi Cộng sản điện tử, 10/01/2015.
 
[12] . Viết về nội dung này chúng tôi dựa vào bài viết: Ngành từ thiện Phật giáo cần thay đổi tư duy trong công tác và tập trung sức mạnh của Tăng, Ni, Phật tử của Hòa thượng Thích Như Niệm, trong: Kỷ yếu Hội thảo 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2011), Sđd, tr.397-401.
 
 

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.40-52

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay214
  • Tháng hiện tại37,895
  • Tổng lượt truy cập724,259
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây