SỰ THAM GIA CỦA CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN TÔN GIÁO VÀO PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON – THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Thứ ba - 17/05/2022 14:28

SỰ THAM GIA CỦA CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN TÔN GIÁO VÀO PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON – THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

TS. Trịnh Ngọc Thạch. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN&NĐ của Quốc hội, Trưởng Bộ môn Chính sách công, Khoa KHQL, Trường ĐHKHXH&NV


Mở đầu
      Tính đến hết tháng 6 năm 2014, cả nước đã có 14.127 trường mầm non, trong đó có 12.400 trường công lập, chiếm tỷ lệ 87,8% (tăng 302 trường so với năm học 2012-2013), 1.667 trường tư thục, chiếm tỷ lệ 11,8% (tăng 230 trường so với năm học trước); tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước. Trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 23,4 % (tăng 0,4%); trẻ mẫu giáo đạt tỷ lệ 87,1 % (tăng 0,6%). Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,3%. Tính đến tháng 10/2014 đã có 10100/11158 xã (tỷ lệ 90,52%); 464/707 huyện (tỷ lệ 57,6%), 21/63 tỉnh (tỷ lệ 33%) đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi. Toàn ngành hiện có 410.681 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên (NV), trong đó, có 35.243 CBQL; 281.467 GV và 7.827 NV. Trình độ đào tạo của CBQL, GVMN ngày càng được nâng cao, tỷ lệ GV nhà trẻ đạt chuẩn trở lên đạt 93,3%, GV mẫu giáo 97,4%.
     Đạt được thành tựu trên đây, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các địa phương, sự tham gia tích cực và đầy trách nhiệm của các tổ chức xã hội, các cá nhân, trong đó có các tổ chức và cá nhân tôn giáo là rất đáng ghi nhận. Với đặc thù về phương châm hoạt động “tốt đời, đẹp đạo”, các tổ chức và cá nhân tôn giáo đã tham gia tích cực, chủ động và có đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng, thực sự trở thành địa chỉ tin cậy để các gia đình gửi con, cháu vào học tập.

I. Thực trạng các tổ chức và cá nhân tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non
      Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, GDMN tư thục đã phát triển nhanh, nhất là ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư, các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX). Các cơ sở GDMN tư thục đã góp phần đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu đưa trẻ lứa tuổi mầm non tới trường của nhân dân, giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở GDMN công lập. Chất lượng các trường mầm non tư thục ngày càng nâng cao, nhiều trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2, là địa chỉ được phụ huynh lựa chọn và tin tưởng.
    Trong thành tựu của GDMN nói chung và GDMN tư thục nói riêng, có sự đóng góp quan trọng của các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo đứng tên thành lập. Các tổ chức và cá nhân tôn giáo đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh và phát triển GDMN ở nhiều địa phương trong cả nước. 
 
1. Về phát triển quy mô
     Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, đến tháng 10 năm 2014, đã có 39 tỉnh, thành phố có cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập (trong đó 26 tỉnh, thành phố có quy mô trường), gồm 269 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm non độc lập, chiếm 1,9% so với tổng số trường mầm non công lập và ngoài công lập, chiếm 14,7% so với số trường mầm non ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ trường mầm non do cá nhân tôn giáo thành lập khá cao như Bà Rịa – Vũng Tàu 23,2% (33/142 trường), Lâm Đồng 11,8% (26/219 trường), Đồng Nai 9,2% (25/272 trường), TP Hồ Chí Minh 9,4% (86/912 trường và 40 nhóm lớp)… Các cơ sở GDMN do các cá nhân tôn giáo thành lập đã huy động khoảng 125.594 trẻ đến trường/lớp, chiếm tỷ lệ 3,06 % so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc (công lập và ngoài công lập), chiếm 18,3% so với trẻ đến trường mầm non ngoài công lập; số trẻ được huy động bao gồm trẻ là con em của giáo dân, trẻ em trên địa bàn và trẻ thuộc các địa phương lân cận.

2. Về điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp
      Các tổ chức (Dòng tu, giáo xứ, Ban Trị sự Phật giáo), cá nhân tôn giáo (Công giáo, Phật giáo) đã đầu tư về đất đai, cơ sở vật chất trường, lớp để thành lập các cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập, đồng thời đã huy động được nguồn lực từ đóng góp của xã hội để tăng cường các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ.
     Xuất phát từ thực tế, các trường mầm non công lập trên địa bàn các tỉnh, thành phố không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã tự nguyện hiến đất, kinh phí để xây dựng các cơ sở GDMN trên địa bàn với nguồn kinh phí lớn như: Tu viện Chúa Quan phòng đã đầu tư trên 22 tỷ đồng xây dựng trường Mẫu giáo Sao Mai, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ; Hội dòng Mến Thánh giá, TP. Huế  đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng trường Mầm non Bích Trúc… Nhiều các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã vận động các nhà hảo tâm tích cực tham gia phát triển GDMN, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn.
      Nhiều cơ sở GDMN được thành lập từ sự đóng góp, hiến đất của các nhà hảo tâm nhờ sự vận động của các vị chức sắc, nhà tu hành tôn giáo đã tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường (Trường Mầm non Bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm. TP Mỹ Tho, Tiền Giang; trường Mẫu giáo Họa Mi, Châu Phú, An Giang; trườngMầm non Quảng Tế, TP.Huế, Thừa Thiên Huế …)
     Theo báo cáo nhanh của các tỉnh/thành phố, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập có khoảng 3.620 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 96,7% (trong đó kiên cố đạt 56,4%). Các cơ sở đều đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ; 100% số trường được trang bị máy tính, nối mạng internet phục vục công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; có bếp ăn một chiều, có công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, có đồ chơi ngoài trời, sân chơi, phòng chức năng. Nhiều trường mầm  non có phòng  học, sân chơi rộng rãi, thoáng mát, trang thiết bị hiện đại, có phòng y tế đảm bảo tiêu chuẩn, có phòng khám nha khoa…(Trường Mẫu giáo Sa Pa, Quận I, TP. Hồ Chí Minh; Trường Mầm non Ánh Dương, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng; trường Mầm non Hùng Vương, tỉnh Tiền Giang…). Đã có 10 trường (3,7%) đạt chuẩn quốc gia (trong đó 1 trường đạt chuẩn mức độ 2); nhiều trường là những điển hình tiêu biểu về chất lượng, điều kiện cơ sở vật chất trên địa bàn (trường Mầm non Bông Hồng, Đức Trọng, Lâm Đồng; trường Mầm non Khai Sáng, Khánh Hòa; trường Mầm non Họa Mi, Bảo Lộc, Lâm Đồng; trường Mẫu giáo Hoa Anh Đào, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trường Mầm non Họa Mi, TP. Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc; Trường Mầm non Bích Trúc, TP.Huế …).
 
     Các trường đã coi trọng việc xây dựng môi trường cảnh quan sư phạm phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho trẻ. Hầu hết các cơ sở đều có phòng học nhạc và đây là thế mạnh của các trường do Công giáo tổ chức, quản lý.

3. Về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý (CBQL) các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập
     Đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập là các nữ tu, tăng ni hoặc giáo viên không thuộc các tổ chức tôn giáo đều được các cơ sở ký hợp đồng lao động, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. Đội ngũ CBQL, giáo viên về cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. CBQL, giáo viên và nhân viên thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan quản lý chuyên môn (Sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo). Nhiều trường có giáo viên âm nhạc được đào tạo bài bản, tổ chức tốt các hoạt động phát triển năng khiếu cho trẻ; có đội ngũ cán bộ làm công tác y tế như bác sĩ, nha sĩ, y sĩ hỗ trợ tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của trẻ; có giáo viên dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Nhiều trường là những điểm sáng trong công tác huy động và chăm sóc, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (Trường Mầm non Quảng Tế, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế; trường Mẫu giáo Mai Anh, quận 5, TP.Hồ Chí Minh…)
     Công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên được quan tâm thường xuyên; cán bộ quản lý và giáo viên đều được tham gia các lớp tập huấn, hội thi, các hoạt động, phong trào thi đua do ngành giáo dục địa phương tổ chức.
     Cán bộ, giáo viên trong các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập đã tham gia học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và tham gia các phong trào, hội thi của cấp học do ngành giáo dục ở địa phương phát động như: Hội thi tự làm đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, thi giáo viên dạy giỏi, thi Tiếng hát giáo viên và học sinh; tham gia triển khai các chuyên đề của ngành: "Đổi mới hoạt động giáo dục âm nhạc trong trường mầm non", "Đổi mới các hoạt động giáo dục làm quen chữ viết", "Đánh giá giáo viên tổ chức hoạt động vui chơi"... Trong đó nhiều trường dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải thưởng (trường Mẫu giáo Sơn Ca 5, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh; Trường Mầm non Hùng Vương, TP Mỹ Tho, Tiền Giang; trường Mẫu giáo Hoa Hồng, Trảng Bom, Đồng Nai…).
      Chế độ, chính sách cho đội ngũ được đảm bảo, giáo viên công tác tại các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập yên tâm, gắn bó với nghề. Đối với giáo viên hợp đồng không thuộc tổ chức tôn giáo, được hưởng lương, được đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và chế độ phụ cấp theo đúng quy định.
      Đội ngũ nhà giáo và CBQL trong các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc trẻ; Các giáo viên có nhiều cố gắng, tích cực, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm đảm bảo cho trẻ phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều nữ tu, các tăng ni là cán bộ quản lý, giáo viên tuy không nhận lương hàng tháng nhưng đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục, gắn bó cả cuộc đời mình để chăm lo cho trẻ, coi trường là nhà, chăm sóc, yêu thương trẻ như chính người thân của mình. Nhiều nữ tu, ni sư, sư cô là những tấm gương sáng để đội ngũ giáo viên học tập về lòng nhân hậu, đức hy sinh, sự cống hiến âm thầm vì sự nghiệp GDMN. Các cô giáo – các xơ, các ni sư luôn được phụ huynh tin yêu, quý trọng bởi họ đã thực sự là người thày giáo mẫu mực, là những người “sống tốt đời, đẹp đạo”.
 
       Ngoài việc đảm nhiệm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, cán bộ, giáo viên và nhân viên trong các cơ sở GDMN do các cá nhân tôn giáo thành lập còn tích cực hưởng ứng và thường xuyên tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hoạt động từ thiện xã hội do Mặt trận, ngành giáo dục và các ban, ngành, đoàn thể triển khai, góp phần tích cực xây dựng khối đoàn kết đạo – đời ngày càng vững mạnh.

4. Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và chính sách đối với trẻ
     Các cơ sở GDMN do các tổ chức và cá nhân tôn giáo thành lập đều thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT, không tuyên truyền các nội dung tôn giáo trong các cơ sở trường/lớp. Hầu hết các cơ sở GDMN đã quan tâm xây dựng được môi trường giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Trẻ được hoạt động trong một môi trường an toàn, thân thiện giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. 100% trẻ trong các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập được đảm bảo an toàn, chưa xảy ra trường hợp bạo hành đối với trẻ.
     Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho trẻ được thực hiện tốt. Hàng năm trẻ được khám sức khỏe định kỳ, theo dõi biểu đồ phát triển theo đúng quy định. 100% trẻ được ăn bán trú tại trường/lớp, chế độ dinh dưỡng cho trẻ tại trường đảm bảo, thực đơn được xây dựng cân đối, hợp lý, thực phẩm cung cấp cho bếp ăn nhà trường có nguồn gốc rõ ràng, các cơ sở đều ký hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các trường đều có biện pháp chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có nguy cơ thừa cân - béo phì.
     Trong các cơ sở mầm non tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập, trẻ được đối xử bình đẳng, không có chế độ chính sách riêng đối với trẻ là con em của đồng bào tôn giáo. Một số địa phương đã thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với trẻ theo quy định tại Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 và Quyết định 60/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng chính phủ như trẻ em trong các trường công lập (Trẻ em mẫu giáo (3, 4, 5 tuổi) mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật hoặc bị tàn tật, có khó khăn về kinh tế, trẻ có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng x 09 tháng/năm học để duy trì bữa ăn trưa tại trường) như: Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa… 
    Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ khuyết tật được nhiều cơ sở GDMN do các tổ chức và cá nhân tôn giáo thành lập tiếp nhận vào trường, lớp và miễn hoàn toàn học phí, hỗ trợ tiền ăn và các chi phí học tập khác (trường Mầm non Họa Mi, TP. Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc tổng kinh phí hỗ trợ cho trẻ là trên 24 triệu đồng/tháng; Trường Mầm non Bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm. TP Mỹ Tho, Tiền Giang miễn hoàn toàn tiền học phí và tiền ăn cho 223 trẻ đang học tại trường…).

5. Công tác quản lý
    Các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập được tổ chức và hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động Trường mầm non tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Về cơ bản, các cơ sở đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Giáo dục, Điều lệ Trường mầm non và Quy chế tổ chức và hoạt động Trường mầm non tư thục.
    Công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập, trong đó có các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập đã được các địa phương quan tâm. Ngành giáo dục và đào tạo đã làm tốt vai trò tham mưu cho UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát lại thủ tục cấp phép hoạt động của các trường/cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đang hoạt động trên địa bàn (Điều kiện thành lập trường, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên, chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ…). Công tác thanh, kiểm tra các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập đã có sự phối hợp của các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể của các cấp, như: Giáo dục, Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo, UBND phường, xã. Tại các cơ sở được khảo sát và qua báo cáo cửa các địa phương đều không có việc truyền bá tôn giáo trong nhà trường/cơ sở GDMN.
     Về quản lý hoạt động chuyên môn: Các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập đều thực hiện hoạt động chuyên môn đúng quy định theo sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.. Các nhóm, lớp thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn của các trường mầm non công lập trên địa bàn.
     Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở đã được tham gia họp giao ban định kỳ hàng tháng với khối ngoài công lập, tham gia các phong trào của cấp học, tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...  
Về quản lý hoạt động cấp phép:
- Phần lớn các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập đều được chính quyền địa phương cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ngày 15/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục.
- Việc đứng tên xin cấp phép thành lập và hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non tư thục do một cá nhân là chức sắc, tu sĩ của tôn giáo với tư cách công dân chịu trách nhiệm.
Về quản lý tài chính:
- Mức thu học phí của các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập thỏa thuận với phụ huynh học sinh, nhìn chung đều thấp hơn mức thu của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục khác.
- Hầu hết các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập, nguồn thu học phí do dòng tu, tu viện, nhà thờ, nhà chùa quản lý và chịu trách nhiệm toàn bộ các chi phí cho trang thiết bị phục vụ công tác tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, sinh hoạt phí cho đội ngũ.
- Một số cơ sở GDMN này đã thực hiện tự chủ về tài chính, chi trả lương cho giáo viên, chi thường xuyên về cơ sở vật chất, trang thiết bị như các cơ sở tư thục khác.
- Đối với cán bộ, giáo viên và nhân viên là nữ tu, nhà sư làm việc trong cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập được tổ chức tôn giáo thực hiện bảo hiểm trọn đời (chi sinh hoạt phí hàng tháng, lo viện phí khi ốm đau và trợ cấp khi về già…), đây là một chế độ rất nhân đạo, đặc thù của các tổ chức tôn giáo.
Về công tác tuyển sinh: Trong các cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo, công tác tuyển sinh được thực hiện bình đẳng, không phân biệt là trẻ thuộc gia đình theo tôn giáo nào.

II. Một số nhận xét và kiến nghị chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia phát triển GDMN
Nhận xét chung về thực trạng tôn giáo tham gia phát triển GDMN
1.1. Những mặt được
- Cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các cá nhân tôn giáo được  thành lập phát triển ở 39 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần giảm bớt gánh nặng cho các trường mầm non công lập trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ tới trường.
- Các cá nhân tôn giáo và một số tổ chức tôn giáo quan tâm đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vận động để tài trợ, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho các cơ sở GDMN nên điều kiện, trang thiết bị phục vụ chăm sóc, giáo dục trẻ về cơ bản đảm bảo đúng quy định. Nhiều trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đạt chuẩn Quốc gia.
- Các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập đã huy động trẻ em trên địa bàn đến trường/lớp đông bởi mức thu học phí phù hợp, thời gian đón trả trẻ linh hoạt (đón trẻ sớm, trả trẻ muộn), tinh thần thái độ phục vụ của các nữ tu, tăng ni hòa nhã, chăm sóc trẻ tận tình, chu đáo, tự nguyện, được phụ huynh tin tưởng.
 - Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là nữ tu, ni sư, sư cô đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục, chăm sóc trẻ, yêu thương trẻ, được phụ huynh tin yêu, quý trọng.
- Có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục, Mặt trận và các ban, ngành liên quan ở địa phương trong công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập, trong đó có các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập để đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
1.2. Những mặt hạn chế và nguyên nhân
- Vẫn còn một số cơ sở GDMN hoạt động nhưng chưa được cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ (chiếm khoảng 9,4%); nhiều nhóm/lớp có sĩ số trẻ vượt quá quy định của Điều lệ trường mầm non song không chuẩn bị các điều kiện, thủ tục để thành lập trường (thành phố Hà Nội).
- Trong các cơ sở GDMN do cá nhân công giáo thành lập, nữ tu làm công tác quản lý thường không ổn định, thay đổi theo sự luân chuyển, điều động của bề trên dòng tu, do vậy có ảnh hưởng nhất định trong công tác quản lý.
- Cơ sở vật chất của một số nhóm, lớp chưa đảm bảo đúng quy định, phòng sinh hoạt chung diện tích còn chật hẹp, thiếu đồ dùng, đồ chơi, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp (3,7%).
- Chưa có nhiều tôn giáo tham gia phát triển GDMN (hiện nay việc thành lập các cơ sở GDMN chỉ do cá nhân Công giáo và Phật giáo thực hiện).
- Nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập chưa được hưởng chính sách xã hội hóa giáo dục (đất đai, tín dụng…).
Nguyên nhân:
- Nhận thức về tôn giáo và việc phát huy vai trò của tôn giáo trong việc tham gia xã hội hóa GDMN ở một số địa phương còn chưa thống nhất.
- Công tác quản lý đối với giáo dục mầm non ngoài công lập nói chung và cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập nói riêng ở một số địa phương chưa được chú trọng.
        - Một số cơ sở giáo dục mầm non do các cá nhân tôn giáo phụ trách còn chưa tích cực, chủ động trong việc hoàn thiện các thủ tục đăng ký cấp phép thành lập, cấp phép hoạt động.
- Do điều kiện ngân sách của một số địa phương còn khó khăn nên chưa quan tâm hỗ trợ, đầu tư cho các cơ sở giáo dục mầm non do các cá nhân tôn giáo thành lập.
 
2. Một số kiến nghị chính sáchkhuyến khích các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia phát triển GDMN
2.1. Tăng cường công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập, trong đó có các cơ sở GDMN tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập. Các địa phương có kế hoạch bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL, giáo viên, đồng thời tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các cơ sở này.
     Thực hiện tốt chính sách đối với trẻ, đảm bảo trẻ em trong các cơ sở GDMN ngoài công lập được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 và Quyết định 60/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng chính phủ như trẻ em trong các trường công lập.
2.2. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá theo định kỳ công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan, để hướng dẫn cho loại hình GDMN do cá nhân tôn giáo thành lập phát triển đúng hướng. Thông tin kịp thời đến các tổ chức tôn giáo về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, các văn bản chính sách về công tác từ thiện nhân đạo trên địa bàn cả nước; Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tổ chức tôn giáo đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần phát triển GDMN.
2.3. Ủy ban nhân các tỉnh/thành phố cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo có đủ điều kiện, theo tinh thần Chỉ thị số 1940/CT/2008/CT-TTg, ngày 31/12 /2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất có liên quan đến tôn giáo, tạo cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập đã đủ điều kiện thành lập trường nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục.
2.4. Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia phát triển GDMN, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư. Các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cần tiếp tục quan tâm phối hợp với ngành giáo dục, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành liên quan huy động nguồn lực để phát triển GDMN.
2.5. Triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (sau khi có hiệu lực từ 1/1/2018), các tổ chức tôn giáo phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để đăng ký pháp nhân của tổ chức để có cơ sở pháp lý trong việc xây dựng và phát triển các cơ sở GDMN theo hướng hình thành các trường mầm non có pháp nhân độc lập theo quy định của pháp luật về giáo dục, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia tích cực và có hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xã hội hội hóa giáo dục, góp phần thể hiện vai trò xã hội của tôn giáo vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./. 


TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
  1. Quyết định số 239/2010/QĐ-TTg ngày 5/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập GDMN cho trẻ năm tuổi;
  2. Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, TN TN&N Đ của Quốc hội Khóa XIII, ngày 10/5/2014;
  3. Báo cáo số 28/BC-MTTW-BGDĐT, ngày 22/12/2014 của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam và Bộ GD&ĐT về tình hình các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non, Tài liệu phục vụ Hội nghị toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non;
  4. Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ, vận động các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh tham gia phát triển giáo dục mầm non;
  5. Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai về tình hình các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn Tỉnh (tháng 11/2014);
  6. Báo cáo của UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình các tôn giáo với việc tham gia phát triển Giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (tháng 11/2014);
  7. Báo cáo của UBMTTQVN tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Kon Tum, thành phố Cần Thơ về tình hình các tôn giáo với việc tham gia phát triển Giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh/thành phố (tháng 11/2014);
  8. Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh về bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo, tháng 10/2014.
 
                                     

Tác giả: Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.288-299.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay452
  • Tháng hiện tại19,870
  • Tổng lượt truy cập1,023,793
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây