PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG VIỆC THAM GIA HOẠT ĐỘNG BẢO TRỢ XÃ HỘI-THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Thứ hai - 16/05/2022 23:26

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG VIỆC THAM GIA HOẠT ĐỘNG  BẢO TRỢ XÃ HỘI-THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

TS.Tô Đức - Phó Cục trưởng, Cục Bảo trợ xã hội Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
 
      Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân”.
      Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”.
       Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy nghề cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được xây dựng, ban hành như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 quy định điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động, giải thể đối với các cơ sở bảo trợ xã hội, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.....Các văn bản nêu trên là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức tôn giáo xây dựng, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội.
      Đến nay, có 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đã được giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, trong đó: 37.348 trẻ em mồ côi, 88.594 người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, 1,495 triệu người cao tuổi trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, 90 ngàn người cao tuổi cô đơn, không nguồn nuôi dưỡng, 896.644 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 69.257 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc tại cộng đồng, 8.185 người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo. Kinh phí do ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội gần 15.000 tỷ đồng/năm.
       Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 413 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 218 cơ sở ngoài công lập, gồm 32 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 141 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 31 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 34 trung tâm công tác xã hội. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 42.000 đối tượng bảo trợ xã hội, cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho hàng chục ngàn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, số đối tượng là trẻ em, người khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%; số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm một tỷ lệ 19,3%; số đối tượng là người già cô đơn chiếm tỷ lệ 10,3%, còn lại là trẻ em, người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành và đối tượng khác. Bình quân 01 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 100 đối tượng. Tổng số cán bộ, nhân viên làm việc trong mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội khoảng 15.000 người. Các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, ngân sách nhà nước chi khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng và trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
 
I. TÌNH HÌNH VỀ CÁC CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI THUỘC CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO
          1. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo
      Trong giai đoạn vừa qua, để thúc đẩy sự phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, trong đó có các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, quy định nhiều nội dung liên quan đến các cơ sở trợ giúp xã hội, cụ thể:
 
a) Quy định điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động và giải thể các cơ sở trợ giúp xã hội

      Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 quy định điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động, giải thể đối với các cơ sở bảo trợ xã hội; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi; Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 8/10/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật; Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã quy định đối tượng phục vụ và chức năng nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội như sau:
- Đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội, bao gồm: (i) Đối tượng bảo trợ xã hội; (ii) Đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp: Trẻ em bị bỏ rơi; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; (iii) Những người không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội nhưng không có điều kiện sống ở gia đình và có nhu cầu vào sống ở cơ sở bảo trợ xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí (sau đây gọi chung là đối tượng tự nguyện); (iv) Đối tượng xã hội khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
      Về chức năng, nhiệm vụ: Các cơ sở trợ giúp xã hội do cá nhân, tổ chức tôn giáo thành lập thực hiện các chức năng, nhiệm vụ sau: (i) Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt; Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; (ii) trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hoá, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ của từng nhóm đối tượng; (iii) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách; (iv) Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống; (v) Cung cấp dịch vụ về công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình có vấn đề xã hội ở cộng đồng (nếu có điều kiện).
 
b) Quy định tiêu chuẩn chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội
       Để nâng cao chất lượng chăm sóc, trợ giúp các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25/2/2011 quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Thông tư quy định quy trình tiếp nhận và chăm sóc đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Tiếp nhận thông tin, yêu cầu của đối tượng; tổ chức sàng lọc và phân loại đối tượng; đánh giá về tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe và các nhu cầu của đối tượng; lập kế hoạch chăm sóc đối tượng; thực hiện kế hoạch chăm sóc; thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích và đánh giá sự tiến triển của đối tượng; giám sát, đánh giá các hoạt động chăm sóc và điều chỉnh kế hoạch chăm sóc nếu cần thiết; lập kế hoạch dừng chăm sóc và tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng.
        Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở tôn giáo bao gồm: Tiêu chuẩn về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng, tiêu chuẩn về giáo dục và học nghề, tiêu chuẩn về văn hóa, thể thao và giải trí, tiêu chuẩn về môi trường, khuôn viên và nhà ở.
 
c) Quy định cơ chế khuyến khích xã hội hóa
       Một số văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế khuyến khích xã hội hóa đã được ban hành như: Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 và Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 6/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục chi tiết các loại hình tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường, cụ thể:
- Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trong đó có các cơ sở trợ giúp xã hội do các tổ chức tôn giáo thành lập theo quy định của pháp luật được hưởng chính sách xã hội hóa theo Nghị định 693/QĐ-TTg ngày 6/5/2013.
- Nội dung chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa:
 (i) Ưu đãi về thuê đất và miễn tiền thuê đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất;
(ii) Vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất thấp; vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển ở địa phương;
(iii) Miễn các khoản phí, lệ phí khác liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác liên quan đến hoạt động đầu tư cơ sở chăm sóc theo quy định của pháp luật về thuế;
(iv) Đối với các cơ sở thuê, sử dụng cơ sở vật chất, đất đai hiện có do nhà nước quản lý để cải tạo, xây dựng cơ sở thì được nhà nước cho thuê dài hạn với giá ưu đãi bao gồm: tiền thuê đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng và kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng;
(v) Ưu đãi về tín dụng;
(vi) Huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, vốn góp từ người lao động trong đơn vị, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa, các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập nói chung và các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội, công tác nhân đạo đối với những đối tượng yếu thế, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.
d) Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội: Căn cứ Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 20/4/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1520/QĐ-LĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025,với các nội dung cụ thể như sau:
- Mục tiêu cụ thể: Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đạt tối thiểu 60% số cơ sở. Đến năm 2020, số người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ và quản lý trường hợp từ các cơ sở trợ giúp xã hội đạt 50% và năm 2025 đạt 75%, trong đó, ưu tiên trợ giúp người cao tuổi không có người phụng dưỡng, người tâm thần, người khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố. Đến năm 2025, tất cả các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm các điều kiện tối thiểu tiếp cận đối với người khuyết tật.
- Nội dung quy hoạch: Hình thành, phát triển 461 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó có 189 cơ sở công lập và tối thiểu 272 cơ sở ngoài công lập với tổng quy mô phục vụ: Nâng công suất phục vụ tại các cơ sở trợ giúp xã hội lên 70.000 đối tượng vào năm 2020 và 140.000 đối tượng vào năm 2025.
 
2. Hiện trạng mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tôn giáo
       Hiện nay, cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo, hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số 2.600 nhân viên, bình quân 1 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng bảo trợ xã hội. Các cơ sở trợ giúp xã hội có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều loại đối tượng khác nhau. Các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp nhiều nhóm dịch vụ khác nhau như (i) chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; (ii) tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; (iii) cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; (iv) hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Các cơ sở trợ giúp xã hội đã phần nào đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
a) Quy mô chăm sóc của các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo:
   Hiện nay, trên phạm vi toàn quốc, các tổ chức tôn giáo có 113 cơ sở đã thực hiện thủ tục thành lập theo quy định của pháp luật; các cơ sở được phân bố ở các vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra còn có trên 50 cơ sở trợ giúp xã hội của các tổ chức tôn giáo nuôi dưỡng, chăm sóc từ 10 đối tượng trở lên chưa thực hiện thủ tục thành lập theo quy định của pháp luật, đa số các cơ sở này tập trung tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Lâm Đồng...
Các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo không chỉ hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội là tín đồ của các tôn giáo mà còn hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo tại các địa phương. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, hiện nay, các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội/năm, trong đó có trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người khuyết tật, người cao tuổi, người tâm thần và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác.
 
b) Về dịch vụ do cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo cung cấp:
- Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS...
- Tổ chức lao động sản xuất, phục hồi chức năng cho đối tượng. Phần lớn các cơ sở liên kết với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần cho đối tượng được nuôi dưỡng, chăm sóc tại một số cơ sở do các tổ chức, cá nhân tôn giáo như Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng, Trường nuôi dạy trẻ mồ côi Pháp Võ tại Tp. Hồ Chí Minh; cơ sở bảo trợ Minh Đức tại tỉnh Tây Ninh; cơ sở BTXH ngoài công lập Nhà tình thương Chùa Bửu Châu tại tỉnh Gia Lai; cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Vinh Sơn I tại tỉnh Kon Tum...
 - Trợ giúp các đối tượng tham gia các hoạt động tập thể. Tại một số cơ sở tổ chức các hoạt động xã hội như: hội thi giọng hát hay, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, tổ chức kéo co và các hoạt động tự quản, văn hoá, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ của từng nhóm đối tượng.
- Phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở để trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
- Nhiều cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo tại một số tỉnh, thành phố như cơ sở bảo trợ xã hội Nhà tình thương Chùa Bửu Châu tại tỉnh Gia Lai; Lớp khiếm thính Mai Anh (thành phố Đà Lạt); Cơ sở Bảo trợ xã hội Dưỡng lão tình thương Suối Tiên tại tỉnh Đồng Nai... đã bước đầu cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm người dân có hoàn cảnh khó khăn, gồm: Đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của đối tượng để cung cấp những hỗ trợ tâm lý xã hội và các dịch vụ chăm sóc; quản lý trường hợp; trị liệu tâm lý cho đối tượng; hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội theo quy định của pháp luật; vận động xã hội hỗ trợ đối tượng; hỗ trợ chăm sóc đối tượng tại gia đình, cộng đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội về lĩnh vực chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng; cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng; cung cấp các hỗ trợ khẩn cấp liên quan đến rối loạn tâm lý, khủng hoảng tâm lý.

c) Về cơ sở vật chất của các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo:
        Các tổ chức tôn giáo đã đầu tư về đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng cơ sở để nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng. Trên cơ sở đó, các tổ chức tôn giáo đã huy động thêm nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quốc tế, cá nhân... để bảo đảm các nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cơ sở và cộng đồng.
      Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, phục hồi cho đối tượng, một số tổ chức tôn giáo đã tự nguyện hiến đất, hỗ trợ kinh phí để xây dựng một số cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn; nhiều tổ chức tôn giáo đã vận động các nhà hảo tâm tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần cùng với các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc đối tượng hiệu quả, bền vững.
        Một số cơ sở tại các tỉnh, thành phố như: Cơ sở Mái ấm tình thương, Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ em mồ côi và Người khuyết tật Thiện Tâm tại tỉnh Bình Thuận; Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái, Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hưng Phước tại tỉnh Cà Mau; Trung tâm Bảo trợ xã hội “Mái ấm Long Thành” tại tỉnh Vĩnh Long; Mái ấm hy vọng Vincente tại tỉnh Quảng Bình; Cơ sở Nhà trẻ mồ côi Long Phước tại tỉnh Bạc Liêu....đã được đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng phần nào nhu cầu hỗ trợ của đối tượng. Tuy nhiên, còn có một số cơ sở bảo trợ  xã hội do tổ chức tôn giáo thành lập chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25/2/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Diện tích của một số cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo còn chật hẹp, đa số tại các cơ sở thờ tự của tôn giáo, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội như người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mồ côi, người khuyết tật....

d) Về đội ngũ nhân viên, cộng tác viên làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo:
      Đội ngũ nhân viên, cộng tác viên trong các cơ sở trợ giúp xã hội của các tổ chức tôn giáo là các chức sắc, chức việc, nam nữ tu sĩ và tín đồ các tôn giáo tình nguyện tham gia nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại các cơ sở của tổ chức, cá nhân tôn giáo khoảng 2.600 người, bình quân 1 cơ sở trợ giúp xã hội có khoảng 23 nhân viên. Nhân viên, cộng tác viên tại các cơ sở thuộc tổ chức tôn giáo có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều cơ sở tổ chức tốt các hoạt động phát triển kỹ năng cho trẻ; có đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội, y tế như bác sĩ, phục hồi chức năng, trị liệu, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ tư vấn, tham vấn tốt; nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đối với các đối tượng tại các cơ sở.
        Tuy nhiên, đa số các cơ sở trợ giúp xã hội của các tổ chức tôn giáo hoạt động theo tôn chỉ, mục đích tôn giáo, từ thiện nên người quản lý phần lớn là những người đứng đầu cơ sở tôn giáo như sư trụ trì chùa hoặc linh mục, tu sĩ do tổ chức tôn giáo chỉ định hoặc do cá nhân chức sắc phát tâm thực hiện; nhân viên phục vụ, chăm sóc làm việc thiện nguyện. Do đó, còn nhiều nhân viên phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa được tham gia các lớp đào tạo về công tác xã hội, chăm sóc đối tượng... Điều này ảnh hưởng tới hiệu quả việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng tại các cơ sở.
      Hàng năm, một số cơ sở của tổ chức tôn giáo đã cử nhân viên tham gia chương trình đào tạo, tập huấn của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác xã hội, chăm sóc, trợ giúp đối với người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi.
        Ngoài công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, các nhân viên, cộng tác viên tại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo còn tích cực hưởng ứng và thường xuyên tham gia các phong trào, các cuộc vận động, hoạt động từ thiện xã hội do Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể triển khai, góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết đạo - đời ngày càng vững mạnh.
 
          đ) Về chất lượng chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội của các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo:
        Thực hiện Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ sở trợ giúp xã hội do các tổ chức tôn giáo thành lập đã quan tâm, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện giúp cho đối tượng phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Nhiều cơ sở đã quan tâm đến công tác khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sự phát triển của đối tượng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; lập hồ sơ quản lý đối tượng theo quy định như cở sở tình thương Vinh Sơn tại tỉnh Đắk Lắk; cơ sở bảo trợ xã hội Nhà tình thương Tổ đoàn kết Thuận An tại tỉnh Bình Dương; cơ sở bảo trợ Mái ấm Nhân Ái, cơ sở bảo trợ xã hội Phước Phúc, cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Chùa Thanh Sơn tỉnh Khánh Hòa...
        Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi đã được các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo tiếp nhập vào cơ sở, nuôi dưỡng hoàn toàn miễn phí, trẻ được đến trường theo đúng độ tuổi và học trung cấp, cao đảng, đại học theo năng lực và khả năng... Tuy nhiên, đa phần kinh phí đều do nhà chùa, nhà thờ, các chức sắc tôn giáo tự huy động, nên còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc chăm sóc, trợ giúp đối tượng.
 
e) Công tác quản lý của các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo
       Các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật. Đa số cơ sở đã thực hiện thủ tục xin cấp phép thành lập, cấp phép hoạt động và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và Quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội. Các cơ sở đều được chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý tạo điều kiện thực hiện thủ tục thành lập.
       Công tác quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội do tổ chức tôn giáo ngoài công lập đã được các địa phương quan tâm. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm tốt vai trò tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cơ sở trợ giúp xã hội, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát thủ tục cấp phép hoạt động của các cơ sở tôn giáo ngoài công lập đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở tôn giáo đều có sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, như: ngành Lao động  - Thương binh và Xã hội, Công an, Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo, UBND các cấp.
- Về quản lý hoạt động chuyên môn: Đa số các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đều tổ chức hoạt động chăm sóc, trợ giúp đối tượng theo sự hướng dẫn hàng năm của cơ quan quản lý nhà nước và quy định của pháp luật...
- Về Quản lý tài chính, tài sản: Đa số các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo thực hiện quản lý tài chính, tài sản theo các quy định của pháp luật. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ sở gồm: Nguồn tự có của chủ cơ sở, nguồn trợ giúp từ các tổ chức trong nước và nước ngoài, nguồn đóng góp của đối tượng tự nguyện, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật; có một số cơ sở trợ giúp xã hội đã nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để nuôi dưỡng các đối tượng. Cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động tài chính định kỳ và hàng năm theo quy định của pháp luật với cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan quản lý trực tiếp.
 
II. ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA CÁC CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI THUỘC CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO
1. Ưu điểm
-  Các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đã tiếp nhận, chăm sóc và trợ giúp cho nhiều nhóm đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau, trong đó cơ bản là người khuyết tật, tâm thần, trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi, người cao tuổi cô đơn, còn lại là người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành và đối tượng khác.
-  Kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được huy động từ cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, góp phần chia sẻ với Nhà nước trong việc chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, đạt được đồng thuận của cộng đồng, xã hội trong hoạt động bảo trợ xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố đã giải quyết chế độ trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội cao hơn theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương...
-  Các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo cung cấp các dịch vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó các cơ sở rất quan tâm việc dạy dỗ, giáo dục và tạo điều kiện cho các em tham gia học tập nâng cao kiến thức để hòa nhập với cộng đồng xã hội.
- Đa số các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về đăng ký hoạt động, tiếp nhận, chăm sóc đối tượng...
2. Khó khăn, tồn tại
  - Công tác quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành phố đối với các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ thuộc các tổ chức tôn giáo còn mang tính chất hành chính; chưa chủ động tiếp cận, hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở cũng như chưa kịp thời chấn chỉnh đối với các cơ sở hoạt động chưa đúng quy định; các tỉnh, thành phố chưa chú trọng xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội định kỳ và đột xuất.
- Việc triển khai chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội chưa thống nhất tại một số địa phương. Một số tỉnh, thành phố chưa thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập nói chung và cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo nói riêng.
- Hiện còn nhiều cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đã tổ chức nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội nhưng không đủ điều kiện để thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định. Điều này dẫn đến việc một số đối tượng bảo trợ xã hội sống trong cơ sở này chưa được giải quyết các chính sách trợ giúp xã hội như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí. Công tác đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu cho trẻ em bị bỏ rơi chưa được quan tâm, chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
- Các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo hiện nay mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống, chưa cung cấp các loại dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội.
- Một số cơ sở trợ giúp xã hội có cơ sở vật chất bị xuống cấp, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng; các cơ sở gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động, nâng cấp cơ sở vật chất và chăm sóc đối tượng, đào tạo nhân viên.
- Nhân viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội, thiếu kỹ năng và phương pháp chăm sóc khoa học, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng.
- Một số trường hợp người đứng đầu cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thuộc các tổ chức tôn giáo chưa nhận thức đúng về nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích khi thực hiện thủ tục thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật.
  - Một số trường hợp người đứng đầu, nhân viên của một số cơ sở trợ giúp xã hội của các tổ chức tôn giáo chưa qua đào tạo công tác xã hội hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau. Các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo thường làm công tác nhân đạo, cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh. Do vậy, việc làm hồ sơ, thủ tục để tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng chưa được thực hiện tốt theo quy định; nghiệp vụ quản lý, chăm sóc đối tượng còn yếu; việc đăng ký khai sinh cho trẻ em còn chưa kịp thời... Các cơ sở trợ giúp xã hội thiếu sự liên kết, kết nối mang tính hệ thống với các cơ quan phúc lợi xã hội, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác.
- Chất lượng chăm sóc, trợ giúp xã hội của một số cơ sở trợ giúp xã hội còn hạn chế, chưa thực hiện theo tiêu chuẩn chăm sóc quy định tại Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25/2/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
- Một số cơ sở trợ giúp xã hội thuộc tổ chức tôn giáo đặt trong khuôn viên cơ sở thờ tự của các tôn giáo (như ở tại các chùa, cạnh nhà thờ, nhà dòng...). Một số cơ sở còn hướng dẫn các đối tượng là trẻ em trong cơ sở thực hiện một số nghi thức tôn giáo theo quy định, nội quy của cơ sở hay giáo lý tôn giáo.
- Các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay chủ yếu được thành lập trong 02 tôn giáo là Công giáo và Phật giáo; các tôn giáo khác tham gia còn ít, chưa có quy mô thành lập trung tâm/cơ sở hoặc chưa tham gia hoạt động này.
 
III. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CÁC CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI THUỘC CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO
1. Tiếp tục thực hiện đúng và đẩy mạnh việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia các hoạt động bảo trợ xã hội nhằm củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng các cơ sở do các tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường rà soát, kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội nói chung và cơ sở trợ giúp xã hội do các cá nhân, tổ chức tôn giáo nói riêng.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi đối với các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo.
3. Tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành để thống nhất hướng dẫn, thực hiện các biện pháp tháo gỡ các vướng mắc cho các cơ sở thực hiện thủ tục thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo đúng quy định; tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy banTrung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức tôn giáo với chính quyền các cấp trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội nói chung và các cơ sở của các cá nhân, tổ chức tổ chức tôn giáo.
4. Tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội điển hình do các tổ chức tôn giáo thành lập nhằm nhân rộng các mô hình tốt ra các địa phương và các tôn giáo khác học tập; kịp thời phát hiện, biểu dương cá nhân, tập thể tôn giáo đã làm tốt công tác xã hội hóa, góp phần phát triển hệ thống trợ giúp xã hội.
5. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở, tổ chức thực hiện chế độ trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở ngoài công lập theo quy định; chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội cho các cơ sở thuộc cá nhân, tổ chức tôn giáo.
6.  Các địa phương cần chú trọng phát triển quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập của các tổ chức tôn giáo, tạo điều kiện để các cơ sở phát triển, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa tăng cường khối đại đoàn kết đạo đời.
7.  Các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cần tiếp tục quan tâm phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền các cấp huy động nguồn lực tham gia phát triển hệ thống trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật./.
 
 
 
 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật số 39/2009/QH12 của Quốc hội: Luật Người cao tuổi;
2. Luật số 51/2010/QH12 của Quốc hội: Luật Người khuyết tật;
3. Luật số 102/2016/QH13: Luật Trẻ em;
4. Luật số 02/2007/QH12: Luật Phòng chống bạo lực gia đình;
5. Luật số 74/2014/QH13: Luật Giáo dục nghề nghiệp;
6.  Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 quy định điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động, giải thể đối với các cơ sở bảo trợ xã hội;
7.  Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
8. Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
9. Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;              
10. Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 và Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 6/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục chi tiết các loại hình tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường;

11. Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 20/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025;
12. Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020;
13. Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020;
14. Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25/2/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội;
15. Báo cáo công tác bảo trợ xã hội năm 2015, 2016 của Cục Bảo trợ xã hội.

Tác giả: Tư liệu - Thăng Long Library. Trích đăng Kỷ yếu Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Tr.77-95.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1,236
  • Tháng hiện tại36,885
  • Tổng lượt truy cập723,249
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây